Thứ 5, 25/04/2024 09:18:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:50, 26/10/2016 GMT+7

Tín dụng tiêu dùng: “Trắng hay đen” do khách hàng quyết định!

Thanh Hà
Thứ 4, 26/10/2016 | 14:50:00 155 lượt xem
BP - Nhu cầu về tín dụng tiêu dùng trong nước ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Và mấu chốt góp phần quan trọng vào sự phát triển này chính là người tiêu dùng.

CẨN TRỌNG, KHÔNG LƯU LẠI “VẾT ĐEN”

Nhu cầu vay tiền để mua sắm tiêu dùng hay đầu tư hoàn toàn chính đáng và là nhu cầu có thực trong nền kinh tế. Với khoản vay linh hoạt khoảng từ 2-70 triệu đồng, thủ tục hồ sơ đơn giản và giải ngân nhanh chóng, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) đã trở nên gần gũi với nhiều người lao động có thu nhập trung bình và thấp, những người không có khả năng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

Xét cho cùng, ở nước ta ngành tín dụng tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và 90-95% là khách hàng mới, lần đầu trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân. Vì vậy, thị trường chắc chắn khó có thể tránh khỏi những vướng mắc, khi người tiêu dùng chưa thực sự vững vàng và hiểu biết về tài chính tiêu dùng. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, giới chuyên gia tài chính khuyên người tiêu dùng chỉ nên nộp đơn yêu cầu khoản vay tín chấp tại các tổ chức tài chính uy tín - nơi có trách nhiệm nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản cũng như hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

Tư vấn khách hàng mua trả góp tại một đơn vị kinh doanh điện tử - viễn thông (ảnh chỉ có tính minh họa)Tư vấn khách hàng mua trả góp tại một đơn vị kinh doanh điện tử - viễn thông (ảnh chỉ có tính minh họa)

Để làm thủ tục vay ở một CTTC, người tiêu dùng phải cùng nhân viên tư vấn tín dụng xem xét thật kỹ nội dung trong hợp đồng. Đặc biệt, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào người vay cũng cần phải tìm hiểu, tính toán cẩn thận về các khoản thu nhập của mình và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán. Điều quan trọng, đó là người vay phải có trách nhiệm với khoản vay và có ý thức về việc trả nợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, người vay tín chấp rất cần mối quan hệ hai chiều giữa bên cho vay và thị trường: Khách hàng cần có trách nhiệm khi ký kết hợp đồng và tổ chức tín dụng cũng phải có nhiệm vụ giúp khách hàng hiểu rõ các điều khoản cũng như nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng. Một điều chắc chắn là, nếu thanh toán trễ hạn, khách hàng sẽ phải trả phí phạt. Vi phạm mức độ nặng hơn, đặc biệt là cố tình không thanh toán thì sẽ bị kiện ra tòa và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực tế, trong hoạt động tín dụng, lịch sử tín dụng của người vay đều được ghi nhận trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Do đó, trước khi quyết định mức lãi suất và số tiền duyệt vay, các CTTC đều đã tham khảo lịch sử tín dụng của khách hàng từ CIC. Vì thế, chỉ cần có một “vết đen” thì về sau người tiêu dùng sẽ khó được CTTC chấp nhận cho vay thêm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng tuyên bố, nếu cứ ép các tổ chức tín dụng phải đưa lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thật thấp thì họ sẽ không thể cho vay được. Và nếu không cho vay được thì đây chính là môi trường để “tín dụng đen” phát triển.

Lãi suất vay tiêu dùng dù còn cao nhưng đổi lại nó đi kèm với rất nhiều yếu tố tích cực. Người tiêu dùng không nên quá kỳ vọng lãi suất cho vay tại CTTC sẽ giảm mà theo giới chuyên môn, nếu có nhu cầu, người tiêu dùng cần xác định lãi suất CTTC đưa ra là bao nhiêu và liệu có khả năng trả nợ hay không?

CÔNG TY TÀI CHÍNH “CẦN” HÀNH LANG PHÁP LÝ

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp khách hàng chây ỳ hoặc bỏ trốn, các tổ chức cho vay sẽ bị “mất trắng” hoặc phải trải qua quá trình thu nợ kéo dài, khiến chi phí bỏ ra để thu nợ còn lớn hơn nhiều lần so với khoản nợ. Đây là bất cập cần sớm có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, có như vậy những tồn đọng liên quan tới vay tiêu dùng mới được xử lý dứt điểm.

Giới chuyên gia nhận định, dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự “cất cánh” khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng. Qua đó, tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động, hình thành thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, kích cầu hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Một khi đã hình thành được hệ thống chính sách khuyến khích, thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ trở nên sôi động, cạnh tranh công bằng và lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chống nạn cho vay nặng lãi. Theo đó, người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn cả, nhất là đối với các đối tượng dưới chuẩn vay vốn của ngân hàng.

  • Từ khóa
40805

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu