Thứ 5, 02/05/2024 22:58:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:12, 04/07/2013 GMT+7

Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 3: Người chuyển giới ở Mỹ cũng đụng "thủ tục"

Thứ 5, 04/07/2013 | 10:12:00 200 lượt xem

>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 2: Ai được điều chỉnh giới tính?
>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 1: 1.001 nhầm lẫn dở khóc dở cười

Giấy tờ tùy thân là một vấn đề đau đầu đối với nhiều người chuyển giới ở Mỹ. Người chuyển giới bị phân biệt đối xử, bị quấy rối và thậm chí bị tấn công chỉ vì giới tính trên giấy tờ “trông không giống họ ngoài đời”.

Cô Lauren Grey, một nhà thiết kế 38 tuổi sống ở thành phố Chicago (Mỹ), đã không suy nghĩ nhiều đến giới tính trong giấy tờ tùy thân của mình, cho đến khi cô lái thử chiếc xe hơi mới mua của mình, theo hãng tin AP.

Bị phân biệt đối xử vì giấy tờ tùy thân

Cô Grey đã chuyển giới thành phụ nữ và lấy bằng lái xe với tên mới và giới tính mới, ảnh trên bằng lái xe thể hiện cô là một người phụ nữ.

Nhưng trớ trêu thay là giấy chứng minh nhân dân của cô vẫn để giới tính là “nam” vì chưa thể đổi giấy mới do vướng các thủ tục pháp lý. Điều này khiến cho người bán hàng ở showroom xe hơi phải bối rối và đưa ra nhiều câu hỏi khiến cô ngượng ngùng.

“Người bán xe hỏi tôi "Sao trông hai giấy này không giống nhau?". Tôi phải trả lời rằng tôi được sinh ra là một người đàn ông, nhưng bây giờ tôi không còn là đàn ông nữa, tôi là một phụ nữ”, Grey nói.

“Rồi anh ta (người bán xe) hỏi tôi rất nhiều câu hỏi rất khó nghe”, theo Grey.


Cựu biệt kích SEAL Kristin Beck lúc tham gia chiến trường (trái) sau khi giải ngũ đã phẫu thuật chuyển giới (phải) - Ảnh chụp màn hình video ABC

Grey phải đối mặt với nhiều câu hỏi đại loại như “Cô là phụ nữ nhưng sao giấy tờ tùy thân lại ghi là nam?”, rồi người ta bắt đầu nhìn cô với vẻ hoài nghi khi kiểm tra giấy tờ tại các quán bar và kiểm tra an ninh tại sân bay.

Theo kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2008, 40% trong 6.450 người chuyển giới ở Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên bị quấy rối sau khi đưa ra giấy chứng minh nhân dân có giới tính không đúng với giới tính sau khi chuyển giới.

Bên cạnh đó, 3% số người tham gia khảo sát cho biết họ bị tấn công và 15% bị từ chối phục vụ. Cuộc khảo sát này do Trung tâm Quốc gia vì Quyền bình đẳng cho Người chuyển giới Mỹ thực hiện.

Thủ tục rườm rà

Con dấu “M” (Male, nam) hoặc “F” (Female, nữ) trên các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác là một trong những yếu tố gây ra sự phân biệt đối xử đối với người chuyển giới ở Mỹ.

Mặc dù mỗi bang ở Mỹ có luật lệ khác nhau, nhưng nói chung thì một người dân sau khi chuyển giới muốn thay đổi giấy tờ tùy thân phải trải qua hàng loạt các loại giấy tờ hành chính, pháp lý, vốn mất nhiều thời gian.

 
 

Đài ABC dẫn một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) cho biết ước tính có khoảng 698.000 người Mỹ trong tổng số 313,9 triệu người là người chuyển giới.

 

Người chuyển giới phải đến tòa án xin phép được chuyển giới, một lá thư bác sĩ phẫu thuật chứng nhận rằng đã phẫu thuật chuyển giới trước khi làm đơn xin làm lại giấy tờ tùy thân mới.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động vì quyền người chuyển giới tại Mỹ đã làm việc không ngừng nghỉ, với những chiến dịch bảo vệ quyền người chuyển giới; kêu gọi các nhà làm luật Mỹ và chính quyền các bang “đơn giản hóa” thủ tục làm mới giấy tờ tùy thân cho họ sau khi phẫu thuật chuyển giới.

Nhưng theo AP, chính quyền 24 bang ở Mỹ vẫn giữ giấy khai sinh gốc, không cho phép đổi giấy khai sinh sau khi người dân đã phẫu thuật chuyển giới.

Trong khi đó, một số bang khác của Mỹ thì cho phép người dân xin cấp giấy chứng minh nhân dân mới, với giới tính mới mà không cần phải có giấy của tòa án và bác sĩ chứng nhận đã phẫu thuật chuyển giới.

(Theo TNO)

  • Từ khóa
45834

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu