Thứ 6, 29/03/2024 14:11:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:48, 19/02/2013 GMT+7

Thầy Năm “bá đạo”

Thứ 3, 19/02/2013 | 08:48:00 4,352 lượt xem

>> Tôi đi gặp “lang băm”

>> Tôi đi gặp “lang băm” (bài 2)

Sau khi Báo Bình Phước đăng loạt bài “Tôi đi gặp lang băm” số ra ngày 30-11 và 3-12-2012), chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào thực tế và biết được nhiều lang y hành nghề theo kiểu “ông đồng, bà cốt”. Có người trị bệnh bằng nước lã, người trị bệnh bằng nhang, người lại trị bệnh bằng “đạo”... Nhìn chung, ở đâu có “thầy, bà” ở đó có dịch vụ chữa bệnh, cúng tế... và các cò mồi ăn theo. Người bệnh đến đây đa phần là những tín đồ... cuồng tín với đức tin không... biên giới hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo mà các bác sĩ tây y đã phải trả về.

Thầy Năm từng xuất gia, quy y nơi cửa Phật. Vì nhân duyên với nhà chùa đã “hết”, thầy trở về hoàn tục và tự lập một am cốc tại gia. Tuy nhiên, khác với quan điểm của Phật giáo, thầy Năm lại chủ trương tôn thờ Vạn Pháp và tự xưng mình là người hiểu biết mọi thứ, chữa được bách bệnh trong dân gian.

MUỐN BÁN ĐƯỢC ĐẤT... GẶP THẦY NĂM?

Tới xã Tân Khai (Hớn Quản), chúng tôi hỏi thăm nhà thầy Năm. Thật bất ngờ khi nghe danh thầy Năm, ai cũng biết, ai cũng nhiệt tình chỉ giúp. Nhiều người còn hỏi lại chúng tôi trước khi chỉ đường: “Ông Năm thầy cúng phải không?”.

Chúng tôi đến nhà thầy Năm vào một ngày đầu tháng 11 âm lịch. Lúc này trong nhà thầy đã có hơn chục đệ tử đến xin lễ cúng. Hôm ấy là ngày mồng Một, thầy Năm giải thích là ngày lễ, ngày của Phật, của Trời nên thầy chỉ làm việc thánh. Mọi người đến ngày này, thầy chỉ cúng rồi cho bùa mang về nhà. Đoàn khách ngồi đợi vạ vật ngoài nhà thầy Năm rất đông. Trước khi được thầy làm lễ cúng, khách của thầy hầu như đều đi qua cửa “cô” Năm để trình “công việc”.

Bảng kê “âm bệnh” của thầy Năm

Ngày đầu tháng, khách đến nhà thầy Năm khá đông, đoàn này ra, đoàn khác vào. Đông tới mức khi có chuông điện thoại đổ, thầy Năm không kịp nghe hết câu chuyện mà chỉ trả lời ngắn gọn: “Mấy ngày này, khách đang đông nghẹt cả nhà” rồi cúp máy. Khách của thầy Năm chủ yếu là những người muốn bán đất đến từ tỉnh Bình Dương. Đây là một tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực phía Nam. Khu công nghiệp, thương mại được quy hoạch rất nhiều nên đất ở Bình Dương có giá khá cao. Người dân muốn bán đất để đổi đời cũng nhiều hơn các địa phương khác. Tuy nhiên để bán được giá cao, thủ tục sang tên nhanh hơn, gọn gàng hơn, nhiều người phải đi cúng để lấy hên, lấy... linh.

Rất nhanh, thầy dẫn khách vào trước điện thờ có dòng chữ: “Bảo điện, đại hùng, đại lực, đại bi” rồi thắp nhang và rì rầm khấn mấy câu. Sau đó, thầy tiếp tục đưa khách ra bàn thờ trước nhà đọc to tên tuổi của chủ nhân bất động sản, địa chỉ mảnh đất mà chủ nhân cần bán. Xong việc, thầy Năm phán khi nào có thể bán được (?). Sau vài câu cầu khấn, khách ra về và không quên đặt quẻ từ 50 đến 100 ngàn đồng. “Tùy mình thôi con à, không có thì đặt năm chục, một trăm, có thì đặt nhiều hơn. Chú nghe tiếng thầy Năm nên đến cúng. Đất của chú có khách coi rồi nhưng còn chút trục trặc, nay chú tới cúng tiếp, hy vọng bán cho nhanh, có tiền xoay xở công chuyện”, người khách đến từ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Khách đến nhờ thầy Năm khá đông. Họ đến chờ mỗi người một góc. Ai cũng kín tiếng, chỉ đợi lễ xong và về nhanh để còn mang ngay cái hên về nhà sau buổi lễ (!)

TÔI BỊ ... VONG ÁM!

 Đợi mãi cũng tới lượt chúng tôi. Dù là thầy cúng tại gia, nhưng thầy Năm khoác trên mình chiếc áo dài màu vàng (màu áo của tăng chúng, của tu sĩ nơi cửa Phật). Chúng tôi chưa kịp thắc mắc, trình bày lý do tới đây thì thầy Năm nhanh chóng giới thiệu một bài mào đầu khá dài: Thầy ở đây theo bá đạo, theo Vạn Pháp, cái gì cũng biết, chuyện gì cũng giải quyết được. Gặp thầy đây là có phước rồi. Thầy không mê tín, làm cái gì cũng theo khoa học hết. Thời buổi bây giờ ai lại theo mê tín nữa?...

Sau hàng loạt câu tự giới thiệu, thầy khẳng định: Các con tìm đến thầy đây là tìm đúng người rồi, nhưng muốn giải quyết việc gì, nói đi để thầy biết đường tính. Tôi trình bày ngắn gọn ba lý do chính khiến tôi tìm đến nhờ cửa thầy là: Công việc, tình duyên và sức khỏe. Thầy Năm liền khẳng định sự thông tuệ của mình bằng cách phán tôi nên đi học nghề may, mai mốt có tiền thì mở xưởng may là hợp nhất. Về tình duyên, tôi rơi vào cung “hường nhan bạc mệnh” - cái tuổi của tôi rất khó có gia đình êm ấm. Phải kết duyên muộn mới mong thoát khỏi kiếp “hường nhan”. Sau đó thầy giở mấy cuốn sách tử vi, lịch vạn niên ra tra ngày tháng năm sinh của tôi. Những cuốn sách tử vi được thầy Năm dùng giấy dán kín bìa. Ai chưa đọc qua sẽ không biết thầy đang coi sách gì mà huyền bí đến vậy (?!).

Nhà thầy Năm cách trung tâm UBND xã Tân Khai, UBND huyện Hớn Quản chưa đầy 1km. Thế nhưng không hiểu vì sao việc hành nghề mê tín của thầy Năm đã diễn ra từ lâu mà xã Tân Khai và các cơ quan chức năng của huyện Hớn Quản vẫn không hề hay biết?     

Đến lượt tôi được khám bệnh. Thầy bảo hôm nay không chữa bệnh, nhưng thầy ráng coi cho các con. Thầy tự tin phán: “Nhìn mặt là thầy biết bệnh liền. Bệnh này là âm bệnh. Không thầy nào tìm ra, không thuốc nào chữa khỏi. Chỉ đến gặp ông thầy đây mới có thể chữa khỏi”. Vừa khẳng định tài năng và quyền năng, thầy Năm vừa lật ở phần cuối một cuốn sách có hàng chữ viết tay nguệch ngoạc. Thầy bấm đốt ngón tay và phán tiếp: Con bị vong tam nữ hướng chính tây hành khảo. Phải diệt trừ được con ma nữ này sức khỏe mới trở lại bình thường. Thầy Năm bật mí, cách chữa rất đơn giản, chỉ cần dùng nước lã. Tuy nhiên chữa như thế nào, thầy chỉ cười: Không thì thôi, trị là phải khỏi bệnh mới trị. Chữa trị âm bệnh cũng phải công phu chứ nói không làm sao được.

Sợ ma tam nữ hành hạ, thấy tôi năn nỉ, thầy hẹn tới gặp khi thầy rảnh. Thầy Năm cho chúng tôi số điện thoại để tiện liên lạc.

Câu nói cửa miệng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” của ông cha là để nhắc nhở con cháu đời sau biết sống cho có đạo đức, biết gìn giữ những giá trị tâm linh, giá trị văn hóa đời xưa truyền lại. Thờ cúng ông bà tổ tiên, lễ bái Thần, Phật là phong tục, tín ngưỡng ngàn đời. Đây là nét văn hóa tâm linh thuần khiết của người Việt Nam từ xưa tới nay. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người đã lợi dụng tín ngưỡng và nét đẹp văn hóa dân gian này biến tấu thành trò mê tín, đồng bóng... để rất thu lợi bất chính trên niềm tin mù quáng của người khác.      

N.Linh

  • Từ khóa
92177

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu