Thứ 6, 26/04/2024 15:08:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:59, 01/06/2018 GMT+7

Chào mừng Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi (1-6)

Trẻ em cần được bảo vệ và tạo sân chơi lành mạnh

Thứ 6, 01/06/2018 | 10:59:00 221 lượt xem

BP - “Bảo vệ an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” là nội dung chính của Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động. Điều dễ nhận thấy, bên cạnh rất nhiều hữu ích do công nghệ số mang lại thì môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại cho trẻ. Từ đó đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quan tâm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ.

Nghỉ hè, hầu hết trẻ em nông thôn phải phụ giúp cha mẹ; trẻ em thành thị phần lớn “dán mắt” vào tivi, điện thoại di động... Vì thế, rất khó kiểm soát an toàn trong môi trường mạng. Nhưng tạo sân chơi thoát ly công nghệ cho trẻ vào dịp hè là bài toán nan giải với nhiều phụ huynh vì không thể trả lời câu hỏi của con: “Không xem điện thoại, tivi thì con làm gì?”. Và một số chương trình dã ngoại như: “Một ngày làm nông dân”, “Học kỳ quân đội”, “Khóa tu mùa hè”... là những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ em hiện nay...

“Một ngày làm nông dân”

Hào hứng, thú vị, cười sảng khoái và quên hết mệt mỏi là những gì các em có được sau một ngày cấy lúa, bắt cá, nặn heo đất, thu hoạch bắp, nướng cá... và tham gia các trò chơi vận động khác tại Nông trại Tree, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương do Ban Chấp hành Công đoàn Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài) tổ chức cho học sinh, con cán bộ, công nhân viên nhà trường ngay khi năm học 2017-2018 vừa kết thúc.

“Một ngày làm nông dân” giúp học sinh Trường tiểu học Tân Bình B có những trải nghiệm thực tế thú vị

“Ban Chấp hành Công đoàn trường tham khảo và nhận thấy “Một ngày làm nông dân” là trải nghiệm phù hợp, tạo niềm vui cho học sinh sau 1 năm học vất vả. Và khi tận mắt chứng kiến, hòa cùng niềm vui với các em mới thấy chuyến đi không chỉ đem lại niềm hứng khởi cho trẻ mà còn giáo dục kỹ năng sống, tình yêu thiên nhiên, quý trọng sức lao động và ý thức bảo vệ môi trường thiết thực nhất với học sinh. Những trải nghiệm thực tế giúp trẻ hiểu nhiều về nghề nông và là những giá trị giáo dục cốt lõi, sâu sắc về giá trị lao động hơn bất cứ bài giảng nào trên lớp” - cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Tân Bình B cho biết.

Em Cao Minh, học sinh lớp 3A thường say xe ôtô mỗi khi di chuyển đường dài. Vậy mà suốt chặng hành trình, em giao lưu với bạn bè, anh, chị em các lớp và thầy cô mà quên luôn say xe. Em chia sẻ: “Vui quá! Chưa bao giờ con được đi chơi vui như thế. Con được cấy lúa, bắt cá, nặn heo đất, vận chuyển bắp... mà không thấy mệt. Con còn làm một chiếc bánh ít đem về cho mẹ ăn thử đây nè!”.

Các bé vui, lạ lẫm chính vì chưa bao giờ được vấy bẩn một cách thoải mái như thế. Những khuôn mặt tèm lem bùn đất với ánh mắt lấp lánh niềm vui khó tả khi cùng nhau trải nghiệm đủ thấy các em hạnh phúc đến thế nào!

Tham gia chương trình trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, học sinh còn được nghe kể về quy trình chăm sóc và thu hoạch bắp, trồng lúa, tát mương bắt cá... Thông qua các hoạt động thực tế này, các em có cái nhìn cận cảnh hơn về cuộc sống của người nông dân, hiểu thêm về giá trị mồ hôi, công sức lao động của các bác nông dân để có được bữa cơm các em ăn mỗi ngày. Từ đó, các em biết quý trọng giá trị sức lao động, biết trân trọng những gì mà gia đình, nhà trường đã và đang mang lại cho các em. Những hoạt động sôi nổi trong một ngày trải nghiệm cũng đồng thời góp phần giúp các bạn nhỏ rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và đặc biệt là có thêm vốn kiến thức “nhà nông” cực kỳ bổ ích.

Bảo vệ an toàn trẻ em trong thế giới số

Theo báo cáo về tình hình trẻ em thế giới năm 2017, chủ đề “Trẻ em trong thế giới công nghệ số”, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc công bố: 1/3 người sử dụng internet trên toàn thế giới là trẻ em. Nhưng hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít. Đây là con số đáng để các tổ chức, cá nhân liên quan cùng hành động tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ em khi tham gia, sử dụng internet vì mục đích phục vụ học tập, nghiên cứu và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo; hướng dẫn các em kỹ năng bảo vệ bí mật riêng tư cho bản thân, nâng cao chuẩn mực và trau dồi đạo đức, miễn nhiễm với thông tin độc hại...

Học sinh Trường tiểu học Tân Bình B hào hứng tập làm nông dân

Muốn trẻ có những trải nghiệm, cọ xát thực tế, bớt “quanh quẩn” với công nghệ số thì ngoài tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, liên đội trường học, đoàn thanh niên trên địa bàn các huyện, thị cũng nên có những lớp dạy kỹ năng sống, lớp năng khiếu... phi thương mại cho trẻ (khác với các lớp thu tiền nằm ngoài khả năng của nhiều công nhân, viên chức, lao động hiện nay) để sân chơi hè không chỉ dành cho trẻ em con nhà... khá giả.

Thời gian qua, thông điệp “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” đã được treo băng rôn ở khắp nơi. Nhưng để thông điệp trở thành hành động đòi hỏi các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, chính quyền địa phương và mỗi cá nhân cùng thực hiện bằng trái tim.

Tháng hành động vì trẻ em là thời điểm quan trọng để các đơn vị hữu quan nâng cao nhận thức, trách nhiệm lấy trẻ em làm trung tâm khi xây dựng chính sách để các em có thể “học mà chơi, chơi mà học”; phát huy các tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo rằng, tất cả vì lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
87826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu