Thứ 6, 26/04/2024 14:22:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:42, 09/07/2013 GMT+7

Nỗi lòng người chăn nuôi

Thứ 3, 09/07/2013 | 14:42:00 1,359 lượt xem

Giá bán heo, gà thấp nhưng thức ăn gia súc liên tục tăng nên người chăn nuôi đang xoay xở tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi nghề. Vì thế, nhiều người đang trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách cụ thể và định hướng mang tính chiến lược.

MẤT CẢ VỐN LẪN CÔNG

Khi nói về hiệu quả nuôi gà, bà Trần Thị Bình ở thôn 7, xã Long Giang (TX. Phước Long) chép miệng: “Đàn gà bán gần hết rồi mà vẫn chưa thu lại vốn. Không gặp thời, phải chấp nhận lỗ”.


40/50 ô chuồng nuôi heo của hộ ông Nguyễn Hữu Tâm phải bỏ trống vì chăn nuôi thua lỗ

Tháng 2-2013, bà Bình mua 1.000 con gà giống một ngày tuổi nuôi nhằm lấy lại vốn lứa gà cuối năm 2012 bị lỗ nặng. Có thêm kinh nghiệm, bà chăm sóc đàn gà từ khâu khử trùng chuồng trại, cho ăn, sưởi ấm đến phòng, chống dịch bệnh. Kỳ vọng nhiều vào lứa gà này, nhưng đến lúc xuất chuồng, thương lái chỉ đặt mua với giá 58 ngàn đồng/kg (thị trường là 90 ngàn đồng/kg gà ta). Bà Bình nhẩm tính: Tiền giống gần 20 triệu đồng, cám, thức ăn gần 30 triệu đồng, chi phí các loại thuốc phòng chống dịch bệnh, tiền điện... tổng cộng trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, do thời tiết, dịch bệnh gà bị chết nên lứa gà này bà tiếp tục lỗ.

Không chỉ người nuôi gà, các hộ chăn nuôi heo cũng đang lao đao. Vài năm trở lại đây, đặc biệt là đầu năm nay, ông Nguyễn Hữu Tâm ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước (Đồng Phú) phải giảm đàn để cầm cự qua lúc khó khăn. Ba năm về trước, hơn 50 ô chuồng, ông Tâm nuôi khoảng 350 con/lứa, nhưng nay giảm còn 50-60 con/lứa. Hiện trại của ông bỏ trống 30-40 ô chuồng. Ông Tâm cho biết, năm 2011, dịch tai xanh bùng phát, đàn heo của gia đình ông phải tiêu hủy trên 200 con. Năm 2012, ông lỗ trên 160 triệu đồng do heo hơi rớt giá. Năm nay lại bị thương lái ép giá khi heo đến lúc phải xuất chuồng. Ông Tâm cho biết thêm: Mỗi bao cám giá 280 ngàn đồng, 1 con heo chỉ ăn trong 1 tuần nhưng chỉ tăng 7-8kg, giá bán 35 ngàn đồng/kg thì không đủ tiền cám, chứ chưa tính công chăm sóc. “Không thiếu vốn đầu tư chuồng trại, con giống nhưng tôi thường mua thiếu thức ăn ở các đại lý, khi heo xuất chuồng mới trả tiền. Đến nay, tôi còn nợ tiền cám trên 100 triệu đồng. Do giá cám tăng cao nên tôi chọn mua thức ăn thừa ở các khu công nghiệp về cho heo ăn để giảm bớt chi phí, vậy mà vẫn lỗ”, ông Tâm chua chát nói.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá heo, gà bán ra lại giảm. Đầu năm 2010, thức ăn cho heo, gà chỉ 7.500 đồng/kg, trong vòng hơn 3 năm giá tăng thêm 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm giá thức ăn chăn nuôi tăng 8-10 đợt. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng nhiều lần. Bên cạnh đó, giá các loại thuốc thú y cũng tăng khiến người chăn nuôi thua lỗ triền miên.

TỰ CỨU MÌNH

Chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ phải giảm đàn, treo chuồng hoặc cầm cự qua lúc khó khăn vì đã bỏ vốn đầu tư chuồng trại. Thế nhưng, ngành chức năng cũng không thể giúp được người chăn nuôi.

Do gia đình không có nguồn thu nào khác ngoài 1.000 nọc tiêu nên dù giá đầu ra thấp, bà Bình vẫn tiếp tục nuôi gà. Bà cho biết: Sẽ tạm ngưng 2-3 tháng để khử trùng chuồng trại, rồi tiếp tục thả lứa mới. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ trang trại heo ở ấp 7, xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) nói: “Để trụ được với nghề chăn nuôi, chúng tôi chọn cách nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam”.

Năm 2013, số lượng đàn gia súc, gia cầm tư nhân trên địa bàn tỉnh giảm xuống rõ rệt. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tổng trại heo tư nhân giảm từ 60 xuống còn 47; trại gà tư nhân cũng giảm đáng kể, chỉ còn 15 trại trong tổng 60 trại gà toàn tỉnh.

Sau hơn 10 năm gắn bó, ông Tâm đang có kế hoạch rút khỏi nghề chăn nuôi vào cuối năm nay. Ông Tâm cho biết, nhiều hộ chăn nuôi trong khu vực đã từ bỏ: “Năm 2010, tôi đi tập huấn chăn nuôi heo gặp rất nhiều “bằng hữu”. Năm 2012, sau đợt dịch chỉ còn ít người nuôi. Năm 2013, hầu như người nuôi đã bỏ hết. Ở xã Tân Phước (Đồng Phú), những trang trại nuôi heo liên kết với công ty thì còn trụ được, nhưng với quy mô nhỏ lẻ phải chấp nhận lỗ để chờ thời”.

Theo ông Phạm Văn Hoang, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi - thú y: Khi người dân gặp khó khăn về giá đều chấp nhận bán tháo, chịu lỗ, giảm đàn để chờ ổn định. Đó là quy luật trong chăn nuôi. Xây dựng chính sách tạo nguồn hỗ trợ cho người chăn nuôi đang là vấn đề nan giải của Chi cục chăn nuôi. Hiện tại, các cơ quan chức năng mới giải quyết vấn đề trước mắt cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh. Còn những chính sách bình ổn giá, hiện kinh phí địa phương chưa đủ mạnh để thực hiện.      

C.Liên

  • Từ khóa
92255

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu