Thứ 6, 19/04/2024 04:01:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:07, 20/04/2015 GMT+7

Thông tin thêm về bài báo “Khổ vì sống gần mỏ đá”: Nổ mìn không ảnh hưởng nhà dân

Thứ 2, 20/04/2015 | 16:07:00 1,786 lượt xem
BP - Sau khi Báo Bình Phước đăng bài “Khổ vì sống gần mỏ đá” (số ra ngày 26-2-2015) phản ánh tường nhà của một số hộ dân ở ấp Núi Gió, xã Tân Lợi (Hớn Quản) bị nứt do tác động bởi mìn nổ và bụi từ việc xay, vận chuyển đá làm ảnh hưởng xấu đến đời sống, ngày 18-3, đoàn công tác liên ngành do Sở Công thương chủ trì đã khảo sát tại hiện trường. Tuy nhiên, đoàn chưa đưa ra được kết luận cụ thể, đồng thời đề xuất phải đo địa chấn để xác định nguyên nhân gây nứt nhà dân.

>> Thông tin thêm về bài báo “khổ vì sống gần mỏ đá”: Phải đo địa chấn để xác định nguyên nhân

Ông Trương Quốc Trí, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công thương cho biết: “Trong 3 vấn đề Báo Bình Phước phản ánh thì việc nổ mìn là lĩnh vực ngành phụ trách. Chúng tôi đã mời Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và công nghệ - Micco Nam bộ (Mitech Center) về giám sát việc nổ mìn tại mỏ đá Núi Gió II do Công ty cổ phần Hóa An - chi nhánh Bình Phước quản lý, khai thác.

Ngày 17-4, Mitech Center đã đặt 3 máy đo trực tiếp chấn động và tần số âm thanh do nổ mìn tại nhà 3 hộ dân ở gần nhất bãi nổ của mỏ. Theo đó, khoảng cách từ trung tâm bãi nổ mìn đến nhà ông Trịnh Văn Kẹp là 570m, bà Bùi Thị Hồng là 615m và bà Nguyễn Thị Cảnh là 645m. Ngoài Sở Công thương, tham gia giám sát còn có đại diện Sở Tài nguyên - môi trường, Công an tỉnh, UBND huyện Hớn Quản, xã Tân Lợi, Ban điều hành ấp Núi Gió cùng các hộ dân khiếu nại”.

Ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Hóa An tại Bình Phước cho biết: “Theo Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp số 16/GP-SCT ngày 8-8-2014 do Sở Công thương cấp, công ty được phép sử dụng lượng thuốc tối đa cho một lần nổ tại mỏ đá Núi Gió là 2.700kg, nhưng chúng tôi đều sử dụng lượng thuốc dưới mức cho phép và bình quân mỗi tháng nổ 2 lần. Để đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng từ việc nổ mìn, lần kiểm tra này chúng tôi cho nổ lượng thuốc tối đa”.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Mitech Center cho biết: “Mitech Center thuộc Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ (Vinacomin) - là 1 trong 2 trung tâm của cả nước chuyên về giám sát chấn động nổ mìn. Lần giám sát này, chúng tôi sử dụng thiết bị Blastmate của hãng Instantel (Canada) để đo chấn động và kết quả được in trực tiếp trên máy. Đây là loại máy đo hiện đại và chính xác nhất hiện nay, được Viện Đo lường Việt Nam cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn ngày 1-8-2014”.

Phóng viên Báo Bình Phước đã ghi lại các chỉ số tại 3 máy sau khi diễn ra vụ nổ mìn khai thác đá ở mỏ Núi Gió vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 17-4, tính theo khoảng cách từ gần đến xa: Tốc độ dao động cực đại (sóng chấn động) lần lượt là 2,06mm/s, 3,35mm/s và 1,40mm/s. Mức áp suất âm cực đại lần lượt là 123,5dB, 124,1dB và 118,3dB. Khoảng cách đá văng là 60m.

Ông Nguyễn Văn Thủy cho hay: Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp ứng với các khoảng cách trên, tốc độ dao động cho phép tối đa là 25,4mm/s và sóng quá áp không khí là 133dB. So với kết quả đo được từ các máy, quy mô và phương pháp nổ của bãi mìn đảm bảo an toàn cho công trình gần nhất và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ông Trương Quốc Trí cho biết thêm: “Mỏ đá Núi Gió hiện có 3 doanh nghiệp khai thác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức giám sát đo chấn động ảnh hưởng nổ mìn tại mỏ của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Long (khu mỏ Công ty TNHH MTV xây dựng Bình Phước nằm xa khu dân cư không đo). Những kết quả thu được sẽ làm cơ sở để chúng tôi trả lời dư luận cũng như giải quyết các đề xuất, kiến nghị của người dân và phản hồi trên Báo Bình Phước”.

Lâm Phương

  • Từ khóa
94942

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu