Chủ nhật, 28/04/2024 23:50:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:47, 06/12/2016 GMT+7

NGÀY LÀM VIỆC THỨ HAI, KỲ HỌP THỨ BA HĐND TỈNH:

Chất vấn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, “tạm giao” công chức…

Hoàng Thu
Thứ 3, 06/12/2016 | 13:47:00 1,951 lượt xem

>> Khai mạc kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX
>> Nhiều kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh
>> [Video] Khai mạc kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX
>> Năm 2017, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước của Bình Phước là 4.566 tỷ đồng

BPO - Sáng nay, 6-12, dưới sự chủ trì của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các đại biểu tiếp tục làm việc tại hội trường và thực hiện phiên chất vấn một số Ủy viên UBND tỉnh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Có 2 xã phát sinh nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Lộc: Năm 2016, 12/12 xã được chọn về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện đạt kế hoạch đề ra, nhưng còn một số tiêu chí chưa thật sự bền vững và phát sinh nợ đọng. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2017 tiếp tục đề ra 12 xã về đích, trong khi nguồn ngân sách bố trí chi bằng năm 2016. Giải pháp nào để đảm bảo thực hiện đạt kế hoạch đề ra?

Giám đốc NN&PTNT Trần Văn Lộc trả lời chất vấn tại kỳ họpGiám đốc NN&PTNT Trần Văn Lộc trả lời chất vấn tại kỳ họp

Về một số tiêu chí chưa thực sự bền vững, Giám đốc NN&PTNT Trần Văn Lộc cho rằng, chủ yếu là các chỉ tiêu thuộc tiêu chí: Môi trường (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành), an ninh trật tự (xã Minh Hưng - Bù Đăng, Minh Hưng - Chơn Thành, Bù Nho - Phú Riềng). Đây là những tiêu chí nhạy cảm, không cần nhiều nguồn lực về vốn nhưng khi đạt cũng khó bền vững.

Giám đốc NN&PTNT thông tin: Tính đến ngày 30-10, đã huy động được 169 tỷ 817 triệu đồng cho 12 xã về đích nông thôn mới năm 2016. Theo báo cáo sơ bộ của các huyện, thị thì 4 xã Long Giang, Bù Nho, Minh Hưng (Chơn Thành), Minh Hưng (Bù Đăng) chưa phát sinh nợ đọng trong ngân sách nhà nước. 8 xã còn lại báo cáo có nợ đọng, nhưng khi phân tích thì chỉ có 2 xã: Lộc Hưng (Lộc Ninh) nợ 5,1 tỷ đồng, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) nợ 3,8 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, nhu cầu về vốn theo phân kỳ đầu tư và nâng chất đối với 12 xã đã về đích năm 2016 khoảng 98 tỷ đồng, tập trung vào hoàn thiện tiêu chí trường học, đường giao thông…

>> [Video] Khai mạc kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX

Năm 2017, Bình Phước phấn đấu có thêm 12 xã về đích nông thôn mới là khả thi. Vì theo Giám đốc NN&PTNT, dự kiến tổng nguồn lực của toàn xã hội cho 12 xã nông thôn mới này khoảng 403,8 tỷ đồng. Theo dự thảo báo cáo kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2017, dự kiến vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do trung ương phân bổ là 44 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh (bảo lãnh bằng xi măng) dự kiến khoảng 33 tỷ; vốn thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất dự kiến phân bổ cho các xã nông thôn mới 126,8 tỷ; nguồn vốn từ các chương trình, dự án lồng ghép khác dự kiến khoảng 158 tỷ; vốn huy động trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp khoảng 42 tỷ đồng.

Song song đó, Bình Phước sẽ tham mưu với trung ương điều chỉnh các tiêu chí theo hướng sát với điều kiện của tỉnh sẽ làm giảm áp lực lên ngân sách nhà nước như tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, chỉ tiêu nghĩa trang trong tiêu chí môi trường, thu nhập, hộ nghèo… “Nếu cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành… cùng vào cuộc thì sẽ hoàn thành nông thôn mới ở 12 xã trong năm 2017” - Giám đốc NN&PTNT Trần Văn Lộc nói.

Đại biểu Trần Chung chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT

Đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Trần Chung cho rằng, năm 2016, dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng còn một số xã có tiêu chí chưa hoàn thành như trường học, đường giao thông... Bên cạnh đó, việc hoàn tất các thủ tục công nhận xã nông thôn mới rất chậm.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc NN&PTNT Trần Văn Lộc cho biết, các tiêu chí về trường học, giao thông cần nguồn vốn rất lớn. Đối với 12 xã nông thôn mới được công nhận năm 2016, còn một vài xã nợ tiêu chí này, do 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật đầu tư công, ngân sách điều tiết chậm, nên có trường học mãi trong quý III/2016 mới khởi công và phải hết quý I/2017 mới hoàn công. Những công trình này đều được ghi vốn, dù chậm trễ nhưng vẫn đạt. Đồng thời, năm 2016, việc chậm ban hành quyết định công nhận 12 xã nông thôn mới là do các huyện chuyển các thủ tục về Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh chưa kịp thời dẫn đến chậm 10 ngày.

Dùng nguồn vượt thu để chi trả lương cho 267 công chức “tạm giao”

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ giải trình cụ thể về tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2017 là 2.266 biên chế, trong khi tổng số biên chế được giao theo Quyết định số 3925/QĐ-BNV, ngày 25-10-2016 của Bộ Nội vụ là 1.999 biên chế, vượt 267 biên chế.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thành Chung trả lời chất vấn tại kỳ họp

Lý giải việc này, Phó giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thành Chung cho rằng, 267 biên chế công chức vượt so với Bộ Nội vụ giao năm 2017 được tuyển dụng chính thức và đã công tác ổn định tại các sở, ngành, huyện, thị xã theo số biên chế do HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 18 (khóa VII), năm 2010 thông qua là 2.300. Đây là vấn đề do lịch sử để lại. Để giải quyết vấn đề này cần phải có lộ trình. 

“Vậy căn cứ vào quyết định nào để tạm giao 267 biên chế kể trên?” - đại biểu Nguyễn Hồng Trà chất vấn. “Tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để “tạm giao” và có cơ sở bố trí kinh phí chi trả lương cho số biên chế này” - Phó giám đốc Sở Nội vụ nói.

>> Nhiều kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi tới kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh

Về lộ trình cụ thể để thực hiện chính sách chi trả lương đối với số biên chế “tạm giao” nói trên, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Ngoài tỉnh Bình Phước thì một số tỉnh, thành phố khác vẫn sử dụng số biên chế vượt so với biên chế do Bộ Nội vụ giao và cũng áp dụng dùng nguồn ngân sách vượt thu của địa phương để chi lương cho số biên chế vượt. Để có nguồn chi trả lương cho 267 công chức trên, Sở Nội vụ sẽ phối hợp Sở Tài chính xây dựng đề án, tham mưu UBND tỉnh trình Ban thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến theo hướng sử dụng nguồn vượt thu hàng năm của tỉnh, đồng thời cắt giảm biên chế theo từng năm. Phải có lộ trình từng bước. 

575 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm: xã hội, y tế, thất nghiệp

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về tình hình nợ đọng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp hiện nay khá cao, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Mai Văn Tiến cho biết: Đến ngày 30-10-2016, toàn tỉnh có 575  doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) với số tiền nợ đọng là 60 tỷ đồng.

Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh phát biểu tại kỳ họp

Trong đó, 38 doanh nghiệp nhà nước, số tiền 7 tỷ 657 triệu đồng; 49 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số tiền 25 tỷ 581 triệu đồng; 488 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số tiền 26 tỷ 765 triệu đồng.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền đánh giá cao việc chuẩn bị nội dung, tiếp thu ý kiến chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành. Nội dung và phương pháp chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp rất tích cực. Các đại biểu chất vấn đến cùng sự việc, có đại biểu chất vấn đến 3 lượt ý kiến, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước đại biểu và cử tri toàn tỉnh.

Sáu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Giám đốc BHXH tỉnh đưa ra, trong đó có việc những năm gần đây, tình hình kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh cầm chừng, thu hẹp, giải thể hàng loạt. Do đó, công tác thu BHXH, BHYT, BHTN gặp nhiều khó khăn, nợ đọng bảo hiểm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ hoặc chấp nhận nộp lãi chậm đóng nhằm chiếm dụng tiền trích nộp BHXH, BHTN để sử dụng vào mục đích khác.

Đại biểu Nguyễn Hồng Trà đã chất vấn Giám đốc BHXH tỉnh về nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã xâm hại đến quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên? Ông Mai Văn Tiến cho biết, theo quy định của Luật BHXH, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có thời gian làm việc từ đủ 3 tháng trở lên thì chủ sử dụng lao động phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Khi doanh nghiệp trích nộp không đầy đủ thì việc thanh toán các chế độ cho người lao động sẽ bị chậm lại.

Để tránh xâm hại đến quyền lợi của người lao động, Tổng LĐLĐ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp để có giải pháp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

>> Năm 2017, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước của Bình Phước là 4.566 tỷ đồng

  • Từ khóa
16992

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu