Thứ 6, 29/03/2024 19:31:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:21, 11/07/2018 GMT+7

Nóng vấn đề bác sĩ xin nghỉ việc và xâm hại trẻ em

Thứ 4, 11/07/2018 | 08:21:00 912 lượt xem

>> Khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX
>> HĐND tỉnh sẽ quyết định chính sách hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế
>> Thời điểm thuận lợi để cấp ủy, người đứng đầu đánh giá đúng bộ máy và quyết tâm cao hơn
>> Nghiên cứu có chế tài với nhũng nhiễu, thiếu nghiêm túc
>> Bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX
>> [Video] Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX thành công tốt đẹp

BP - Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Văn Mãng.

NGÀNH Y TẾ CHƯA CO GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ

Trả lời ý kiến chất vấn được tổng hợp trước kỳ họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông cho biết:

Đến 31-12-2017 ngành y tế có 505 bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập và thiếu 278 bác sĩ, trong đó, tuyến tỉnh thiếu 118 bác sĩ, tuyến huyện thiếu 129 bác sĩ, tuyến xã thiếu 31 bác sĩ. Thời gian qua có nhiều bác sĩ viết đơn xin nghỉ việc. Từ ngày 1-1-2017 đến nay có 24 bác sĩ xin nghỉ việc, trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh 9 bác sĩ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh 1 bác sĩ, còn lại là bác sĩ tại các trung tâm y tế Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú, Lộc Ninh. Trong số các bác sĩ xin nghỉ việc có 3 trưởng khoa, 3 phó khoa, 2 trưởng trạm y tế, 3 phó trạm y tế, nhiều người có thâm niên lâu năm, trình độ chuyên môn cao, bác sĩ trẻ mới ra trường... Lý do bác sĩ xin nghỉ việc đa số là do mức lương và chế độ đãi ngộ quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên ra làm y tế tư nhân.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực nói chung, thiếu bác sĩ nói riêng, giảm số bác sĩ xin nghỉ việc, Sở Y tế đã kiến nghị HĐND tỉnh bổ sung vào Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND ngày 26-11-2011 của HĐND tỉnh một số nội dung, như: bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của nghị quyết nhằm thu hút người có trình độ chuyên môn cao, bác sĩ đa khoa hệ chính quy về công tác tại tỉnh; kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ có biện pháp để 142 bác sĩ đang được cử đi đào tạo cử tuyển sau khi tốt nghiệp phải trở về công tác tại địa phương; kiến nghị UBND tỉnh tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở vật chất để bác sĩ có máy móc, thiết bị thực hành y khoa, phát huy chuyên môn.

ĐẤU THẦU THUỐC CHẬM VÌ CUỐI NĂM BẬN VIỆC

Về việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế chậm, từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm mới tổ chức, dẫn đến các bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế, bác sĩ Nguyễn Đồng Thông trả lời:

Phản ánh của đại biểu và cử tri là đúng. Nguyên nhân do tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế vào dịp cuối năm, khối lượng công việc nhiều, nhân sự làm công tác đấu thầu ít và các văn bản quy định về đấu thầu thay đổi liên tục nên chậm trễ công bố kết quả đấu thầu.

Đối với nội dung cử tri phản ánh bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh có chủ trương gia hạn kết quả thầu để không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Về giải pháp, bác sĩ Nguyễn Đồng Thông cho biết: Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu từ giữa năm, để công bố kết quả đấu thầu sớm hơn và năm 2018 đã công bố kết quả không chậm trễ.

Chưa hài lòng với trả lời của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông, đại biểu Nguyễn Thanh Thuyên tiếp tục chất vấn: Việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế do sự chủ động của ngành y tế. Để xảy ra chậm, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế như thế nào và giải pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này? Việc thiếu bác sĩ và bác sĩ tiếp tục xin nghỉ việc ra làm tư nhân, ngành y tế có giải pháp gì khác ngoài những giải pháp đã nêu? Vì sao các kiến nghị của ngành y tế đã nhiều năm, nhiều tháng vẫn chưa được giải quyết và ngành có giải pháp gì?

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuyên chất vấn Giám đốc Sở Y tế

Đại biểu Lê Vinh Đởm chất vấn: Bệnh nhân chưa hài lòng với khám bảo hiểm y tế vì bác sĩ kê toa có 3 loại thuốc nhưng bệnh viện chỉ cấp 2 loại, còn 1 loại phải mua ở ngoài. Vì sao có tình trạng này?

Đại biểu Lê Vinh Đởm chất vấn Giám đốc Sở Y tế

Trả lời 2 ý kiến nói trên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông cho biết: Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu sớm từ giữa năm và tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng về thực hiện các biện pháp thu hút, giữ chân bác sĩ như ngành đã tham mưu. Việc khám bảo hiểm y tế, bác sĩ kê toa có 3 loại thuốc nhưng bệnh viện chỉ cấp 2 loại, còn 1 loại phải mua ở ngoài là có thể xảy ra vì nhiều loại thuốc không có trong danh mục bảo hiểm y tế.

18 CƠ QUAN BẢO VỆ NHƯNG TRẺ EM VẪN BỊ XÂM HẠI

Trả lời đại biểu và cử tri về các nội dung được tổng hợp trước kỳ họp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Văn Mãng cho biết:

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh mỗi năm có khoảng 20 đến 35 vụ xâm hại trẻ em, chủ yếu là xâm hại tình dục. Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16/862 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em so với cả nước, tập trung các hành vi bạo hành, ngược đãi. Trong đó đáng chú ý có tới 14/16 vụ là xâm hại tình dục trẻ em với diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc dư luận. Các đối tượng lợi dụng mối quan hệ quen biết, hàng xóm, bà con, cha dượng, những người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ để thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại. Nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức của gia đình, cộng đồng còn hạn chế. Nhiều bậc cha mẹ coi việc đánh con là “quyền của cha mẹ” để dạy con. Đội ngũ cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở thôn, ấp thay đổi thường xuyên và bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực xâm hại trẻ em.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Văn Mãng trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Chưa bao giờ vấn đề bảo vệ trẻ em lại nóng bỏng và được sự quan tâm như hiện nay. Ngành lao động - thương binh và xã hội cần tham mưu giải pháp xã hội hóa, đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, cộng tác viên. Các ngành và cả cộng đồng phải chia sẻ trách nhiệm với ngành lao động - thương binh và xã hội để chung tay bảo vệ trẻ em.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Văn Mãng đưa ra giải pháp: Ngành sẽ tham mưu củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ở thôn, ấp, khu dân cư để tuyên truyền trực tiếp hộ gia đình. Tăng cường đầu tư nguồn lực, ngân sách cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là tập trung phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại. Tổ chức nâng cao năng lực, xây dựng các dịch vụ bảo vệ trẻ em như tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em trong tố tụng... Tăng cường hơn nữa truyền thông trong mỗi gia đình, nhà trường nhằm tăng trách nhiệm của cha mẹ, anh, chị em, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành thực thi pháp luật, bảo vệ quyền của trẻ em trong quá trình tố tụng nhằm tập trung xử lý các vụ việc nghiêm minh, đưa lên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng để răn đe. Đẩy mạnh kết nối đường dây nóng 111 (của Chính phủ) với chủ tịch UBND xã và các tổ chức đoàn thể. Quan tâm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em...

Tiếp tục những nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Loan chất vấn: Có 18 cơ quan tham gia bảo vệ trẻ em, nhưng thời gian qua các vụ việc xâm hại trẻ em hầu hết được phát hiện qua báo chí. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp như thế nào nhằm khắc phục tình trạng này? Thực hiện đề án tinh giản biên chế, tinh giản cộng tác viên ở thôn, ấp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngành có giải pháp như thế nào?

Đại biểu Lê Thị Thanh Loan chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Văn Mãng cho biết: Giải pháp của ngành là tăng cường tuyên truyền về xâm hại trẻ em và bình đẳng giới. Khi cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, thôn, ấp giảm, ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ tăng cường trách nhiệm và đề xuất chính sách để vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ trẻ em!

Tin: T.Phương - Ảnh: Diệc Quyền

  • Từ khóa
21419

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu