Thứ 7, 20/04/2024 01:42:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:11, 10/03/2017 GMT+7

Sâu bệnh tàn phá hàng loạt vườn điều ở Bù Đăng

Thứ 6, 10/03/2017 | 09:11:00 171 lượt xem
BP - Thời điểm này, nông dân toàn tỉnh đang tập trung dọn vườn rẫy chuẩn bị mùa thu hoạch điều sắp tới. Tuy nhiên tại Tiểu khu 177 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai, địa bàn xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đã xảy ra tình trạng sâu bệnh gây hại điều hàng loạt khiến nhiều vườn liền kề nhau không có khả năng thu hoạch. Có hộ rơi vào cảnh chi phí thuốc trừ sâu bệnh quá nhiều, không còn khả năng tài chính nên bỏ rẫy không chăm sóc.

Vợ chồng anh Dũng (bìa trái) kể lại tình hình sâu bệnh cùng cán bộ xã Đắk Nhau

Vượt qua khoảng 15km đường từ trụ sở UBND xã Đắk Nhau, chúng tôi đến rẫy của hộ anh Tô Văn Dũng (1968), trú thôn Đắk Xuyên. Rẫy thuộc Tiểu khu 177, Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai. Toàn bộ diện tích 6,5 ha điều 4 năm của gia đình anh đã bị bọ xít muỗi chích hút và các loại nấm bệnh gây hại khiến trái xì mủ, đọt bông, cành khô héo, thậm chí nhiều cây đã chết. Anh Dũng cho biết, gia đình phát hiện điều bị bọ xít muỗi từ tháng 10-2016. Bọ xít xuất hiện nhiều vào sáng sớm và chiều tối chích chồi non, bông, trái, cổ bông khiến các bộ phận xì mủ, dần dần chết khô và rụng. Gia đình anh Dũng đã mời kỹ sư nông nghiệp về kiểm tra và hướng dẫn cách dùng thuốc chữa trị. Mỗi lần xịt, anh Dũng thường kết hợp 3 loại thuốc trị bệnh thán thư, khô bông rụng trái non, bọ xít muỗi và bọ trĩ, hàm lượng mỗi loại 1 lít/ha. Anh còn kết hợp đeo khoảng 20kg long nhãn vào cây để xua đuổi muỗi. Vì thời gian xịt chỉ vào chiều mát và buổi tối nên gia đình anh phải xịt liên tục trong 8-10 ngày mới xong một lượt. Sau khi xịt thì bọ xít và bọ trĩ chết, tuy nhiên do bọ quá nhiều nên chỉ sau 3-4 ngày chúng lại bám đầy cây và tiếp tục gây hại.

Một số người dân có rẫy xung quanh nhà anh Dũng sang tìm hiểu nguyên nhân bệnh gây hại điều và tìm cách phòng chống

Anh Dũng buồn rầu nói: “Gia đình đã 9 lần xịt thuốc. Phải bơm nước từ xa nên rất vất vả. Mỗi lần xịt chi phí thuốc, xăng dầu hết 4,5 triệu đồng. Qua hơn 3 tháng tập trung phòng trừ, gia đình đã chi hết khoảng 45-50 triệu đồng. Không còn tiền mặt, vợ tôi bán cả trang sức để mua thuốc trừ sâu bệnh nhưng đến nay bọ xít muỗi và bọ trĩ vẫn bám đầy cây. Vụ điều năm trước tuy mới thu bói cũng được trên 4 tấn, nhưng vụ năm nay, vừa không có thu lại chi phí quá nhiều. Gia đình tôi đã quá mệt mỏi, buông xuôi thôi”.

Vụ điều năm nay do bệnh gây hại lớn chắc chắn năng suất sẽ sụt giảm nhiều. Trong điều kiện như hiện nay, chúng tôi đề nghị ngành nông nghiệp huyện nói chung, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện nói riêng cần vào cuộc tích cực, tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh, nếu không hậu quả, tác hại sẽ vô cùng lớn. Bởi không chỉ năm nay bà con không được thu hoạch mà nguy cơ điều chết phải trồng lại là rất có thể xảy ra. Không những thế, bệnh không trị kịp thời sẽ lây lan thành dịch và gây hại không chỉ vài hécta mà còn lan sang vùng lân cận và trên diện rộng.

Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau Nguyễn Mạnh Trường

Quan sát khu vực xung quanh, chúng tôi nhận thấy không chỉ riêng rẫy của gia đình anh Dũng, mà những rẫy bên cạnh như các hộ ông Năm, ông Thuận mỗi hộ gần 4 ha cũng trong tình trạng tương tự. Vợ anh Dũng rầu rĩ cho hay: “Do chi phí thuốc hết quá nhiều, kinh tế kiệt quệ, hộ ông Năm đã bỏ rẫy không chăm sóc nữa, cả nhà về hết rồi”.

Nhận được thông tin từ người dân, lãnh đạo UBND xã Đắk Nhau cùng cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật, khuyến nông, hội nông dân đến tìm hiểu tình hình thực tế. Anh Huỳnh Long Hảo, cán bộ bảo vệ thực vật xã Đắk Nhau cho biết: “Chúng tôi đã tới vài lần và ghi nhận bọ xít muỗi xuất hiện quá nhiều. Chúng tôi đã tư vấn cho gia đình anh Dũng và các hộ lân cận dùng các loại thuốc vừa trị bọ xít muỗi và loại sâu bệnh khác, nhưng do sâu bệnh phát triển quá nhanh hoặc khi người dân xịt thuốc chúng bay đi, sau đó quay lại nên không trị được. Tôi nghĩ tất cả các hộ xung quanh phải đồng loạt xịt thuốc phòng trừ thì mới hiệu quả”.

Anh Hảo cho biết thêm: Năm nay do thời tiết nắng mưa thất thường nên cùng với bọ xít muỗi thì bệnh thán thư, bệnh cháy lá, khô bông, khô cành xuất hiện phổ biến, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng điều trên địa bàn Bù Đăng. Bên cạnh đó, các loại bọ vòi voi, bọ đầu dài xuất hiện đục vòng quanh vào chồi non để đẻ trứng. Sâu non nở ra trong chồi, ăn chồi và lá non làm cây có khuynh hướng mọc ra nhiều chồi nách dẫn đến sinh trưởng kém.

Trực tiếp tới thăm rẫy điều bị sâu bệnh gây hại của người dân, ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau nhận định, diễn biến bệnh gây hại là hết sức nguy hiểm và chưa năm nào bị nặng như năm nay. Diện tích bị sâu bệnh tuy chưa thống kê kịp nhưng nghe người dân phản ánh bị khá nhiều.

Toàn xã Đắk Nhau có khoảng 7.000 ha điều. Vụ điều năm trước, bình quân toàn xã đạt khoảng 1,3 tấn/ha.

Quang Minh

  • Từ khóa
41182

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu