Thứ 7, 04/05/2024 11:05:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:52, 20/06/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2018)

Phía sau những trang báo

Thứ 4, 20/06/2018 | 13:52:00 1,518 lượt xem
BP - Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) cận kề, đường dây nóng của tòa soạn nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc. Phản ánh, thắc mắc có nhưng đa số bạn đọc chúc mừng anh chị em nghề báo; cộng tác viên khi gửi tin, bài gọi điện thoại thông báo cũng không quên chúc mừng. Sự ghi nhận của độc giả là món quà tinh thần, là động lực để anh, chị em làm báo tiếp tục nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng Báo Bình Phước.

>> Dấu ấn làm báo trên quê hương Bình Phước

Anh em một nhà

Bạn đọc có thể biết tên, thậm chí quen mặt nhiều phóng viên, nhà báo nhưng cán bộ, biên tập viên, nhân viên bộ phận Tòa soạn mấy ai biết đến. Hơn 2 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ tại Phòng Tòa soạn. Anh, chị em đồng nghiệp không ít người mừng cho tôi, vì nghĩ sức yếu như tôi sẽ phù hợp công việc văn phòng hơn là phóng viên phải “lăn lộn” ở cơ sở. Nhưng cũng không ít người lo lắng, thậm chí sợ tôi sẽ “thiệt thòi”. Lúc ấy, tôi không nghĩ nhiều, chỉ cố gắng hoàn thành tốt công việc.

Tin, bài chuyển về tòa soạn thường đúng giờ cơm tối của mỗi gia đình và công việc kết thúc lúc 20 giờ hoặc muộn hơn tùy theo sự kiện diễn ra trong ngày. Tuy vậy, cán bộ, biên tập viên, nhân viên luôn ý thức trách nhiệm để tờ báo thêm chất lượng, có sức hút bạn đọc

Ngày nhận việc mới, cứ ngỡ đứa làm báo hơn 3 năm như mình sẽ không có thử thách, áp lực gì nhiều, nhưng về Tòa soạn mới “vỡ lẽ” nhiều điều. Chúng tôi phải đi làm vào ngày mọi người nghỉ (chủ nhật) và nghỉ lễ để đến sáng thứ hai và sau kỳ nghỉ lễ đã có báo phát hành đến tay bạn đọc. Công việc ở Tòa soạn thường kết thúc lúc 20 giờ hoặc muộn hơn tùy theo sự kiện diễn ra trong ngày. Ngoài ra, chúng tôi luôn sẵn sàng tinh thần “trực chiến” vì đôi khi nửa đêm sẽ bị gọi dậy lên cơ quan sửa lỗi bản can... Và không chỉ riêng biên tập viên là “Tào Tháo, chai đít, công ít, tội nhiều”, từ nhân viên dàn trang, họa sĩ, mo-rat, mỗi người đều tự ý thức trách nhiệm kiểm soát trang để tờ báo thêm chất lượng, có sức hút bạn đọc.

Giờ “sản xuất” tin thời sự thường vào khoảng 16-18 giờ; ngày diễn ra sự kiện chính trị lớn, trang báo đưa xuống nhà in lúc 1 giờ sáng là chuyện bình thường. Tin, bài chuyển về Tòa soạn thường đúng giờ cơm tối của mỗi gia đình. Và mì gói là món ăn thường trực của phòng. Nhưng đôi khi anh em tranh thủ “ăn sống”, vì đợi nấu nước, pha mì lại mất thêm thời gian. Hôm nào “sang” thì gọi phở bò, bún vịt... hoặc chăm chỉ hơn, anh em hẹn nhau đem theo cặp lồng cơm nhà nấu đi ăn... Còn nhớ đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, 21 giờ mới có kết quả kiểm phiếu từ bộ phận chuyên môn gửi về, anh, chị em Tòa soạn động viên nhau phải thật tỉnh táo, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào. Và dù hơn 1 giờ sáng mới rời cơ quan nhưng ai nấy thở phào, vui mừng vì hoàn thành công việc và hơn cả vì sự thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử. Sáng hôm ấy, khi bạn đọc cầm tờ Báo Bình Phước trên tay cũng là lúc những người đứng sau trang báo đã lại chỉnh tề, nghiêm túc có mặt tại phòng để bắt đầu công việc ngày mới, sau giấc ngủ chỉ đôi tiếng đồng hồ... Có hôm 12 trang báo vì lý do khách quan nên chỉ có 1... bài của phóng viên gửi về. Anh chị em tếu táo bảo nhau, hay số mai... nghỉ! Lúc ấy, Thư ký Tòa soạn là “đau đầu” nhất, phải xoay đủ cách để lấp đầy 12 trang; biên tập viên thì rối rít gọi điện động viên, “cầu cứu” anh chị em cộng tác viên gửi tin, bài... Có tin, bài về rồi khi biên tập cũng không dám cắt nhiều, thậm chí phải điện thoại hỏi tác giả có thể viết thêm, vì sợ trống trang!

Ở Tòa soạn có một chức danh anh chị em tự đặt ra, đó là “tỉnh táo viên”. Tuy nhiên, “tỉnh táo viên” không nhất định là 1 người. Có thể là thư ký, biên tập viên, mo-rát... tùy vào sự “tinh mắt” của họ ngày hôm đó phát hiện sơ suất, như: đổ nhầm chú thích, lỗi font chữ, can bị giãn... Vì vậy, dù công việc có căng thẳng, áp lực, anh, chị em Tòa soạn luôn tạo không khí thoải mái, thân thiện nhất. Đôi khi, thư ký hay anh họa sĩ thấy chị em căng thẳng vì tin, bài dồn về cùng lúc, họ lại pha trò, kể vài câu chuyện vui trong cuộc sống... rồi sau đó cùng nhau bắt tay vào làm việc.

Thời gian đầu nhận công việc mới, tôi đã hiểu vì sao có đồng nghiệp lại lo tôi bị “thiệt thòi”. Vì những người làm ở bộ phận Tòa soạn, thật khó để bạn đọc biết tên, biết công việc chúng tôi hằng ngày cống hiến. Chúng tôi không lo điều đó, chỉ mong đem đến bạn đọc sản phẩm báo chí chất lượng, uy tín, mang tính thời sự, nhận được sự phản hồi tích cực, bạn đọc yêu mến, tin tưởng. Và ngày đầu mỗi tháng, khi các phóng viên, cộng tác viên được xướng tên lên nhận khen thưởng của Ban biên tập, mỗi cán bộ, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn thêm lần vui vì thấy có “bóng hình” không nhỏ của mình trong những tác phẩm đó.

Cái “tủ lạnh” đặc biệt

Nhiều người cho rằng, Tòa soạn công việc “nặng” nhất là thư ký, biên tập viên rồi đến mo-rat, kỹ thuật viên, họa sĩ, nhưng anh em chúng tôi như thể chân tay. Bộ phận nào cũng quan trọng như nhau. Sợ nhất những khi mưa lớn xảy ra sự cố đường dây cúp điện. Lúc ấy, dù gió bão thế nào chúng tôi vẫn phải chạy đi mua xăng, rồi dẫn đường dây phát máy nổ. Rồi khi máy móc bị trục trặc, bị nhiễm virus, bộ phận kỹ thuật viên vừa làm vừa khắc phục... Không ai kể công, than khổ, bởi với chúng tôi mục đích cuối cùng là làm ra sản phẩm báo chí hoàn chỉnh, chất lượng phục vụ bạn đọc.

Nghe Tòa soạn “sắm” tủ lạnh, lại còn xịn hơn hẳn cái tủ làm mát của Phó tổng biên tập - như lời quảng cáo của Tòa soạn - mấy anh chị em phòng khác vô cùng ngưỡng mộ sự chịu chơi của “phòng lầu trên”. Có chị còn lên “thị sát” cái tủ lạnh ấy. Nhưng chị đi lòng vòng một hồi, không thấy cái tủ đâu mới hỏi, chúng tôi bấm nhau nhịn cười và ra vẻ bí mật “không dễ dàng để người khác thấy vật có giá trị của Tòa soạn”. Chị cười nói: “Không để nhờ nước lên ngăn lạnh đâu, đừng “keo kiệt” chứ”. Chúng tôi phá lên cười, dẫn chị vào phòng để máy móc rộng chưa đầy 2m2. Chị ngỡ ngàng rồi hiểu ngay vấn đề. Thì ra phòng ấy có gắn máy lạnh để bảo quản máy móc nên Tòa soạn tận dụng đặt nước uống vào cho mát... Rồi gọi mãi thành quen, khi tiếp khách chị em lại bảo đợi chút để vào “tủ lạnh” lấy nước...

Câu chuyện về cái “tủ lạnh” tưởng như giải trí vậy mà cũng là việc học và làm theo Bác của Tòa soạn. Vì vậy, anh chị em lại càng thấy học Bác không hề khó, mà bắt đầu từ việc đơn giản: Tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm bằng cách tận dụng giấy một mặt, bật máy lạnh khi thật cần thiết, đóng cầu dao khi ra về... đến đóng góp hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn trong cơ quan, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, hạn hán, quỹ khuyến học...

Thanh Thủy

  • Từ khóa
21167

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu