Thứ 5, 25/04/2024 12:06:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:51, 24/01/2016 GMT+7

Tăng cường quản lý bán điều non, cầm cố đất, bán đất vùng DTTS

Chủ nhật, 24/01/2016 | 09:51:00 389 lượt xem

BP - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 19/2015/CT-UBND về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra và thực hiện thu hồi những trường hợp sang nhượng đất do được nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của nhà nước trong 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất do vi phạm Điều 40 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Điều 64 Luật Đất đai 2013 đã được phát hiện; tổ chức cưỡng chế và giao lại cho những hộ đồng bào DTTS không có đất sản xuất tại địa phương. Tổ chức rà soát, khi phát hiện thì tiếp tục xử lý thu hồi, đơn vị nào không thực hiện nghiêm thì chủ tịch UBND huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.


Cầm cố, rồi bán đất sẽ dẫn tới đồng bào mất phương tiện mưu sinh. Trong ảnh: Đồng bào Mơnông xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng vượt khó khăn canh tác trên mảnh đất của gia đình

HIỆU QUẢ NGĂN CHẶN CHƯA CAO

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhìn chung các cấp ủy, chính quyền và các ngành có cố gắng thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định, hạn chế một phần tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất của các hộ đồng bào DTTS. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn.

Việc mua bán điều non, cho vay lãi suất cao và sang nhượng đất là quan hệ về dân sự bình thường trong đời sống của nhân dân. Song các giao dịch này diễn ra với một bên là đồng bào DTTS, một bên có biểu hiện lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS về pháp luật và thông tin thị trường để dụ dỗ, lừa đảo, ép giá đến khi đồng bào không trả được thì siết đất, dẫn đến không còn đất sản xuất, làm cho đời sống khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS của địa phương. Hình thức giao dịch là viết giấy tay nên chính quyền cơ sở rất khó phát hiện. Đồng bào DTTS có nhiều hạn chế trong tiếp cận các kênh tín dụng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cũng còn nhiều hạn chế do đất của đồng bào DTTS chủ yếu nằm trên các lâm phần do lâm trường quản lý. Thủ tục tách diện tích này ra khỏi đất lâm phần đang khó khăn, do đó đồng bào DTTS bị hạn chế trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng nên khi cần tiền thì thường vay lãi suất cao bên ngoài, bán điều non, cầm cố đất, bán đất. Để thực hiện ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất của đồng bào DTTS, cần có các giải pháp phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Hình sự, đẩy mạnh việc cấp GCNQSDĐ và mở rộng các kênh tín dụng cho vay đối với đồng bào DTTS. Trong quá trình thực hiện, Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND đã bộc lộ một số hạn chế và chưa khắc phục được những khó khăn nêu trên nên hiệu quả ngăn chặn chưa cao.

RÀ SOÁT VÀ XỬ LÝ NGHIÊM

Để khắc phục các mặt hạn chế đó, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, bán đất, cầm cố đất dẫn đến bị siết đất, không còn đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh chỉ thị UBND các huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn:

Tăng cường quản lý giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố đất, bán đất có hoặc không có GCNQSDĐ. Khi phát hiện có sự chèn ép đồng bào DTTS về quyền lợi và giá cả trong giao dịch mua bán điều non, vay tiền, cầm cố, sang nhượng đất thì cần có biện pháp can thiệp kịp thời để xử lý, răn đe, ngăn chặn; nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiến hành kiểm tra và thực hiện thu hồi những trường hợp sang nhượng đất do được nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của nhà nước trong 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất do vi phạm Điều 40 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Điều 64 Luật Đất đai 2013 đã được phát hiện, tổ chức cưỡng chế và giao lại cho những hộ đồng bào DTTS không có đất sản xuất tại địa phương, ưu tiên các hộ tại thôn rồi mới đến xã, huyện. Tiếp tục tổ chức rà soát, khi phát hiện thì tiếp tục xử lý thu hồi, địa phương nào không thực hiện nghiêm thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, phân loại, xác định các đối tượng môi giới cho vay nặng lãi, mua điều non, siết đất sản xuất của đồng bào DTTS và có biện pháp nghiệp vụ để răn đe, ngăn chặn, kiểm soát nhằm hạn chế gây thiệt hại cho đồng bào DTTS của địa phương. Rà soát diện tích của đồng bào DTTS chưa được cấp GCNQSDĐ, nhất là những diện tích đã sản xuất ổn định trên các lâm phần...

Khi chứng thực giao dịch sang nhượng đất, UBND cấp xã phải xác minh nguồn gốc đất, nếu là đất giao cho đồng bào DTTS theo các chính sách của nhà nước thì không chứng thực theo quy định trong vòng 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Chỉ đạo chi nhánh ngân hàng chính sách cùng cấp triển khai thực hiện tốt các chính sách vay vốn đối với đồng bào DTTS.

TUYÊN TRUYỀN VỀ TÁC HẠI CỦA CẦM CỐ

Chỉ thị của UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai, Luật Dân sự, Luật Hình sự, tác hại của việc mua bán điều non, cầm cố đất, bán đất, vay nặng lãi trong đồng bào DTTS. Kịp thời thông báo rộng rãi cho người dân cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, kém hiểu biết của họ để trục lợi bất chính như cho vay nặng lãi, dụ dỗ cầm cố đất, bán đất. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cho vay nặng lãi trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự về lãi suất cho vay. Vận động người dân tố giác đối tượng cho vay nặng lãi, nhận cầm cố, mua đất có tính chất chèn ép gây thiệt hại cho đồng bào DTTS. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS áp dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống; hướng dẫn cách sử dụng nguồn vốn, cách chi tiêu khoa học. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống người dân, có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi ốm đau, thiên tai, hạn chế tình trạng túng quẫn phải đi vay nặng lãi, cầm cố đất, bán đất, bán điều non...

Chỉ thị số 19/2015/CT-UBND có hiệu lực từ ngày 5-1-2016 và thay thế Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh.

Chỉ thị của UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan: Ban Dân tộc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước, Báo Bình Phước, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh... căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện theo chỉ đạo được nêu cụ thể trong chỉ thị.

Hải An

  • Từ khóa
53410

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu