Thứ 5, 28/03/2024 21:17:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:10, 22/07/2016 GMT+7

Xuất khẩu lao động tại Bình Phước - Bài cuối

Thứ 6, 22/07/2016 | 10:10:00 1,540 lượt xem

>> Bài 1: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
>> Bài 2: “Một cây làm chẳng nên non”

NHẬT BẢN LÀ LỰA CHỌN SỐ 1

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 201 người xuất khẩu lao động. Trong đó, hơn 50% người chọn Nhật Bản là nơi khởi nghiệp giấc mơ làm giàu. Phóng viên Báo Bình Phước có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Xuân Hùng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để làm rõ hơn sự chọn lựa này của người lao động.

Thị trường lao động Nhật Bản có nổi bật gì mà đa số lao động xuất khẩu chọn làm điểm đến, thưa ông?

Ông Huỳnh Xuân Hùng: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp nên nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đẩy mạnh đầu tư, tăng cường tuyển dụng lao động Việt Nam. Song song đó, năng suất và chất lượng lao động Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Nhật Bản. Năm 2015, Nhật Bản thu hút trên 25.000 lao động Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2016, Bình Phước có 45 người xuất khẩu lao động và đã có 25 người chọn làm việc tại Nhật Bản.

Là thị trường khó tính với quy trình tuyển dụng khắt khe, yêu cầu rất cao về chất lượng và kỷ luật công việc nên bên cạnh mức thu nhập hấp dẫn, người lao động tại Nhật Bản còn được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ. So với các thị trường truyền thống, như Đài Loan, Malaysia thì các công ty người Nhật luôn trả lương cao hơn cho cùng một loại hình công việc. Hiện thu nhập bình quân của thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản dao động từ 21-27 triệu đồng và ổn định qua các năm.

Người lao động tìm hiểu thị trường Nhật Bản tại phiên giao dịch việc làm ngày 18-6-2016 tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao suNgười lao động tìm hiểu thị trường Nhật Bản tại phiên giao dịch việc làm ngày 18-6-2016 tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

Nhật Bản còn là đất nước có nền công nghiệp hiện đại nên người lao động sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, an toàn, bảo hộ tốt. Các quy định pháp luật chặt chẽ về giao kèo công việc của Chính phủ Nhật Bản không cho phép doanh nghiệp tự ý hủy hoặc kết thúc hợp đồng sớm với người lao động, khiến họ yên tâm làm việc.

Điều kiện sinh sống tại Nhật rất tốt. Hầu hết người lao động khi sang làm việc được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt, giúp họ làm quen với cuộc sống mới. Nhật Bản có những nét văn hóa và phong cách sống tương đồng với Việt Nam, giúp người lao động dễ thích nghi và hòa nhập. Ngoài ra, những lao động sau khi hết hợp đồng trở về nước còn được chính quyền địa phương giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp có chủ đầu tư là người Nhật.

Bên cạnh những thuận lợi, người lao động đang làm việc tại Nhật Bản gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Xuân Hùng: Thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường tuyển lao động phổ thông của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2016 người lao động muốn làm việc tại Nhật Bản sẽ gặp 3 khó khăn lớn:

Thứ nhất là thu nhập của lao động bị giảm sút. Hiện nay, để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, làm “trỗi dậy” nền kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có nhiều chính sách mạnh tay, trong đó có việc giảm giá đồng yên. Chính sách này khiến chi phí tiêu dùng, sinh hoạt, nhà ở tại Nhật tăng lên trong khi thu nhập của người lao động thay đổi không đáng kể qua nhiều năm, ảnh hưởng lớn tới mức thu nhập thực tế, qua đó làm giảm tiết kiệm và tích lũy của lao động Việt.

Thứ hai là những đòi hỏi về sức khỏe của người lao động. Người Nhật làm văn phòng thường chỉ nghỉ 1-2 ngày/tháng, còn công nhân gần như không được nghỉ ngơi trong ca làm việc với dây chuyền sản xuất vận hành từ 8-16 tiếng đồng hồ/ngày. Vì vậy, thể lực tốt là yêu cầu đầu tiên mà công ty môi giới đặt ra cho những người đi Nhật làm việc.

Thứ ba là thử thách tiếng Nhật. Hiện hầu hết người lao động làm việc tại Nhật đều theo chương trình thực tập sinh vừa học vừa làm. Việc chuyển từ thực tập sinh thành lao động xuất khẩu sang Nhật Bản là mong mỏi của người lao động phổ thông nhưng đây cũng là thử thách lớn khi thời gian học tiếng Nhật chỉ có 6 tháng. Nhiều người đã ký hợp đồng lao động tại Nhật Bản thường có suy nghĩ chủ quan, thiếu tập trung và bỏ bê học tiếng. Hậu quả là khi đến Nhật, người lao động hoàn toàn không có tiếng nói chung với người quản lý, chủ xí nghiệp, khó tiếp cận và làm tốt công việc.

Theo ông, cần phải có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động sang Nhật Bản trong thời gian tới?

Ông Huỳnh Xuân Hùng: Doanh nghiệp, Nhà nước và bản thân người lao động là 3 nhân tố chi phối hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động sang Nhật và các thị trường khác.

Các doanh nghiệp cần có biện pháp để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt đòi hỏi của thị trường. Trước mắt, các doanh nghiệp phải tập trung vào việc xuất khẩu lao động phổ thông cho các thị trường Đài Loan, Malaysia... nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư vốn, cơ sở vật chất nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, giúp họ có khả năng đảm nhận những công việc đòi hỏi chất xám ở các nước hiện đại.

Doanh nghiệp cần hoàn thiện quy trình tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với địa phương trong tuyển dụng lao động; công khai minh bạch với chính quyền và người lao động về các điều kiện của hợp đồng, nhất là các khoản đóng góp, giúp người lao động giảm những chi phí không cần thiết.

Chính quyền địa phương tiếp tục giám sát việc tuyển dụng, giới thiệu cho doanh nghiệp những người lao động có nhân thân rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời, tạo điều kiện giúp người lao động hoàn thành các thủ tục hành chính; có chính sách, cơ chế hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng địa phương. Mặt khác, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lao động và việc làm; đẩy mạnh thực thi các chính sách mở rộng thị trường, hỗ trợ đào tạo cho người lao động đi xuất khẩu và tiếp nhận trở lại sau khi kết thúc hợp đồng. Các ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát lao động trong thời gian lao động làm việc ở nước ngoài và hoạt động của các doanh nghiệp môi giới nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong xuất khẩu lao động.

Xin cảm ơn ông!

Thế Tường (thực hiện)

  • Từ khóa
16167

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu