Thứ 6, 17/05/2024 08:02:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:03, 12/10/2013 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng một cựu chiến binh ở Phú Riềng

Thứ 7, 12/10/2013 | 13:03:00 284 lượt xem

Chiều tối 9-10, tôi ghé thăm cựu chiến binh Nguyễn Chính Niên ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập). Tôi muốn được chia sẻ cảm xúc của một cựu chiến binh, xem có giống cảm xúc của tôi - một người trẻ sinh ra sau chiến tranh, chưa qua quân ngũ, nhưng có một tình cảm đặc biệt và sự ngưỡng mộ, tôn kính khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi “như chim đại bàng bay về nơi vô tận” (GS Phan Huy Lê). Không rơi nước mắt như người trẻ, những người lính năm xưa của Đại tướng có cách riêng bày tỏ tình cảm thiêng liêng của họ.

Cựu chiến binh Nguyễn Chính Niên cho biết từ hôm Đài truyền hình Việt Nam đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông đau buồn lắm. Gặp bạn bè, đồng đội, ông chỉ nói chuyện về Đại tướng cho khuây khỏa.


Khu đồi nơi an táng thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông đưa ra tấm thẻ thường được phát cho đại biểu kẹp trên ngực áo khi đi dự hội nghị, rồi nói: “Cựu chiến binh chúng tôi thống nhất mỗi người làm một cái băng tang, cắt gọn lại từ tấm thẻ này, để đeo lúc làm lễ truy điệu Đại tướng. Chúng tôi sẽ dự lễ truy điệu Đại tướng tại hội trường của xã, qua truyền hình trực tiếp. Nhân dân cả nước cũng sẽ theo dõi lễ truy điệu Đại tướng qua truyền hình. Tất cả những việc này chúng tôi đều tự nguyện, không ai bảo ai, không ai đứng ra tổ chức, mà xuất phát từ ý thức của mọi người. Điều đó nói lên tình cảm, sự kính trọng của nhân dân với Đại tướng. Ông không chỉ là Đại tướng quân đội, mà còn là Đại tướng của nhân dân”.

Với niềm xúc động lẫn tự hào, cựu chiến binh Nguyễn Chính Niên đã kể cho tôi nghe câu chuyện ông từng một lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù rất ngắn ngủi. Ông nói: “50 năm rồi, tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh của Đại tướng như mới hôm qua”. Năm 1964, cựu chiến binh Nguyễn Chính Niên lúc đó 20 tuổi, nhập ngũ được hơn một năm, đơn vị đại đội 13, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 101, Sư đoàn 35, đang huấn luyện ở chân đèo Lý Hòa, xã Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, để chuẩn bị vào chiến trường miền Nam.

Ông kể: “Tôi không nhớ chính xác hôm đó ngày bao nhiêu, nhưng tháng 4 tháng 5, giữa mùa hè, nóng lắm. Khoảng 10 giờ sáng, trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi đang tập chiến thuật đánh công kiên chuyển sang đánh vây lấn. Cả đại đội lăn lê bò toài, người đẫm mồ hôi. Bất ngờ, có trực thăng đáp xuống, một lát sau Đại đội trưởng của tôi, Trung úy Nguyễn Quốc Kỳ khẩu lệnh đại đội đứng dậy và hô “nghiêm”, rồi dõng dạc nói: “Tôi, Trung úy Nguyễn Quốc Kỳ, Đại đội trưởng đại đội 13, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 101, Sư đoàn 35, báo cáo đại đội đang huấn luyện, xin chỉ thị Đại tướng”. Trước đó, tất cả không ai hay biết có cấp trên đến thăm, nhưng chúng tôi nhận ra ngay ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó chúng tôi xúc động lắm. Đại tướng hỏi “Huấn luyện như thế này đã chắc thắng chưa?”, cả đại đội không được chuẩn bị trước, nhưng đồng thanh hô to “chắc thắng”. Sau đó Đại tướng nhắc nhở, dặn dò đơn vị phải vừa huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển ở Lý Hòa, vì lúc đó có nhiều biệt kích Mỹ, ngụy từ bờ biển xâm nhập vào. Hỏi thăm, nhắc nhở xong, diễn ra khoảng 30 phút, Đại tướng ra chỉ thị cho đơn vị tiếp tục tập luyện trở lại, rồi ông về làm việc với sư đoàn. Cảm giác của chúng tôi lúc đó thấy vị Đại tướng của mình sao giản dị, gần gũi, tình cảm đến thế”.

Thời gian sau, chiến sĩ Nguyễn Chính Niên còn được nghe kể lại chuyện Đại tướng đáp máy bay xuống đơn vị, sư đoàn chuẩn bị trước, đã căng một chiếc dù che nắng để Đại tướng làm việc và quan sát thao trường. Nhưng vừa tới nơi, Đại tướng nói “bộ đội đang huấn luyện ngoài trời, chúng ta không đứng dưới dù che nắng được”, sau đó Đại tướng đi ngay ra thao trường.

“Đời lính chúng tôi, được gặp Đại tướng trước khi vào chiến đấu, dù chỉ trong chốc lát, cũng là một vinh dự và khích lệ rất lớn, không phải ai cũng có. Ông ở trong chúng tôi không chỉ là vị Tổng tư lệnh kiệt xuất “đánh là thắng”, thắng mọi đối thủ, mọi kẻ xâm lược, mà đúng như sử sách đã gọi, ông là “anh Cả” của chúng tôi. Dù biết ông đã cao tuổi, có thể ra đi bất kỳ lúc nào, nhưng khi nghe tin ông ra đi, tôi vẫn sững sờ, muốn khóc. Chúng tôi tự hào vì ông”, cựu chiến binh Nguyễn Chính Niên xúc động.

Trần Phương

  • Từ khóa
101234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu