Thứ 5, 18/04/2024 22:15:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:51, 20/06/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2018)

Dấu ấn làm báo trên quê hương Bình Phước

Thứ 4, 20/06/2018 | 09:51:00 3,698 lượt xem
BP - Lâu nay, viết về nghề khác thấy rất dễ, nhưng nói về nghề của mình lại không dễ chút nào. Bình Phước đã cho tôi thực hiện ước mơ gắn bó với “nghiệp” làm báo và 20 năm bao vui - buồn, đi - viết đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn khó quên...

NHÀ BÁO VÀ GIẢI BÁO CHÍ

Những năm 80-90 của thế kỷ XX, Trường đại học tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) chưa có Khoa Báo chí nhưng sinh viên của Khoa Ngữ văn lại là nguồn chủ lực cho các báo Đảng địa phương, báo Trung ương và báo ngành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Không được học nghề báo một cách bài bản, nhưng tự hào của Khoa Ngữ văn - tổng hợp Huế là rất nhiều sinh viên gắn bó với “nghiệp” làm báo đã đoạt các giải báo chí trong nước và quốc tế. Bởi dù không dạy chúng tôi viết báo nhưng thầy, cô luôn dạy chúng tôi trách nhiệm với xã hội của người viết văn, dạy văn hoặc làm công tác xã hội. Đó cũng chính là trách nhiệm của người làm báo là phản ánh sự thật với mong muốn một xã hội phát triển công bằng, văn minh, mỗi con người đều có hạnh phúc.

Các phóng viên tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 15 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước - Ảnh: Nguyễn Bình

Khi ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã nuôi ước mơ trở thành nhà báo nhưng chỉ khi tỉnh Bình Phước được tái lập thì nghiệp làm báo mới gắn bó với cuộc đời tôi. 20 năm được viết báo trên quê hương Bình Phước, không phụ công thầy và trả ơn người dân đã đóng thuế nuôi mình, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc nghề báo là phản ánh đúng, kịp tính thời sự những vấn đề Đảng - nhân dân quan tâm. Tôi cũng tự hào vì đã đoạt nhiều giải báo chí của Trung ương, của tỉnh.  Kỷ niệm khó quên với tôi đó là những năm 2000, khi Bình Phước đứng trước vấn nạn phá rừng, một lần được “đồng hành” với Kiểm lâm Đồng Phú thực tế rừng Mã Đà. Loạt bài “Tan nát rừng Đồng Phú” của tôi đã được VTV1 điểm tin trên giờ “vàng” chào buổi sáng. Đó cũng là lần đầu tiên Báo Bình Phước được điểm tin. Tác phẩm của tôi được Hội Nhà báo Việt Nam bình chọn tác phẩm có chất lượng cao và được hỗ trợ 5 triệu đồng (những năm đó giải báo chí chưa phân cấp về địa phương). Năm 2003, loạt bài “Tiếng gọi của rừng từ vườn quốc gia Bù Gia Mập” của tôi lần nữa được VTV1 điểm tin chào buổi sáng... Và rất nhiều tác phẩm báo chí đoạt giải nhất. Đơn cử, loạt bài “Ngang nhiên lấn chiếm đất doanh nghiệp” hay “Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Bình Phước và những thủ đoạn o ép người chăn nuôi gia cầm”... Hạnh phúc, tự hào giải báo chí đã cho tôi có trải nghiệm “nghề nguy hiểm thứ 4” từ những cú điện thoại hù dọa của đối tượng bị phanh phui thủ đoạn...

 “VIẾT CHO AI? VIẾT ĐỂ LÀM GÌ?”

Viết bài và được đăng báo là “cần câu cơm” của nghề báo. Và không phải lúc nào người viết báo, đặc biệt là báo Đảng địa phương đều có tác phẩm báo chí “tâm huyết” để đoạt giải qua các cuộc thi.

Những năm đầu gắn bó với nghề báo ở Bình Phước, tôi luôn theo sát ngành y tế. Tôi luôn mong muốn các bài viết của mình góp phần nâng cao nhận thức cho người  dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tôi cũng chia sẻ những khó khăn, thiệt thòi của các y, bác sĩ ở tuyến xã, huyện về tiếp cận trang thiết bị y khoa tiên tiến và kiến thức y khoa mới; những nhọc nhằn của các bác sĩ hệ dự phòng...

Bình Phước tự hào là “thủ phủ” cao su, điều, hồ tiêu nhưng nông dân vẫn “phập phồng” với quy luật “được mùa - mất giá” và cả “mất mùa, mất giá” như câu chuyện hồ tiêu năm 2017-2018. Thị trường nông sản bất ổn và nhà nông chạy theo cơn sóng của thị trường giá cả nên cứ quẩn quanh “trồng - chặt”. Đó cũng là quy luật tất yếu của sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát, nhà nông thiếu thông tin về thị trường. Nhiều năm gắn bó với nông dân và lĩnh vực kinh tế, kinh tế nông nghiệp, mỗi khi tác nghiệp và ngồi trước màn hình máy tính tôi luôn tự nhủ viết gì có lợi cho nông dân, tôn vinh hình ảnh nông sản Bình Phước trên thương trường. Viết như thế nào để góp phần nâng cao nhận thức cho nhà nông là phải tuân theo đòi hỏi thị trường sản xuất hữu cơ để có nông sản sạch và phải là những nhà nông thông minh mới có thể làm giàu chính đáng.

Viết bài, không chỉ được đăng báo để có nhuận bút. Với tôi làm báo còn phải khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Viết cho ai? Viết để làm gì?”.

Phương Hà

  • Từ khóa
21165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu