Thứ 6, 26/04/2024 15:39:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 13:59, 14/03/2018 GMT+7

Sự ra đời của Luật quốc tế

Thứ 4, 14/03/2018 | 13:59:00 6,909 lượt xem
BP - Vào thế kỷ thứ XVI, các nước châu Âu đã họp bàn về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên nguyên tắc bình đẳng. Năm 1625, nhà luật học người Hà Lan tên Hugo Grotius viết cuốn sách “Luật chiến tranh và hòa bình”. Trong cuốn sách này, Hugo Grotius đã đề cập đến 3 nguyên tắc cơ bản về “Chủ quyền, hợp tác quốc tế và chủ nghĩa nhân đạo”. Từ 3 nguyên tắc này, Hugo Grotius đã được vinh danh là “Cha đẻ của Luật quốc tế”.

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm ở châu Âu (năm 1648), các bên tham chiến đã ký Hòa ước Westfalen tại Đức. Hòa ước này thừa nhận, các nước không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng và chế độ xã hội... đều bình đẳng với nhau. Nước nào vi phạm sẽ bị các quốc gia khác cùng phản đối hoặc can thiệp. Tinh thần chung của Hòa ước Westfalen là căn cứ vào 3 nguyên tắc của Hugo Grotius và đã hình thành nên luật quốc tế cận đại. Đến thế kỷ XIX, các nước châu Âu tổ chức nhiều cuộc họp để lập lại biên giới giữa các quốc gia, Luật quốc tế được thông qua tại các hội nghị này và trở nên hoàn thiện hơn. Hội nghị Viên năm 1814-1815 đã chính thức đưa vào Luật quốc tế điều khoản “Cấm buôn bán nô lệ” và chia cấp ngoại giao thành đại sứ, công sứ và đại diện. Năm 1856, tại “Tuyên ngôn Pari” về quy tắc “trung lập” đã được các nước tiếp thu và đưa vào Luật quốc tế. Đầu thế kỷ XX là thời điểm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Luật quốc tế, vì các nước thuộc thế giới thứ ba đã có những bước khẳng định mình trên vũ đài chính trị. Nhiều nước đề ra “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” và đã trở thành các quy chuẩn cơ bản trong xử lý những mối quan hệ quốc tế.

Luật quốc tế là một văn bản pháp quy, có hiệu lực đối với các nước tham gia ký kết hiệp ước quốc tế. Luật quốc tế là cách gọi chung những chuẩn tắc, điều hòa mối quan hệ giữa các nước nên còn gọi là “Công pháp quốc tế”. Nhờ có Luật quốc tế nên mọi cuộc xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, biên giới giữa các quốc gia đều được giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau... Tuy trên thế giới không có một cơ quan chấp pháp nào đứng trên chính quyền các nước, nhưng nếu nước nào vi phạm luật pháp quốc tế sẽ bị các nước khác cắt đứt ngoại giao, phong tỏa tài sản. Tranh chấp giữa các nước có thể yêu cầu Tòa án quốc tế làm trọng tài phán quyết. Tòa án quốc tế là cơ quan tư pháp chủ yếu do Liên hiệp quốc lập ra sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 để đại diện cho toàn thế giới trong giải quyết các vấn đề tranh chấp và được phán quyết theo Luật quốc tế. Từ khi ra đời đến nay, Luật quốc tế đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, góp phần không nhỏ trong nền hòa bình của nhân loại thời gian qua.

T.Phong
(Nguồn 102 sự kiện nổi tiếng thế giới)

  • Từ khóa
66603

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu