Thứ 7, 20/04/2024 03:42:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:51, 31/08/2015 GMT+7

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ TỈNH ĐOÀN TUYÊN DƯƠNG HỌC SINH, SINH VIÊN NGHÈO VƯỢT KHÓ HỌC GIỎI LẦN THỨ 4/2015

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo vươn tới tầm cao tri thức

Thứ 2, 31/08/2015 | 13:51:00 175 lượt xem
BP - Năm học mới đã cận kề, bên cạnh niềm vui chung của học sinh, sinh viên thì đâu đó vẫn còn có những bậc phụ huynh, học sinh âu lo bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thấu hiểu những lo toan đó, đồng thời giúp đỡ những mầm non tương lai của đất nước chinh phục đỉnh cao tri thức, từ năm 2012 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thành lập Quỹ học bổng học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi.

NỖI NIỀM CÔ TÂN SINH VIÊN NGÂN HÀNG

Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc cũng là lúc em Nguyễn Vũ Kim Hương ở tổ 6, khu phố Phú Hòa 1, phường Phú Đức (TX. Bình Long) khăn gói xuống TP. Hồ Chí Minh phụ dì bán rau quả. Mẹ bị bệnh parkinson không có khả năng lao động, cha làm bảo vệ công ty ở Khu công nghiệp Minh Hưng (Chơn Thành) nên thu nhập cũng ít ỏi. Từ nhỏ Hương cùng anh trai đã có ý thức tự lập trong cuộc sống. Hoàn cảnh khó khăn, anh trai Hương phải bỏ học đi làm kinh tế phụ gia đình. Năm 2011, anh trai Hương bị bệnh run tay, di chuyển chậm chạp, trí nhớ suy giảm... do di truyền bệnh parkinson từ mẹ. Gánh nặng càng đè lên vai người cha đã gần bước sang tuổi 60.

Em Nguyễn Vũ Kim Hương đang phụ dì ruột bán rau quả ở chợ Bạch Mã, quận 10, TP. Hồ Chí Minh

Với 21,75 điểm (chưa cộng 1,5 điểm vùng), Hương đậu Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Niềm vui như cơn mưa mát lành làm dịu đi những vất vả, nhưng nỗi lo lại ngập tràn. Từ 4 giờ sáng, Hương cùng dì đẩy xe ra chợ Bạch Mã ở cư xá Bắc Hải, quận 10 bày hàng bán đến 22 giờ mới về nghỉ ngơi. Mệt rã, người gầy rạc đi, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng vì thiếu ngủ, ăn uống thất thường nhưng Hương vẫn cố gắng để có thêm chút ít vào giảng đường đại học.

“Em biết cha mẹ già không thể nuôi em. Càng không có tiền đóng học phí nhưng em rất muốn đi học. 12 năm học còn vượt qua được, không lẽ 5 năm nữa mà phải bỏ cuộc sao chị? Em sẽ vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm. Em chỉ mong chợ Bạch Mã đừng giải tỏa. Nếu không cả gia đình dì sẽ thất nghiệp. Em không biết nương nhờ ai” - Hương nghẹn ngào nói.

“CON ĐẬU ĐẠI HỌC, MẸ ĐÃ KHÔNG CÒN...”

Mấy ngày này ở khu phố Hưng Thịnh, phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) chìm trong tang thương. Trong lúc mâu thuẫn, cha của em Phạm Thị Triều Tiên không may đánh chết mẹ. Nhận tin báo đậu đại học, Tiên nước mắt lưng tròng nhìn lên di ảnh mẹ, nghẹn ngào: “Mẹ ơi, con đậu đại học rồi, mẹ có vui không?”.

Em Phạm Thị Triều Tiên bên ông nội và anh trai

Căn nhà đã xuống cấp của gia đình em Tiên nằm sâu trong một xóm nhỏ ở khu phố Hưng Thịnh. Cha Tiên bị tật bẩm sinh ở chân, đi đứng khó khăn, chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc 2 sào đất trồng cây ăn trái. Mẹ em làm tạp vụ và chăm sóc cây kiểng cho một số gia đình trong thị xã. Anh trai làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Tiên chăm chỉ học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Thế nhưng, bất hạnh ập xuống, mẹ em qua đời, cha bị tạm giam.

Tiên chia sẻ: “14 ngày nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, những lúc tỉnh táo mẹ đều không oán trách cha, chỉ hỏi em có kết quả nguyện vọng 1 hay chưa. Mẹ động viên em khó khăn đến mấy vẫn nhất định phải đi học. Vậy mà khi em có giấy báo nhập học vào Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) với số điểm 20,5 thì mẹ không còn để vui cùng em nữa...”.

Lời dặn dò ngắn ngủi của mẹ như vết cứa hằn sâu trong lòng nên Tiên quyết tâm dù khó khăn vẫn phải học đại học. 18 tuổi, em không chỉ bản lĩnh mà còn già trước tuổi với những lo toan cho tương lai. Dáng em liêu xiêu, gầy rộc vì thiếu ngủ, vì bữa ăn thường là mì gói cho nhanh gọn và tiết kiệm. Ngày về của cha Tiên còn chưa biết, ông bà nội gần 80 tuổi đau ốm thường xuyên... liệu em có gắng gượng hoàn thành ước mơ của mẹ và cũng là của mình?

Thanh Thủy

  • Từ khóa
85379

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu