Thứ 4, 08/05/2024 09:55:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:00, 28/06/2020 GMT+7

Chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28-6

“Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”

Lệ Quyên
Chủ nhật, 28/06/2020 | 07:00:00 2,735 lượt xem
BPO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác gia đình. Người khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình được xem là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, để hạnh phúc gia đình được bền chặt, mỗi người càng phải có sự thấu hiểu, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau.

Giá trị bền vững của mỗi gia đình

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày gia đình Việt Nam (28-6-2001-28-6-2020), gia đình anh Trần Tuấn Anh, chị Dương Thị Tròn được Trung ương Hội LHTN Việt Nam xét chọn là một trong 22 gia đình trẻ để tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020, tổ chức ngày 20-6 vừa qua tại Hà Nội. Anh Tuấn Anh chia sẻ: Hạnh phúc của một gia đình trẻ sẽ có muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng từ đó sẽ tôi luyện nên những giá trị bền vững của mỗi gia đình và góp phần tạo dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Gia đình anh Trần Tuấn Anh (đứng giữa) chụp hình lưu niệm tại lễ tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức ngày 20-6 tại thủ đô Hà Nội

Anh Tuấn Anh hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Nhớ lại những tháng ngày khó nhọc tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, anh Tuấn Anh chia sẻ: Chúng tôi lấy nhau khi cả hai mới ra trường và đều làm việc trong cơ quan nhà nước. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng tôi vừa đi làm vừa tranh thủ bán kem tươi, bắp rang bơ…

Với suy nghĩ “dù làm công chức hay làm kinh tế cũng là đóng góp cho Nhà nước, cho xã hội” nên anh đã nghỉ việc, chuyển sang làm kinh tế và chọn nghề nuôi chim yến để khởi nghiệp. Thời gian đầu khởi nghiệp, anh gặp rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm vợ chồng anh phải lăn lộn với thị trường để kiếm từng hợp đồng, cạnh tranh với các đối tác khác về giá cả, chất lượng, uy tín và cả đạo đức kinh doanh. Đến nay, khi đã thành công với công việc kinh doanh, gia đình anh nhận ra một điều: chỉ cần đồng vợ, đồng chồng thì khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua.

Anh Tuấn Anh cũng nhận thấy mình may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, cha mẹ thuận hòa, luôn dạy con biết quan tâm, sẻ chia, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Đó là những yếu tố để anh luôn tự tin, nỗ lực vươn lên. Theo anh, gia đình là nơi tình yêu bắt đầu và không bao giờ kết thúc, dù đi đâu và làm gì thì gia đình vẫn là nơi trở về của mỗi con người để san sẻ yêu thương. “Tôi thường vào bếp, lau nhà, giặt đồ khi có thể. Tôi cho đó là trách nhiệm của bản thân trong việc chia sẻ với vợ. Thỉnh thoảng gia đình cũng tổ chức đi du lịch để thay đổi không khí và tạo cho nhau những kỷ niệm đẹp” - anh Tuấn Anh chia sẻ.

Tiếp xúc với mẹ anh là Nhà giáo ưu tú Mạc Thị Thanh Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành, tôi được biết, để có một gia đình 3 thế hệ hạnh phúc như hôm nay, bà luôn lấy bản thân mình làm gương, hiểu và dạy con luôn phải biết nói hai từ “cảm ơn”, “xin lỗi” trong đối nhân xử thế. Đặc biệt, trong cuộc sống phải biết sẻ chia, kính trên, nhường dưới. “Có lẽ vì cách dạy con như vậy mà đến nay, cả hai người con của tôi đều thành đạt và sống rất có trách nhiệm với mọi người” - bà Bình chia sẻ.

Người lớn phải làm gương

Trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế, ở không ít gia đình, mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con trẻ suy giảm, thậm chí không ít gia đình “khoán trắng” cho nhà trường việc giáo dục con trẻ. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ chưa dành thời gian thích đáng để chăm lo, dạy dỗ, khiến con thiếu những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Đó cũng là trăn trở của chị Lê Thị Yến Trinh, giáo viên Trường THCS Tân Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài. Chị Trinh quan niệm: Đã thành gia đình là phải có sự sẻ chia, thấu hiểu công việc của nhau và đặc biệt phải dành cho nhau sự tin tưởng. Gia đình chị luôn có những bữa cơm đầy đủ 4 thành viên. Từ việc ngồi chung bàn ăn, rồi kể những câu chuyện trong cuộc sống, cùng xem bộ phim hay, hoặc đi dạo sẽ là điều kiện tốt để vợ, chồng và con hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, để giữ gia đình hạnh phúc thì phải xuất phát từ cả hai phía: “Đừng tiếc nhau những lời khen ngợi khi vợ hoặc chồng mình mặc chiếc áo đẹp; đừng quên tặng nhau những món quà, những bông hoa, đó là những gia vị của tình yêu, của hạnh phúc gia đình”. 

Chồng chị Trinh là anh Khổng Như Vương, công tác tại Bộ CHQS tỉnh. Anh luôn dành cho chị sự quan tâm bằng việc động viên, chia sẻ, cùng chị làm việc nhà và dạy bảo 2 con trai. Đặc biệt, anh thường xuyên cùng con tham gia một số môn thể thao để vừa rèn luyện sức khỏe cho con, vừa gần gũi, hiểu con nhiều hơn. Chị Trinh cho biết: Mình phải thường xuyên gần gũi, tâm sự, tìm hiểu xem con muốn gì, cần gì, nhất là việc học của con ở lớp để có sự chia sẻ, phân tích, giáo dục kịp thời. Nếu người lớn làm gương, xác định rõ trách nhiệm, vị trí của mình thì chắc chắn con trẻ sẽ hình thành những suy nghĩ, hành động đẹp, có nhân cách tốt.

Vun đắp cho “cây gia đình”

Văn hóa gia đình chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp các thành viên duy trì, phát huy được những giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. đồng thời, khơi dậy cho con trẻ ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần vào quá trình giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người. Để có “cây gia đình” hạnh phúc, phải có sự vun đắp của tất cả thành viên, chứ không riêng người nào. Song, cốt lõi vẫn là người lớn. Gia đình của ông Điểu Phrên và bà Thị An Đê ở thôn Sơn Hòa 2, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng là ví dụ điển hình.

Vợ chồng anh Khổng Như Vương - chị Lê Thị Yến Trinh và các con luôn thương yêu, bên nhau trong mọi hoàn cảnh

Đã hơn 30 năm kể từ khi về sống dưới một mái nhà, những khó khăn vất vả chưa bao giờ khiến vợ chồng ông Điểu Phrên nản lòng. Trái lại, đó như động lực gắn kết vợ chồng ông luôn “chung lưng, đấu cật” ra sức lao động, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan, giỏi giang, đồng thời giúp đỡ người dân trong thôn. Suốt hơn 30 năm qua, bà là Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Bà cũng là người động viên chồng đảm trách vai trò Trưởng ban công tác mặt trận. Bận rộn với công việc xã hội nhưng khi trở về ngôi nhà của mình, bà An Đê luôn biết cách thu hút các thành viên cùng làm việc nhà, chuẩn bị bữa ăn gia đình. Bà cho rằng, bữa cơm là sợi dây gắn kết tình cảm giữa vợ chồng và con cái.

Có thể nói, mỗi gia đình cần có nhận thức đúng đắn về gia đình hạnh phúc, biết đồng cam cộng khổ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là góp phần xây dựng một xã hội giàu đẹp và văn minh.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đầu năm 2019, Bình Phước có 228.741 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 98,09%. Qua bình xét cuối năm, có 219.372 gia đình được công nhận, đạt 94,07%, trong khi đó, năm 2000 chỉ đạt 59,34%, năm 2010 đạt 91,9%, năm 2015 đạt 92,36%. Những con số này cho thấy, công tác gia đình của tỉnh đã đạt những kết quả rất đáng phấn khởi và cho thấy sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, nhất là nhận thức của người dân được nâng lên trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và tiến bộ.
  • Từ khóa
94305

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu