Thứ 3, 19/03/2024 12:20:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:05, 23/03/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (23-3-1975 - 23-3-2018)

Phước Long: Anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động

Thứ 6, 23/03/2018 | 07:05:00 2,671 lượt xem

>> Bình Phước trong trái tim những người lính

BP - Sáng 6-1-1975, Phước Long như một bức tranh đa sắc màu. Ngọn cờ độc lập được cắm trên dinh Tỉnh trưởng, hàng ngàn ngụy quân chấp hành theo chỉ dẫn của bộ đội di chuyển ra khỏi vùng giải phóng, đi về hướng Bù Nho, Đồng Xoài, đánh dấu sự thất bại của Mỹ - ngụy trên chiến trường Phước Long. Đó còn là hình ảnh nhân dân Phước Long reo hò khi biết tin “mắt thần” Bà Rá được giải phóng. 43 năm sau giải phóng, thị xã Phước Long hôm nay êm đềm bên dòng sông Bé huyền thoại, phát triển với những chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội vượt bậc.

PHƯỚC LONG NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG

Từ đêm 13-12-1974 đến ngày 6-1-1975, trận chiến Đường 14 - Phước Long bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Sáng 6-1-1975, khi biết chắc sẽ thua cuộc, Đại tá Thành, Tỉnh trưởng tỉnh Phước Long của chế độ ngụy quyền lúc này đã “cao chạy xa bay” và bị bắt ở hướng đi Quảng Đức (tỉnh Đắk Nông ngày nay). 6 giờ sáng, cờ cách mạng được cắm trên nóc dinh Tỉnh trưởng, Mỹ - ngụy thất bại, thừa nhận không giữ được “mắt thần” Bà Rá.

Thị xã Phước Long hôm nay đang phát triển mạnh mẽ ngành gia công và chế biến hạt điều. Trong ảnh: Các đại biểu tham dự hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam tham quan Nhà máy chế biến điều Công ty TNHH Phúc An ở Phước Long

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long, người trực tiếp tham gia trận chiến Đường 14 - Phước Long, nhớ lại: Nghe tin Phước Long giải phóng, nhân dân khắp nơi vui mừng. Đường sá tấp nập xe cộ, từng đoàn người nối nhau xuôi ngược. Hàng ngàn ngụy quân xếp hàng chờ bộ đội địa phương hướng dẫn đi về vùng tập kết Bù Nho, Đồng Xoài. Ngay sau chiến thắng, bộ đội chủ lực (Quân đoàn 4) và địa phương hành quân về Chơn Thành để chuẩn bị cho các trận đánh khác. Để đảm bảo an toàn cho Phước Long trước ý định quay lại đánh chiếm của Mỹ, ngay trong ngày 6-1, Tiểu đoàn Bà Rá được sở chỉ huy thiết lập với nhiệm vụ bảo vệ đường không và rà soát, lục soát quân ngụy còn sót lại tại các trụ sở, cứ điểm. Những ngày sau đó, ý định chiếm trở lại Phước Long của Mỹ - ngụy thất bại, bộ đội tiếp tục đánh sập những điểm còn lại của ngụy quân. Một lực lượng bộ đội ta đi vào các vùng tản cư để xây dựng lực lượng. Lúc này, những anh “lính mới” là những thanh niên trong vùng giải phóng cũng lên đường làm nhiệm vụ xây dựng quê hương. Kể từ đây, Phước Long sạch bóng quân thù, quân và dân bắt tay vào khôi phục địa phương sau chiến tranh.

Đại tá Nguyễn Văn Ngoan cho biết: Sau giải phóng, năm 1976, tỉnh Phước Long cùng với Bình Long và Thủ Dầu Một hợp nhất trở thành tỉnh Sông Bé. Huyện Phước Long lúc này gồm: Bù Đốp, Phước Bình và Bù Đăng. Sau ngày giải phóng, người dân các vùng tản cư trở về Phước Long, họ cùng nhau lên rẫy trồng mì, trồng lúa. Từ đó, Phước Long trở thành huyện nông nghiệp, lúa, mì có thể cung cấp cho toàn tỉnh Sông Bé. “Đất lành chim đậu” nên những năm tiếp theo, rất đông người dân ở miền Bắc, miền Trung đã hội tụ về để xây dựng Phước Long giàu mạnh. Năm 1997, khi Sông Bé chia tách làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, thì Phước Long trở thành một huyện của tỉnh Bình Phước.

ĐẾN MỘT THỊ XÃ PHÁT TRIỂN NĂNG ĐỘNG

Năm 2009, thị xã Phước Long được thành lập thuộc tỉnh Bình Phước. Đến nay, thị xã Phước Long xứng danh là vùng đất hứa với trên 53 ngàn người dân sinh sống, diện tích 11.883 ha. Nhắc đến Phước Long không chỉ nói đến núi Bà Rá, thủy điện Thác Mơ... đó còn là một thị xã năng động với kinh tế phát triển đa dạng và mạnh mẽ. Toàn thị xã có 3.333 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân 150 cơ sở; 3.183 hộ kinh doanh cá thể. Riêng hoạt động thương mại có 1.757 cơ sở, 815 dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác.

Đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đóng góp vào đổi thay diện mạo thị xã Phước Long. Năm 2010, tổng thu thuế của thị xã chỉ đạt 116,386 tỷ đồng thì đến năm 2017 là 482,338 tỷ đồng (từ năm 2014, Phước Long đã miễn thu thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013 và Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013). Năm 2017, thu ngân sách Phước Long đạt 686 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.310 tỷ đồng, doanh thu các dịch vụ ăn uống đạt 560 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thị xã chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, thương mại - dịch vụ và công nghiệp chế biến hạt điều. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến hạt điều ghi dấu ấn với sự phát triển dày đặc về số lượng cũng như các trang thiết bị máy móc hiện đại, vươn mình chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

>> Tự hào truyền thống quê hương anh hùng

Được mệnh danh là địa bàn trung tâm của ngành chế biến điều, từ những năm 1990 người dân Phước Long đã bắt đầu nghề gia công, chế biến hạt điều. Qua từng năm, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề này đã tăng lên nhanh chóng. Thị xã Phước Long đang chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục về tư duy sản xuất, phương thức đầu tư thiết bị máy móc của các doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng thị trường. Qua đó xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiêu biểu xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường khó tính trên thế giới, doanh thu hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm...

Ông Mai Xuân Cường, Chủ tịch UBND thị xã Phước Long cho biết: Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thị xã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt nguồn lực ở trong dân rất tốt. Việc đưa vào sử dụng khu trung tâm hành chính thị xã tại phường Long Phước đã phần nào minh chứng cho điều đó. Tỷ lệ sử dụng đất của trung tâm hành chính và đô thị mới 60%, 32% dùng để quy hoạch khu dân cư - thương mại đấu giá cho người dân có nhu cầu sử dụng với khoảng 2.000 lô đất, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến nay, việc bán đấu giá đã thu về hơn 978 tỷ đồng, phần nào cho thấy hiệu quả của hình thức đổi đất lấy hạ tầng cũng như minh chứng cho tiềm lực kinh tế của Phước Long.

“Với mục tiêu chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng mạnh công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng đô thị văn minh theo hướng hiện đại, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư hạ tầng cũng như từng bước quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần giải quyết nguồn lao động và đồng hành với thị xã trong quá trình phát triển” - ông Cường chia sẻ.

43 năm đã trôi qua, Phước Long chồng chất khó khăn ngày nào đã được thay thế bằng một thị xã năng động, đổi mới với các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật. Ngoài phát triển kinh tế, Phước Long cũng vươn mình đón đầu ngành du lịch với những giá trị riêng có như Khu di tích lịch sử nhà tù Bà Rá và khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định; khu vui chơi hồ Long Thủy. Đặc biệt, quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá đang được UBND tỉnh tập trung xây dựng dự báo là dự án tác động mạnh mẽ đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Phước Long trong nay mai.

Thanh Nga

  • Từ khóa
20233

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu