Thứ 6, 10/05/2024 00:50:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:27, 16/08/2012 GMT+7

Những tấm lòng vì người nghèo

Thứ 5, 16/08/2012 | 16:27:00 1,360 lượt xem

Những năm gần đây, cuộc vận động học và làm theo gương Bác đã lan tỏa rộng khắp trong cả nước. Mỗi tỉnh, thành phố; quận, huyện; xã, phường và thôn, ấp, làng bản, cơ quan, đơn vị... đều có cách học, cách làm theo Bác ở những lĩnh vực khác nhau, song đều mang lại hiệu quả thiết thực. Hội Chữ thập đỏ xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài đã chọn học và làm theo Bác về các tinh thần “tương thân, tương ái”, bằng việc xây dựng các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... Sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng đã và đang làm vơi bớt những khó khăn của nhiều hộ nghèo, neo đơn.

NHỮNG MÔ HÌNH THẤM ĐẪM TÌNH NGƯỜI

Hội Chữ thập đỏ xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) luôn dẫn đầu thị hội Đồng Xoài về hoạt động cứu trợ, vận động nhà hảo tâm trợ giúp đối tượng khó khăn. Nhận thức được ý nghĩa thiết thực trong mỗi phần việc, từng thành viên của hội đã đến tận ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền và kêu gọi ủng hộ. Nói về những khó khăn trong hoạt động này, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Tân Thành, Bùi Thị Thuy chia sẻ: “Người dân còn nghèo nên để thuyết phục mọi người ủng hộ tiền của, vật chất giúp đỡ là không dễ. Để làm tốt công tác này, cán bộ phải đầu tàu gương mẫu”. Từ suy nghĩ đó, chị Thuy đã nhận nuôi một cháu nhỏ mồ côi cha mẹ, dù cuộc sống của chị phải chật vật với đồng lương ba cọc ba đồng. Cũng vì vậy mà nhiều cán bộ, hội viên đã hưởng ứng nhiệt tình, tạo nên phong trào người tốt, việc tốt.

Bà Nhung (áo trắng) hỗ trợ gạo cho đối tượng khó khăn

Năm 2008, hội đã vận động các nhà hảo tâm nhận trợ giúp thường xuyên 7 đối tượng khó khăn, người già neo đơn, trẻ mồ côi, tàn tật. Đến nay, toàn xã có 46 đối tượng được nhận trợ giúp thường xuyên, trong đó có 2 hộ đã thoát nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2012, từ quỹ vận động, hội đã giúp 65 lượt người, quy thành tiền hơn 19,5 triệu đồng; duy trì “Hũ gạo tình thương” ở 6 chi hội được 620kg, trợ giúp 17 lượt người. Ngoài ra, hội đã vận động chi hội Nhơn Hòa cùng đoàn y, bác sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm, tặng 100 phần quà; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí 360 lượt người; tặng 1 xe lăn cho người khuyết tật... với tổng giá trị 61,2 triệu đồng.

Tân Thành có 10 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,6% số dân toàn xã nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, từ “Hũ gạo tình thương”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Đó là cách để mọi người thể hiện tình thương, trách nhiệm với cộng đồng, cùng chính quyền địa phương chung sức xóa đói giảm nghèo. Bà Bùi Thị Hồng, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Tân Thành nói: “Mỗi phần việc nhỏ là minh chứng cho việc làm theo Bác”.

“THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN”

“Học Bác thì dễ nhưng làm theo Bác mới khó. Nhìn vào hành động nhường cơm sẻ áo cho đồng bào, đồng chí của Người mà mỗi chúng ta tự soi lại mình để sống đúng đạo lý”, đó là lời tâm sự của bà Bùi Thị Nhung (ấp 4) - người có thâm niên 20 năm làm việc thiện.

Bà Nhung cho biết thêm: “Cuộc đời tôi học theo 3 điều ở Bác: Lối sống giản dị, tình thương yêu con người và nói đi đôi với làm. Mỗi chúng ta hãy sống có trách nhiệm với cộng đồng, đó mới thực sự là công dân yêu nước”. 20 năm qua, bà Nhung trở thành “địa chỉ đỏ” thân thiện với bao hoàn cảnh bất hạnh, được người dân tin yêu, quý trọng. Đến nay, bà đã giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và đang trợ giúp thường xuyên 4 đối tượng trong xã, với số tiền 150-300 ngàn đồng/quý và hỗ trợ gạo cho 10 gia đình nghèo khó. Hằng năm, tổng số tiền làm từ thiện của bà gần 30 triệu đồng. Bà Nhung còn cho nhiều hộ vay vốn để phát triển sản xuất. Chị Lưu Thị Mùi ở ấp 4 (là mẹ của cháu Bùi Văn Thái - đối tượng tàn tật được bà Nhung nhận trợ cấp thường xuyên 4 năm nay, với số tiền 300 ngàn đồng/quý), xúc động nói: Gia đình tôi nghèo khó, cái ăn không đủ, nếu không có bác Nhung giúp đỡ, không biết mẹ con tôi xoay xở ra sao.

Chị Nguyễn Thị Lan ở ấp 3 được nhiều người biết đến bởi tấm gương sáng trong làm việc thiện. Hiện trong nhà chị lúc nào cũng có hũ gạo tình thương và con heo đất. 6 năm qua, việc bớt nửa lon gạo vào hũ gạo tình thương trước khi nấu cơm hằng ngày và bỏ tiền nuôi heo đất, đã trở thành nếp sống của gia đình chị Lan. Mỗi khi hũ gạo 5kg đầy thì chị lại mang đi giúp đỡ người nghèo khó, người ốm đau, bệnh tật trong xóm ngoài làng. Ngoài ra, gia đình chị còn chắt chiu dành dụm, nhận trợ cấp thường xuyên theo quý 4 trẻ mồ côi, người già neo đơn, khó khăn trong xã, với 200 ngàn đồng/đối tượng và hỗ trợ gạo cho 3 đối tượng gần 10kg/phần. Hơn 6 năm làm từ thiện, gia đình chị Lan đã giúp 20 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lan bộc bạch: “Làm việc thiện là từ cái tâm muốn giúp người hoạn nạn, cơ nhỡ. Đồng thời mình muốn giáo dục các con sống có trách nhiệm với xã hội”. Từ việc làm có ích được hội viên, người dân đồng tình hưởng ứng nên khi chị đến từng nhà vận động không còn khó khăn như trước. “Nhà nào kinh tế dư dả thì góp nhiều, có ít thì góp ít. Hiện chị vẫn còn 40kg gạo do người dân góp để dành cấp cho các đối tượng trong những tháng tới” - chị Lan vui vẻ nói. Bà Võ Thị Bạch ở ấp 3 xúc động: “Gia đình nghèo khó, chị em tôi nuôi mẹ già bị bệnh nặng, được chị Lan giúp đỡ, chúng tôi sẽ cố gắng làm để xứng đáng với tình cảm đó”.

Hải Châu

  • Từ khóa
111511

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu