Thứ 6, 26/04/2024 10:10:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:23, 11/08/2016 GMT+7

Hoàng Văn Thái - vị tướng chiến trường

Thứ 5, 11/08/2016 | 15:23:00 441 lượt xem

BP - Đại tướng Hoàng Văn Thái (tên thật là Hoàng Văn Xiêm), sinh năm 1915, tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng khi mới 18 tuổi và đến năm 23 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và là Đội trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, tiếp đó là Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật... Ông lấy bí danh là Hoàng Văn Thái từ năm 1944 cho đến khi mất.

Nhận chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về việc khởi nghĩa, ngày 13-8-1945, ông chỉ huy một số đơn vị giải phóng quân giành chính quyền ở Tuyên Quang rồi tiến về Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tham mưu và được chỉ định làm Tham mưu trưởng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông làm công tác tham mưu tác chiến, chỉ đạo cơ quan Bộ Tham mưu tổ chức lực lượng chiến đấu, điều động cán bộ chỉ huy từ miền Bắc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Năm 1947, ông kiêm nhiệm thêm chức Đại đoàn trưởng, Đại đoàn Độc lập đánh địch ở mặt trận đường số 3, chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947). Năm 1948, ông được phong hàm Thiếu tướng. Sau khi trở thành tướng lĩnh quân đội, ông kiêm nhiệm thêm các chức Tham mưu trưởng chiến dịch biên giới (1950), Chỉ huy chiến dịch Hà Nam Ninh (1951...

Tháng 8-1966, ông được giao chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V, sau đó vào miền Nam giữ chức Phó bí thư Trung ương Cục, Phó bí thư Quân ủy miền, kiêm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam với bí danh Mười Khang. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia chỉ huy 5 chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Lộc Ninh (1967). Năm 1974, ông ra Bắc để nhậm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, đảm nhiệm vai trò Tổng tham mưu trưởng lần thứ 3, thay cho tướng Văn Tiến Dũng vào Nam. Tháng 4 cùng năm, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Sau năm 1975, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất. Năm 1980, ông được phong hàm Đại tướng. Năm 1986, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 108 sau một cơn đau tim, thọ 71 tuổi.

Ngoài là nhà chỉ huy quân sự giàu kinh nghiệm trên chiến trường với 15 chiến dịch lớn tạo ra nhiều bước ngoặt quyết định đến cục diện chiến tranh, ông còn là nhà tổ chức quân đội chính quy, nhà lý luận quân sự kiệt xuất. Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần kỳ của đất nước, Đại tướng Hoàng Văn Thái được giao nhiều trọng trách, cương vị khác nhau, ở cương vị nào, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước ghi nhận, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong lĩnh vực quân sự, quân đội, nổi bật với tư cách vị tướng trận mạc, nhà lý luận quân sự của Đảng ta. Vì vậy, khi nói về ông, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Đại tướng Hoàng Văn Thái là vị tướng trận mạc đã trải qua thực tiễn hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Hoàng Văn Thái xứng đáng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”. 

Tấn Phong

  • Từ khóa
93032

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu