Thứ 2, 20/05/2024 13:51:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:21, 26/10/2020 GMT+7

Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Trần Thể
Thứ 2, 26/10/2020 | 18:21:03 717 lượt xem
BPO - Đây là ý kiến của đại biểu Huỳnh Thành Chung tại phiên thảo luận trực tuyến của Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV về dự thảo Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh vào chiều nay 26-10.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Đây cũng là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Đại biểu Huỳnh Thanh Chung phát biểu thảo luận chiều 26-7

Với mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển xứng tầm vai trò, vị thế đã có sẵn, đại biểu Huỳnh Thành Chung nhấn mạnh tính cần thiết của nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đã có đánh giá kết quả thí điểm thực tiễn tốt sau 6 năm. Việc cung cấp dịch vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyện vọng của nhân dân được chú trọng và nâng cao.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung cho biết, qua nghị quyết này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tinh gọn bộ máy cấp phường, cấp quận. Theo tính toán sơ bộ, giảm hơn 500 đại biểu chuyên trách cấp phường và cấp quận; giảm khoảng 800 vị trí việc làm khi sát nhập 3 quận, huyện thành thành phố trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, giảm chi ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi nhiệm kỳ.

Theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng như tiến trình hình thành hệ thống Chính phủ điện tử nhằm tăng cường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Vì vậy, đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta mạnh dạn tạo thế và lực thông qua hình thức cải cách thể chế của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó tạo điều kiện cho thành phố phát triển, làm đòn bẩy phát triển cho các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ những yêu cầu đó, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị các đại biểu và Quốc hội xem xét cho thông qua nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ họp này để có hiệu lực vào ngày 1-7-2021 như dự thảo. Để tạo tính ổn định về phát triển lâu dài, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị Quốc hội xem xét không dùng thuật ngữ “thí điểm” nữa. Đồng thời, kiến nghị thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua cùng với việc tiếp tục đề xuất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025.

“Chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, quan tâm đến đầu tư hạ tầng kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt chú trọng đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố mới trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh”, đại biểu Huỳnh Thành Chung nhấn mạnh.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội,  việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách. Đây cũng là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố. Do vậy, nghị quyết là cơ sở pháp lý cần thiết để thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ 2020-2025.

  • Từ khóa
111685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu