Thứ 3, 30/04/2024 16:14:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:38, 14/07/2017 GMT+7

Bảo tồn và phát triển nguồn gen thảo dược ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ 6, 14/07/2017 | 15:38:00 1,134 lượt xem
BP - Bằng lòng yêu nghề, yêu rừng các kỹ sư lâm nghiệp của Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đã sưu tầm, trồng được hơn 100 cây thuốc nam quý nhằm bảo tồn, phát triển gen thảo dược phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch, giáo dục và cung cấp giống cho người dân sinh sống trong vùng đệm để giảm thiểu tác động rừng…

BẢO TỒN “KHO BÁU” DƯỢC LIỆU

Vườn thuốc nam rộng hơn 1 ha trong diện tích 50 ha của vườn sưu tập thực vật Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Giữa mùa mưa, cây cối đã đổi sắc màu xanh tươi. Kỹ sư Khương Hữu Thắng, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, được thành lập năm 2010, vườn thuốc nam đang trong giai đoạn hoàn thiện với hơn 100 chủng loại, trong đó có các loài nguy cơ tuyệt chủng. Tuy không được phân công phụ trách chính nhưng kỹ sư Thắng là một trong những người đưa cây, cỏ dược liệu từ rừng về quy tập tại vườn.

Kỹ sư Khương Hữu Thắng cho biết cùng khí hậu, thổ nhưỡng nhưng thảo dược đưa từ rừng về trồng tại vườn thuốc nam phát triển rất chậm

Như thuộc lòng cả vị trí và sinh trưởng của cây, kỹ sư Thắng lần lượt giới thiệu từng chủng loại, trong đó có những cây chúng tôi đã được nghe dân gian truyền tụng nhưng là lần đầu thấy tận mắt như: giáng hương, chuối rừng, vằng đắng (hoàng đằng), xá xị, an xoa, dứa dại, chè rừng, ngũ gia bì... Có những cây chúng tôi lần đầu được biết, được thấy nhờ vườn thuốc nam của vườn như: trà mi hoa đỏ, trà mi hoa vàng, cây ươi...

“Theo kết quả điều tra, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 724 loài thực vật thuộc 326 chi, 109 họ, 70 bộ của 6 ngành thực vật khác nhau, trong đó có 278 giống cây dùng làm thuốc. Ngoài nhiệm vụ bảo tồn, phát triển gen các chủng loại cây thuốc, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch, giáo dục học sinh bảo vệ đa dạng sinh học, vườn thuốc nam Vườn quốc gia Bù Gia Mập định hướng cung cấp giống cho nhân dân một số chủng loại như cây an xoa, dứa dại, mật gấu... là thảo dược được dân gian sử dụng phổ thông, nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ để giảm thiểu tác động của người dân đối với rừng”.

Kỹ sư Khương Hữu Thắng 

Kỹ sư Thắng cho biết, mỗi cây có tác dụng điều trị bệnh khác nhau nhưng muốn có toa thuốc cho người bệnh phải cần đến chuyên môn của thầy thuốc đông y trong phối kết hợp các chủng loại. Riêng kỹ sư của Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế có nhiệm vụ sưu tầm bảo tồn nguồn gen quý của các loại cây, cỏ có trong danh mục cây thuốc nam đang sinh trưởng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tuy nhiên, do các cây đều sinh sống trong môi trường dưới tán rừng nhiệt đới nhiều tầng nên khi di chuyển về trồng tại vườn rất khó sống, phát triển chậm, đạt khoảng 75%. Có cây trồng ở vườn 2-3 năm sau chỉ thêm được vài phân so với khi đưa từ rừng về, mặc dù vườn ươm thuốc nam nằm trong vùng khí hậu, thổ nhưỡng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Một số cây đã được kiểm định chữa bệnh sỏi thận có hiệu nghiệm cao như trái dứa dại; trái và hạt chuối rừng. Đặc biệt, cây an xoa có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường, giảm mỡ máu và những năm gần đây dân gian ca tụng là “thần dược” dùng ngăn ngừa phát triển bệnh ung thư. Đặc biệt, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã phát hiện và đang nuôi dưỡng nguồn gen 2 chủng loại quý hiếm là trà mi hoa đỏ và trà mi hoa vàng (tên khoa học Camellia ninhii Luong Le). Loại trà mi hiếm này được các nhà nghiên cứu Lương Văn Dũng, Đại học Đà Lạt; Trần Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Hakoda (Nhật Bản) phát hiện tại rừng Cát Tiên (Lâm Đồng) từ năm 2013-2016. Hiện trà mi ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã có dấu hiệu trổ hoa. 

CỨU HỘ CHỦNG LOẠI CHUỐI CHÂN VOI 

Đổ dốc hơn 1km con đường bê tông chỉ lọt bánh xe máy men theo bờ rào vườn bảo hộ thực vật, kỹ sư Thắng đưa chúng tôi thị sát khu cứu hộ chủng loại chuối chân voi. Chuối chân voi có nhiều chức năng quý về y dược nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Trong bảo tồn đa dạng sinh học, chuối chân voi được các nhà khoa học đưa vào Sách đỏ Việt Nam, ở mức độ “nguy cấp tuyệt chủng”.

Chuối chân voi còn được gọi là chuối bạc hà, chuối cô đơn. Chuối có gốc phình to như chân voi, chỉ mọc duy nhất cây/bụi, không phân nhánh đẻ cây con, hoa (bắp) có màu xanh. Cây cao 3-5m, gốc to từ 50-70cm; lá thuôn, phiến to như lá chuối dài khoảng 1,5m, màu xanh mốc. Hoa chuối một cuống dài 0,5-1m, lá dạng mo cau bầu dục, xếp chồng lên nhau bằng 1 bắp thuôn. Hoa chuối có mùi vị như bạc hà.

Theo thang đánh giá của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN-2009), Sách đỏ Việt Nam, hệ thực vật ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 52 loài có giá trị bảo tồn chiếm 5,07% tổng số loài. Nếu xét theo thứ hạng quý hiếm thì có 18 loài ở cấp độ ít nguy cấp, chiếm 1,75%; 15 loài ở cấp độ sẽ nguy cấp, chiếm 1,46%; 13 loài ở cấp độ nguy cấp, chiếm 1,27% và 6 loài ở cấp độ rất nguy cấp, chiếm 0,58%.

Trong dân gian cả cây chuối chân voi từ rễ, thân, hoa, trái đều được dùng như dược liệu quý chữa các bệnh: sỏi thận, tiểu đường, tiểu rắt, phù thũng, đau bụng... Sinh sản của chuối bằng hạt có màu đen tuyền nhưng tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng rất thấp. Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã gieo hạt nhưng cây lên mầm chỉ khoảng 2%. Riêng khu vực này dù đã được chọn sinh thái phù hợp (trũng, độ ẩm cao) nhưng trong 700 cây chuối chân voi ươm trồng chỉ sống và phát triển khoảng 250 cây. 

Kỹ sư Thắng cho biết, từ tác động khách quan (thay đổi khí hậu) và con người (săn tìm làm thuốc), kết quả giám sát nhanh đa dạng sinh học năm 2008 và kết quả nghiên cứu năm 2016, chuối chân voi ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng cây và vùng phân bố. Hiện trong vườn chỉ còn 24 cây chuối chân voi từ non đến trưởng thành (năm 2008 hơn 200 cây).

Từ thực trạng nguy cấp tuyệt chủng của chủng loại chuối chân voi, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang tiếp tục mở rộng điều tra nhằm tìm kiếm thêm vùng phân bổ của loài, từ đó đưa ra kế hoạch giám sát hiệu quả. Mong muốn của Ban quản lý vườn là có nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu nhân giống từ hạt và kết hợp với các viện hoặc trung tâm nghiên cứu nuôi cấy mô tế bào thực vật để cho số lượng cây giống nhiều, cung cấp cho người dân sinh sống trong vùng đệm của vườn để có sản phẩm phục vụ khách du lịch.

P.Hà- H. Đăng

  • Từ khóa
93310

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu