Thứ 2, 06/05/2024 04:26:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:23, 27/05/2013 GMT+7

Rừng trên núi Bà Rá đang bị chặt phá

Thứ 2, 27/05/2013 | 14:23:00 787 lượt xem

Núi Bà Rá được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995. Vì vậy, bảo vệ rừng Bà Rá chính là bảo vệ khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, cây rừng trên núi vẫn đang tiếp tục ngã xuống từng ngày dưới bàn tay của lâm tặc.

NGỔN NGANG CÂY RỪNG BỊ XẺ TRÊN NÚI

Ngày 9-5, chúng tôi khám phá núi Bà Rá bằng đường bộ. Điểm đầu tiên được chọn là vườn điều ở phía Tây chân núi. Khi vào giữa vườn, chúng tôi phát hiện một vệt bánh xe in trên những hòn đá cuội và hằn trên rễ điều nổi lên mặt đất. Vườn điều này có rất nhiều lối đi đã mòn, cứng, rất khó phát hiện vệt bánh xe bắt nguồn từ điểm nào trên lưng núi.

Một cây da đá bị đốn hạ ở khu vực phía Tây sườn núi Bà Rá (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 9-5-2013)

Quyết định tìm hiểu thêm, chúng tôi chọn một đường thẳng lên núi. Con đường mòn dốc, xói lở, đi lại khó khăn. Xung quanh vắng lặng. Đến giữa núi, chúng tôi cắt rừng, chuyển hướng sang tay phải. Chưa đầy 10m, một gốc cây lớn mới bị cưa hiện ra trước mắt. Gốc cây còn đỏ tươi. Những lóng gỗ chưa kịp chuyển đi nằm ngổn ngang. Vài khóm lồ ô gãy đổ cây cổ thụ đè xuống.
Lúc 8 giờ ngày 10-5, trao đổi với ông Bùi Thanh Kỷ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phước Long, chúng tôi chỉ nhận được một vài thông tin do Phân viện quy hoạch rừng miền Nam khảo sát năm 2012. Cụ thể núi Bà Rá có: 718 ha đất còn rừng tự nhiên; 36,7 ha rừng trồng, trữ lượng gỗ tự nhiên 57.998m3, gần 300 ngàn cây lồ ô, 240 ha rẫy trồng có trước năm 1995. Về số lượng gỗ quý, hiếm và cá thể động vật sinh sống trong rừng, hạt không nắm rõ. Trên núi luôn thiếu nước, công tác chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Đi khoảng gần 20m, hình ảnh cây rừng bị cưa, xẻ thành từng khúc ngắn tiếp tục hiện ra. Bên cạnh, từng khóm lồ ô nằm ngổn ngang, có cây bị chẻ toác. Từng mảng vỏ cây tươi bị đẽo quăng xuống đất... Đứng giữa lá phổi nguyên sinh nhưng chúng tôi thấy hồi hộp, ngột ngạt đến khó thở. Xót xa, rừng cấm đang bị tàn phá.

Trời xế chiều. Chúng tôi tìm đường xuống núi, đến một bụi cây, phát hiện thêm ít đồ của lâm tặc để lại. Hai chai nhựa (loại 1,5 lít) đựng xăng, nhớt được giấu dưới gốc lồ ô. Bên cạnh hai chiếc chai này là một phễu nhỏ. Xăng, nhớt dùng cho máy cưa tay.

 Tiếp tục xuống khoảng 5m, chai nước lọc của “ai đó” đã vơi quá nửa còn bỏ lại. Lần theo con đường, chúng tôi thấy 6 lóng gỗ nằm rải rác. Hai lóng to, ngắn phía trên đầu dốc. Hai lóng dài nằm gọn một bên. Một lóng nằm nép bên hàng cây rừng. Một lóng được lâm tặc đóng đinh, mắc đòn kéo dở dang xuống dốc. Những lóng gỗ này được đẽo vỏ, chờ cơ hội xuống núi, rời khỏi nơi ở của nó suốt mấy chục năm qua. Thế là sự sống trong thiên nhiên của nó đã kết thúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc lâm tặc xẻ rừng, đốn hạ những cây gỗ to đã diễn ra ngang nhiên suốt thời gian qua, nhưng chưa bị ai “sờ gáy”... Những ngày chúng tôi theo dõi, lâm tặc hoạt động đều đặn vào khung giờ “vàng” (từ 10 giờ trưa tới 1 giờ chiều) mà chẳng ai hay biết (?).

KIỂM LÂM ĐI ĐÂU (?)

Nhận được thông tin núi Bà Rá đang bị cưa, chặt, chúng tôi rất khó tin. Làm gì có việc cây rừng bị xẻ thịt, khi chốt kiểm lâm Phước Long đóng ở ngay trung tâm chân núi. Lẽ nào lâm tặc có thể “qua mặt” cả Hạt kiểm lâm Phước Long dễ dàng như thế(!?). Nhưng, qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận thực tế đáng buồn: Cách chốt kiểm lâm khoảng 7km đường xe chạy, gỗ lớn trên núi Bà đã đổ xuống. Cụ thể: Chỉ riêng phía Tây Nam của ngọn núi, cách hang Dơi khoảng 2km, lâm tặc đã đốn ngã hàng chục cây cổ thụ. Từ những mảnh gỗ nhỏ để lại, M - một người sành đồ gỗ đã xác định giúp chúng tôi: Đây là gỗ da đá khoảng 40 năm tuổi (gỗ thuộc nhóm II, nhóm cần được bảo vệ nghiêm ngặt).

Về vấn đề lâm tặc phá rừng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bùi Thanh Kỷ cho rằng: Hạt kiểm lâm Phước Long có 8 nhân viên, chia nhau thường trực bảo vệ rừng; thường xuyên mở các đợt truy quét cao điểm để chống lâm tặc. Hiện tại lâm tặc vào rừng chỉ là trường hợp ăn cắp gỗ nhỏ, lẻ. Ông Kỷ dẫn giải thêm: Ngày 8-5, kiểm lâm Phước Long đã mở đợt truy quét, thu được 2 lóng gỗ và 2 xe honda vận chuyển. Còn lâm tặc đã bỏ xe chạy, vì vậy kiểm lâm không biết đối tượng là ai.

Được biết, ngày 8-5, kiểm lâm Phước Long “mở đợt truy quét cao điểm” và thu được 2 lóng gỗ mà lâm tặc đã đưa được xuống vườn điều. Tuy nhiên, trong suốt những ngày ghi nhận lâm tặc phá rừng, xẻ gỗ trên núi Bà Rá, chúng tôi không thấy bóng dáng một kiểm lâm viên nào. N.V.S - người lên núi tìm đá cuội về viết thư pháp bức xúc: Núi Bà Rá là di tích lịch sử, không giữ được rừng, thật có tội với con cháu sau này.

Chia sẻ với chúng tôi về việc lâm tặc đã xẻ rừng, đốn hạ gỗ quý, lực lượng bảo vệ cáp treo núi Bà Rá cho biết: Anh em cáp treo thường xuyên chia ca đi tuần, bắt gặp những cây gỗ bị cưa xuống. Tuy nhiên, Đội bảo vệ cáp treo không được hỗ trợ công cụ khống chế, không có chức năng xử phạt, nên chỉ có thể thông báo và đợi kiểm lâm Phước Long xử lý.

Trong khi toàn tỉnh đang dốc sức vào việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích núi Bà để xứng tầm là danh lam, thắng cảnh, thu hút khách du lịch mọi miền về với đất Bình Phước thì rừng tự nhiên, rừng trong di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia Bà Rá vẫn tiếp tục bị tàn phá. Cảnh quan danh thắng núi Bà bị suy kiệt nghiêm trọng, mất hẳn sự đa dạng sinh học của rừng già. Việc truy quét lâm tặc trên núi có thực sự quá khó? Trách nhiệm này thuộc về ai, đơn vị nào?

N.L

  • Từ khóa
92211

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu