Thứ 5, 02/05/2024 04:52:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:52, 14/12/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI LẬP (1988-2018) VÀ 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG BÙ ĐĂNG (14-12-1974 - 14-12-2018)

Sức sống mới ở Bù Đăng

Thứ 6, 14/12/2018 | 09:52:00 2,509 lượt xem
BP - 44 năm sau ngày giải phóng, 30 năm sau ngày tái lập, Bù Đăng - vùng đất gian khó một thời đang chuyển mình mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ... Đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nhiều khởi sắc.

ĐI LÊN TỪ GIAN KHÓ

Là huyện được giải phóng đầu tiên trong Chiến dịch đường 14 - Phước Long nên nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Bù Đăng hết sức nặng nề. Vừa phải xây dựng và tạo thế liên hoàn với chiến khu Đ mở rộng, vừa củng cố, phát triển lực lượng phòng địch tái chiếm. Bà Điểu Thị Thanh Liêm, 68 tuổi, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện giai đoạn 1988-1990, nhớ lại: “Sau giải phóng, toàn huyện chưa có một nhà mái ngói, nông nghiệp còn lạc hậu, độc canh phá rừng làm rẫy nên tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc thường xuyên xảy ra”.

Một góc trung tâm thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) ngày nay - Ảnh: S.H

Tháng 11-1976, cả nước tổ chức kiện toàn lại các đơn vị hành chính, Bù Đăng sáp nhập vào huyện Phước Long. Đi đôi với công tác sắp xếp tổ chức, Bù Đăng tiến hành công cuộc khai hoang phục hóa, giải quyết việc làm, cung cấp gạo, thực phẩm cho nhân dân để ổn định cuộc sống. Cùng lúc đó, huyện đón nhận hàng ngàn người từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung đến xây dựng kinh tế mới. Ngày 4-7-1988, do yêu cầu của quản lý hành chính, Bù Đăng được tách thành huyện độc lập. Sau 30 năm tái lập, Bù Đăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. 

Ông Bùi Kim Dung, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện giai đoạn 1991-1995 nhớ lại: “Sau khi tái lập, Đảng bộ, chính quyền huyện mượn nhà đồng chí Phan Bình Minh, nguyên Bí thư Huyện ủy giai đoạn 1989-1991 làm trụ sở. Các hội đoàn thể mượn nhà ở của dân để hoạt động tạm thời, sau đó mới tính đến chuyện xây dựng văn phòng và các công trình dân sinh. Do địa bàn hiểm trở, đường đồi dốc, nắng bụi, mưa lầy nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Từ trong gian khó, Đảng bộ huyện Bù Đăng xác định nhiệm vụ trọng tâm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định dân cư”.

ĐỘT PHÁ TRONG XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG

Về Bù Đăng hôm nay, điều chúng tôi dễ nhận thấy là diện mạo nông thôn và trung tâm huyện đã có nhiều thay đổi. Quốc lộ 14 qua địa bàn được đầu tư nâng cấp nối liền huyện với các tỉnh Tây Nguyên. Đường từ trung tâm huyện đến 16 xã, thị trấn được nhựa hóa. Điện lưới quốc gia phủ kín các thôn, ấp với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 97,35%. Đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Nhiều tuyến đường đã được gắn camera an ninh, có điện thắp sáng, trồng hoa ven đường. Toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đạt trung bình từ 14-15 tiêu chí. 100% xã, thị trấn có trụ sở làm việc kiên cố theo quy định; 90% số phòng học được kiên cố hóa. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư...

Sản xuất, chế biến điều tại Công ty Trường Thịnh, xã Thống Nhất (Bù Đăng)

Có được kết quả nêu trên là nhờ những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, hợp lòng dân, nhất là áp dụng hiệu quả chủ trương làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù (tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện đối ứng đá, cát, nhân dân đóng góp ngày công). Để thực hiện cơ chế này, các cấp chính quyền ở Bù Đăng đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đối ứng toàn bộ phần cát, đá và ngày công. Từ năm 2016 đến tháng 3-2018, Bù Đăng đã thực hiện cứng hóa 68,9km đường giao thông nông thôn. Nâng cấp, sửa chữa 86,4km đường sỏi đỏ với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 30 tỷ đồng. Có đường thông, hè thoáng, các hộ dân đóng góp tiền để kéo điện thắp sáng. Đến nay, toàn huyện có 270,53km đường thôn được lắp đặt điện chiếu sáng. Nhờ vậy, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông giảm đáng kể, việc giao thương buôn bán dễ dàng, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.

TIỀM NĂNG CẦN ĐÁNH THỨC

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Bù Đăng là địa bàn chiến lược, căn cứ cách mạng quan trọng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Với những đóng góp to lớn đó, Bù Đăng và 5 xã của huyện đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, còn có 2 cá nhân của huyện được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 4 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện chỉ còn 1 mẹ) và 21 mẹ được truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Bùi Kim Dung, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chia sẻ: Bù Đăng hôm nay đã có nhiều đổi khác sau 30 năm tái lập nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy. Vì vậy, Bù Đăng cần tập trung nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Khắc phục vấn đề này sẽ hạn chế được tình trạng di dân, xâm canh lấn chiếm, cầm cố đất, bán điều non... Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa hoàn thiện. Nhiều tuyến đường nhanh xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Là huyện có lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng nhiều công trình thủy lợi không phát huy hiệu quả; đầu ra cho nông sản bấp bênh. Tiềm năng du lịch chưa được khai thác tốt, muốn làm được phải có sự đầu tư đồng bộ, có cơ chế hoạt động riêng cho lĩnh vực này.

Là huyện dẫn đầu tỉnh về hoàn thành tiêu chí cán bộ đủ tiêu chuẩn chuyên môn, hiện 100% chức danh trưởng, phó các phòng, ban; 99% công chức huyện có chuyên môn đại học. Các chức danh chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn cao hơn quy định hiện hành của Chính phủ. Bù Đăng cũng là huyện dẫn đầu về công tác luân chuyển cán bộ với trên 50 cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực về xã, thị trấn để có những trải nghiệm về sau khi ở vị trí lãnh đạo. Nguyên Bí thư Huyện ủy Bùi Kim Dung cho rằng, luân chuyển cán bộ là tất yếu, nhưng thời gian phải đủ để người được luân chuyển thích nghi và thực hiện các dự định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình. Với Đề án 999 của Tỉnh ủy, huyện phải thực hiện công tâm, khách quan, dân chủ; chọn người có tài, có đức để điều hành đưa huyện ngày càng phát triển.

M.Luận

  • Từ khóa
25083

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu