Thứ 4, 01/05/2024 03:47:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:55, 08/04/2014 GMT+7

Phối hợp chống buôn lậu còn hạn chế

Thứ 3, 08/04/2014 | 14:55:00 1,860 lượt xem

Sáng nay, 8-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia).

Buôn lậu diễn ra ở tất cả các tuyến

Báo cáo do Thứ trưởng  Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trình bày cho thấy, tình hình buôn lậu, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp; việc triệt phá những dường dây lớn còn hạn chế, chỉ mới xử lý khâu lưu thông mà chưa xử lý cái gốc là từ khâu nhập khẩu; số vụ được xử lý còn ít, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế. Cả năm 2013, các lực lượng chức năng phát hiện trên 32.000 vụ buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá gần 430 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ giảm gần 8.500 vụ (trên 26%). Buôn lậu vẫn diễn ra ở các tuyến  biên giới như Việt Nam-Trung Quốc (các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh…). Buôn lậu ở tuyến này chiếm gần 20% số vụ và trị giá buôn lậu của cả nước. Tuyến này chủ yếu buôn lậu về pháo nổ, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực; gia súc, gia cầm, nội tạng gia súc gia cầm. Còn xuất lậu thì chủ yếu là than, khoáng sản, động vật hoang dã...

Bên cạnh đó, tuyến biên giới Việt Nam-Lào khu vực Bắc Trung bộ cũng buôn lậu rầm rộ với khoảng 30% số vụ của cả nước, tuyến này chủ yếu nhập lậu rượu ngoại,  gỗ các loại, thuốc lá, động vật hoang dã. Đây được coi là tuyến buôn lậu trọng điểm ở nước ta. Nhất là sau khi cơ quan chức năng quyết liệt phòng chống nhập lậu gia cầm, gia súc, nội tạng gia cầm gia súc, pháo nổ ở tuyến biên giới phía bắc thì hoạt động nhập lậu các loại này đã về tuyến biên giới Việt Nam-Lào khu vực Bắc Trung bộ. Ngoài ra, hoạt động buôn lậu cũng diễn ra phức tạp ở tuyến biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tuyến Việt Nam-Campuchia khu vực Tây Nam bộ với mặt hàng buôn lậu chủ yếu là xăng dầu, gỗ các loại, đường ăn...

 Đặc biệt, buôn lậu còn diễn ra ở tuyến biên giới biển, trong đó buôn lậu xăng dầu trên biển là vấn đề nóng trong năm 2013, đặc biệt là ở vùng biển Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trên biển cũng diễn ra buôn lậu gia súc, gia cầm, phân bón. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, hải quan đã phát hiện, xử lý gần 940 vụ, thu phạt trên 150 tỷ đồng. Cũng theo ông Hải, buôn lậu còn diễn ra trên các tuyến hàng không, trong các địa bàn nội địa…

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý, nổi lên là buôn lậu ở các tuyến biên giới, trong đó phức tạp nhất là tuyến biên giới phía Bắc, phía Nam, miền Trung, gần đây là tuyến Tây Nam bộ, tiếp đến là hàng không, trên biển. Trong đó, ở tuyến biên giới phía Bắc chủ yếu buôn lậu gia cầm, thực phẩm (cá tầm, ba ba, cá trê..) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, buôn lậu ma túy cũng rất phức tạp (70% ma túy đưa vào Việt Nam là để chuyển qua Trung Quốc), vì thế Thượng tướng Lê Quý Vương đề nghị cho tổ chức thêm mạng lưới phòng chống ma túy ở biên giới, cửa khẩu, sân bay, nếu không rất khó kiểm soát. “Buôn lậu thì đi liền với trốn thuế. Hiện nay tình trạng sử dụng hóa đơn VAT  có dấu hiệu gia tăng, Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ khâu này, vừa qua phát hiện những vụ lớn ở Kiên Giang, Lâm Đồng. Bên cạnh đó, vấn đề tạm nhập tái xuất hàng hóa nhập khẩu cần được đánh giá lại. Cũng cần đánh giá lại việc phòng chống buôn lậu xăng dầu. Tiếp đến là lĩnh vực khoáng sản; thị trường vàng. Khi thị trường vàng ổn định thì không sao, nhưng chỉ cần thị trường nhích lên là gia tăng buôn lậu vàng. Khai thác, vận chuyển lậu khoáng sản vẫn tiếp tục phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, cần xem lại cách quản lý hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sáng 8-4
 

Phát hiện buôn lậu đăng báo ngay

Ban chỉ đạo 389 quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 19-3-2014, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban, giao Bộ Tài chính làm cơ quan thường trực (thay cho Bộ Công thương hiện nay thường trực của Ban chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả -Ban chỉ đạo 127). Với việc nâng cấp, Ban chỉ đạo thành Ban chỉ đạo quốc gia, do 1 Phó Thủ tướng làm trưởng ban, các thành viên đều là lãnh đạo của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là công tác đặc biệt quan trọng, vì thế chưa có ban chỉ đạo nào mà nhiều lãnh đạo tham gia như vậy. Sự ra mắt của Ban chỉ đạo vào sáng 8-4 được coi là mốc quan trọng để đẩy nhanh hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 “Chính phủ, Thủ tướng rất kỳ vọng vào Ban chỉ đạo này, sẽ làm thay đổi cơ  bản công tác phòng chống buôn lậu, chống hàng giả hiện nay. Với quyết tâm chính trị cao, những biện pháp quan trọng, Ban chỉ đạo sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Các bộ ngành, địa phương cần ý thức được điều đó để cử những người có năng lực tham gia an chỉ đạo, có những ý kiến đóng góp cho công tác này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu từng thành viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, các bộ ngành, địa phương liên quan đến phải lên phương án phòng chống buôn lậu, hàng giả. Các lực lượng ngoài phối hợp phải giám sát lẫn nhau, xử lý nghiêm những vi phạm. Thực hiện hải quan điện tử nhưng không được để sơ hở, không được để xảy ra những vụ đưa ma túy trót lọt qua cửa khẩu, sân bay. Mặt trận, đoàn thể phải sát dân. Báo chí vào cuộc, vụ nào vi phạm đăng báo ngay, Phó Thủ tướng kiên quyết.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
11019

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu