Thứ 3, 30/04/2024 19:07:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:48, 23/10/2019 GMT+7

Kỳ họ thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Giờ làm thêm nên trao quyền thỏa ước cho chủ doanh nghiệp và người lao động

Thứ 4, 23/10/2019 | 18:48:00 159 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, hôm nay 23-10, Quốc hội dành cả ngày để các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đây là bộ luật quan trọng tác động lớn đời sống, kinh tế xã hội của đất nước nên các đại biểu đặc biệt quan tâm cho ý kiến và tranh luận.

Dự thảo Bộ luật Lao động trình Quốc hội lần này đã chỉnh lý nhiều nội dung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; mức lương tối thiểu; nâng lương, nâng bậc, chế độ phụ cấp, trợ cấp... Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau như về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, về tuổi nghỉ hưu, thời gian làm việc, nghỉ lễ, tết….

Trong phiên thảo luận, quy định khung giờ làm thêm tối đa, giờ làm việc bình thường được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến và tranh luận.

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về thời giờ làm việc bình thường vì nếu rút ngắn sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Ý kiến khác lại cho rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa vào sức lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu góp ý Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, vấn đề tăng hay không tăng giờ làm phải nhìn nhận đa chiều hơn ở phía người lao động, doanh nghiệp, nền kinh tế, chính sách an sinh xã hội cũng như hội nhập quốc tế.

Thực tế có người lao động không muốn làm thêm, nhưng vẫn có người lao động có quyền và nhu cầu làm thêm. Giải quyết vấn đề này, theo đại biểu Huỳnh Thành Chung không nên áp dụng một khung pháp lý cứng nhắc vì nhu cầu của lao động thành thị khác, lao động nhập cư ở các tỉnh là khác. Chọn theo phương án nào cũng không thể thoải mãn tất cả mọi thành phần lao động.

Do vậy, Đại biểu Huỳnh Thành Chung đề xuất bổ sung điều khoản để người lao động lựa chọn làm việc thêm theo giờ. Một doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng số giờ theo luật quy định mà Quốc hội sẽ quyết định trong thời gian tới, số giờ còn lại doanh nghiệp thỏa ước, thuê với người lao động làm theo giờ.

Ở vị trí là chủ doanh nghiệp, đại biểu Huỳnh Thành Chung nêu thực tế hiện tại lao động làm theo giờ, bán thời gian, khoán rất nhiều, đối tượng cũng rất đa dạng nhưng luật chưa chi phối được đối tượng này, nhất là các chính sách về bảo hiểm, an toàn lao động. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm chính sách, khung pháp lý cho vấn đề làm việc theo giờ. Như vậy, ngoài hợp đồng chính thức, những người có nhu cầu có thể lựa chọn thêm hình thức làm việc theo giờ. Tuy nhiên chính sách về lương Quốc hội cần tính toán theo mức cao hơn cùng những ràng buộc pháp lý để bảo vệ người lao động..

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung được sửa đổi, nhiều nội dung mới chưa có tiền lệ, tác động nhiều mặt đến người lao động. Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, luật vừa có trách nhiệm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trước mắt và lâu dài.

Trần Thể

  • Từ khóa
30802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu