Thứ 6, 26/04/2024 12:00:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:59, 10/05/2013 GMT+7

Bát nháo thị trường đồ chơi trẻ em

Thứ 6, 10/05/2013 | 08:59:00 1,016 lượt xem

Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải được quản lý theo quy chuẩn QCVN3:2009/BKHCN. Không chỉ đồ chơi trẻ em nhập khẩu mà cả hàng sản xuất trong nước cũng phải đạt yêu cầu kiểm định chất lượng, được chứng nhận và công bố hợp quy, gắn tem CR mới được lưu thông trên thị trường. Thế nhưng trên thực tế, thị trường đồ chơi ở Bình Phước đang bị buông lỏng. Đồ chơi trẻ em trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan, tiềm ẩn những mối nguy hại lớn, gây hậu quả lâu dài cho trẻ.

Tràn ngập đồ chơi độc hại

Như nhiều chúng bạn cùng trang lứa, Hoàng Đỗ Vũ Thiên, học sinh lớp 5A1, trường Tiểu học Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) hay mua đồ chơi của những người bán hàng trước cổng trường. Hôm qua, em mua một bộ răng và vuốt ma cà rồng chỉ 5.000 đồng. Thiên cho biết: “Đây là đồ Trung Quốc và có nghe nói rất độc nhưng thấy hay hay nên cháu vẫn chơi”. Không chỉ trẻ nhỏ, ngay cả người lớn cũng thờ ơ với chất lượng đồ chơi. Cầm vỉ đồ chơi “siêu nhân” (5 màu khác nhau) trên giá hàng đưa cho con, chị Vân Anh, một phụ huynh trường Tiểu học Tiến Thành nói: “Tôi không biết chất lượng thế nào, độc hại ra sao, thấy con thích thì mua”. Nhận được đồ chơi mẹ mua, cậu bé mở ngay cho các siêu nhân đánh nhau và cười thích thú. Theo quan sát của chúng tôi, đó là vỉ siêu nhân “Anh hùng trái đất” made in China bằng nhựa cứng, không có tiếng Việt hướng dẫn sử dụng và càng không có tem hợp quy CR.


Người mua mới chỉ quan tâm tới mẫu mã mà chưa chú ý đến chất lượng và sự nguy hại của đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ

Khảo sát tại các cửa hàng đồ chơi trên nhiều tuyến đường, những điểm vui chơi của trẻ em hoặc trên xe đẩy bán đồ chơi dạo, chúng tôi nhận thấy điểm chung là không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đến từ Trung Quốc, không có hướng dẫn sử dụng. Chị K, chủ một xe hàng đồ chơi di động trên đường Hùng Vương thừa nhận: “Tôi bán đồ chơi theo thị hiếu của bọn trẻ, chứ có bao giờ nghe nói tới thế nào là hợp chuẩn. Có nghe đồ chơi Trung Quốc độc hại nhưng trẻ em mua nhiều vì giá rẻ và gắn với phim hoạt hình đang “sốt” thì đáp ứng thôi. Rôbốt, siêu nhân, vũ khí, trang phục của siêu nhân, ma cà rồng... là những mặt hàng bán chạy nhất”.

Ngoài những đồ chơi độc hại thì đồ chơi nguy hiểm, bạo lực như: súng, kiếm, đao, cung tên, giáo mác (thuộc hàng hóa cấm kinh doanh) cũng được bày bán tràn lan. Rôbốt, máy bay, ôtô tí hon dạng lắp ghép... đã được nhiều bé dưới 3 tuổi thản nhiên vặt từng bộ phận ngậm vào miệng. Nhiều trẻ đã thiệt mạng hoặc bị thương tật bởi những loại đồ chơi nguy hiểm, sắc nhọn này. Chị Lê Thị Tình, công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh, khẳng định: “Hầu hết các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc được phủ lớp sơn pha chì, nhất là sơn ánh nhũ rất độc. Trẻ em có thói quen ngậm đồ chơi, dễ dẫn đến ngộ độc. Hàng loạt các biến chứng đặc biệt nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị ngộ độc chì như: hôn mê, co giật, phù não, ngưng thở”.

Ăn theo phim

Các cửa hàng bán đồ chơi rất nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu trẻ em. Do vậy các loại đồ chơi ăn theo kênh truyền hình thiếu nhi Bibi, SCTV3, CN... như: Bộ xếp hình ninja, biệt đội siêu nhân, chiến cơ siêu hạng, con quay tosy, siêu nhân thần thánh, anh hùng trái đất, rôbô trái cây... được bán tràn lan tại các cửa hàng. Để phục vụ các “thượng đế nhí”, cửa hàng nào cũng có đủ loại đồ chơi, mỗi bộ phim có hàng chục nhân vật với đủ loại trang phục, mặt nạ, binh khí đi kèm... Chỉ riêng bộ xếp hình ninja đã có tới 5-7 loại, giá từ 35 đến hơn 100 ngàn đồng/bộ, càng đắt tiền thì càng có nhiều mô hình.


Đồ chơi ăn theo phim bán rất chạy

Đáp ứng được sở thích của trẻ em đầu tiên là hàng Trung Quốc, vừa rẻ lại phong phú chủng loại. Vì lẽ đó, dù là hàng Trung Quốc trôi nổi nhưng với giá chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng một món đồ đã thu hút rất đông “thượng đế” tìm mua.

Xu hướng đồ chơi theo phim thịnh hành và “sốt” phải kể đến những xe đẩy bán đồ chơi lưu động tại các cổng trường tiểu học. Loại đồ chơi nào cũng có. Đa số các em nhịn ăn sáng để mua nên giá rất rẻ, phù hợp với túi tiền. Theo một chủ xe hàng trước cổng trường Tiểu học Tân Bình (TX. Đồng Xoài), trẻ em thường trao đổi nhau về đồ chơi mà chúng thích. Bởi vậy, hiệu ứng từ kênh truyền hình là lượng bán rất chạy. Chỉ tính đồ chơi bakugan, ngày cao điểm chủ xe hàng bán được cả trăm cái.

Khó kiểm soát đồ chơi trẻ em

Dù quy định về dán tem hợp chuẩn CR cho tất cả đồ chơi trẻ em có hiệu lực từ ngày 15-9-2010, nhưng gần 3 năm trôi qua, chấp hành quy định này chỉ có ở những cửa hàng lớn hoặc siêu thị. Ở nhiều cửa hàng, chỉ khi khách hàng hỏi đồ chơi có dấu kiểm định chất lượng thì người bán mới đi tìm, đưa ra một vài sản phẩm tượng trưng. Tại những xe đẩy bán đồ chơi trẻ em trên đường Hùng Vương (TX. Đồng Xoài), lục tìm cả trăm món đồ, chúng tôi vẫn không nhìn thấy một món nào có dán tem CR. Điều này dễ nhận thấy ở các cửa hàng nhỏ lẻ, hay những quầy hàng trong chợ dân sinh, xe đẩy ở cổng trường. Điều đáng nói là người dân rất thờ ơ về vấn đề này.

Theo báo Thanh niên, ngày 4-5, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang tiếp nhận cháu Nguyễn Minh Nh (6 tuổi), ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trong trạng thái hoảng loạn, vùng đầu phía bên trái bị thủng lỗ, chảy nhiều máu. Các bác sĩ chụp X-quang, phát hiện một dị vật cản quang là kim loại, hình dạng như một viên bi xe đạp xuyên thủng qua đầu cháu Nh. Gia đình cho biết, cháu Nh dùng súng đồ chơi do Trung Quốc sản xuất bắn nhau và bị viên đạn xuyên qua đầu ngay vùng thái dương vào bên trong khoảng 0,5cm.

T.S

Theo ông Cao Văn The, Phó chi cục quản lý thị trường tỉnh, tiểu thương bán hàng ít nên chỉ áp dụng xử lý phạt hành chính. Hình thức này không đủ sức răn đe. Đó là chưa kể hàng trên xe đẩy lưu động lực lượng chức năng rất khó gặp, nói gì đến xử phạt. Bên cạnh chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe thì ý thức người bán và người mua chưa cao cũng dẫn đến thị trường đồ chơi trẻ em khó quản lý, nhiều sản phẩm không hợp chuẩn. Nguy hại từ đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc đã được các phương tiện thông tin cảnh báo nhiều nhưng dường như chưa tác động mạnh đến người tiêu dùng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân là rất cần thiết.

Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền để các “thượng đế nhí”, đặc biệt là phụ huynh nhận biết các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng thì việc xử phạt vi phạm cũng phải mạnh tay. Đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ những quy định về kinh doanh đồ chơi trẻ em thì cơ quan chức năng cần kiên quyết tịch thu hàng hóa và giấy phép kinh doanh. Trước mắt, để bảo vệ chính mình, vì quyền lợi người tiêu dùng thì “Tốt nhất phụ huynh không nên mua các loại đồ chơi của Trung Quốc. Nên mua đồ chơi trong nước có dán tem CR. Hiện nay, đồ chơi Việt rất đa dạng và nhiều mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu và quan trọng là an toàn với trẻ”, ông Cao Văn The khuyến cáo.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
44934

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu