Thứ 3, 30/04/2024 17:49:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:03, 27/06/2015 GMT+7

Mang yêu thương đến mỗi gia đình

Thứ 7, 27/06/2015 | 13:03:00 94 lượt xem

BP - “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề của Năm gia đình Việt Nam 2015. Thông qua chủ đề này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mong muốn mỗi người Việt Nam trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình đầm ấm. Truyền thống, văn hóa của người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn coi bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình. Bữa cơm cũng là nơi các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm với nhau.

BỮA CƠM ẤM TÌNH YÊU THƯƠNG

Anh Phan Đức Nghĩa (SN 1973) ngụ khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) là một nghệ nhân sinh vật cảnh luôn bận rộn với công việc. Trong khuôn viên rộng của gia đình với hàng trăm cây mai đang thời kỳ chăm sóc, nhưng anh Nghĩa vẫn luôn bố trí thời gian để làm bếp trong những bữa cơm gia đình.

Gia đình anh Phan Đức Nghĩa luôn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của gia đình

Chị Nguyễn Thị Ngoan, vợ anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi đi dạy suốt ngày nên khi về nhà thì chồng đã lo cơm nước tươm tất. Ngày nghỉ, ngày lễ vợ chồng tôi đều cùng nhau chuẩn bị những món ngon cho cả gia đình. Chồng tôi không nề hà chuyện vào bếp, thậm chí anh luôn vui vẻ đảm nhận vai trò đầu bếp chính. Tôi chỉ phụ nhặt rau, rửa chén. Chỉ vào mùa tết là thời điểm tất bật công việc của chồng, lúc ấy tôi mới được làm bếp trưởng”. 16 năm về làm dâu một gia đình gốc Huế với nhiều món ăn truyền thống, chị Ngoan đã tập làm quen từ kiểu ăn cay, ăn mắm... của người Huế rồi dần dần trở thành đầu bếp của những món ngon Huế. Trong nhiều bữa ăn gia đình chị phối hợp cả món Bắc, Trung và Nam để bữa ăn gia đình thêm phong phú và đậm đà. Ông Phan Hiền (cha chồng chị Ngoan) năm nay đã 76 tuổi cho biết: “Gia đình tôi cứ 2 tuần một lần con cháu lại quây quần nấu nướng để đoàn viên. Tôi được ăn những món Huế truyền thống, vừa được thưởng thức các món Bắc, Nam. Nhìn thấy những nụ cười rạng ngời của các cháu tôi như được trẻ lại. Với tuổi già chúng tôi, trong mỗi bữa ăn luôn thấy con cháu sum vầy và ăn uống vui vẻ là niềm hạnh phúc hơn cả vật chất cao sang”.

Gia đình anh Quốc Bảo và chị Cao Thị Hương Sen, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh cũng là gia đình văn hóa tiêu biểu được nhiều người ngưỡng mộ. Hai vợ chồng đều là nhân viên của Công ty cao su Lộc Ninh có con trai và con gái đều chăm ngoan, học giỏi. Nhưng điều khiến nhiều người ngưỡng mộ ở gia đình anh chị là mỗi khi vào bếp đều có mặt cả hai anh chị. Chị Sen vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc, chia sẻ: “Gia đình tôi dù bận rộn thế nào cũng luôn dành thời gian cho nhau bên bữa cơm gia đình. Tôi và anh Bảo đều cùng vào bếp nấu ăn. Tôi luôn nghĩ, phụ nữ dù bận việc xã hội vẫn luôn cố gắng tạo ra những món ăn ngon, ấm áp để giữ lửa gia đình. Từ trong mỗi bữa cơm phong phú màu sắc và đầy đủ hương vị với không khí vui vẻ, thoải mái sẽ tạo niềm vui ấm áp cho gia đình”.

THUẬN VỢ THUẬN CHỒNG VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Kết hôn đã được 8 năm với hai đứa con đang độ tuổi đến trường nhưng anh Lâm Nâu (33 tuổi) và chị Lâm Thị Nghĩa (29 tuổi) ở khu phố Phước An, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) vẫn chưa thoát được nghèo vì thiếu đất sản xuất và không có việc làm. Trong 4-5 năm, cuộc sống của gia đình anh Nâu vẫn lay lắt theo từng mảnh vườn nơi anh chị làm thuê. Trong cái đói khổ ấy, bữa cơm của gia đình anh cũng đơn giản với nồi canh thụt, ít cá, tép nhỏ bắt được ở sông, suối, có khi chỉ là đĩa muối vừng. Nhưng anh chị luôn động viên nhau vượt qua khó khăn. Năm 2012, được cán bộ phường động viên anh tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su do hội, đoàn thể phối hợp tổ chức, hiện có chứng chỉ nghề và được giới thiệu vào làm ở một trang trại với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Thấy hiệu quả từ việc học nghề, anh Nâu đã động viên chị Nghĩa đi học cạo mủ. Cùng với đó, anh chị được hỗ trợ xây nhà tình thương và vốn sản xuất. Năm 2014, gia đình anh Lâm Nâu đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo của khu phố. Anh Nâu chia sẻ: “Chúng tôi nên duyên chồng vợ từ trong nghèo khổ. Cả gia đình từng phải ăn củ khoai, củ mì và rau cháo sống qua ngày. Giờ chúng tôi đã có công việc ổn định với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, 2 con gái luôn chăm ngoan, học giỏi. Mỗi dịp lễ, cả nhà quây quần làm món ăn truyền thống của người Khơme để không quên món ăn dân tộc mình”.

Từ ánh mắt trìu mến mà anh Nâu dành cho chị Nghĩa và 2 cô con gái khiến tôi cảm nhận được tình yêu và niềm hạnh phúc dạt dào ở người chồng trẻ người Khơme. Chính tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ đã giúp anh chị vượt qua những khó khăn để đi đến những thành quả hạnh phúc hôm nay.                                         

Cẩm Liên

  • Từ khóa
91235

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu