Thứ 7, 20/04/2024 16:52:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:29, 29/05/2015 GMT+7

Những khó khăn ở Trường mẫu giáo Phú Nghĩa

Thứ 6, 29/05/2015 | 09:29:00 916 lượt xem
BP - Tại xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), các cháu học mẫu giáo đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu cơ cở vật chất. Trường mẫu giáo Phú Nghĩa phải mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng thôn, thế nhưng vẫn thiếu chỗ học.

Trường mẫu giáo Phú Nghĩa ngày một xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa

Thiếu trường lớp

Trường mẫu giáo Phú Nghĩa thành lập năm 2004 với 1 điểm chính và 8 điểm lẻ đặt tại các thôn, đội của xã. Trong đó, điểm chính và điểm lẻ các thôn: Khắc Khoan, Tân Lập, Bù Gia Phúc II đã được xây dựng phòng học cấp 4, có nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Còn lại điểm lẻ các thôn khác như: Bù Ca Mau, Hai Căn, Đức Lập, Bù Gia Phúc I, Đội 6 Bù Gia Phúc I đều mượn nhà văn hóa cộng đồng thôn làm phòng học. Do phòng mượn nên không có nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Đặc biệt, tại các điểm lẻ này đồ chơi và các trang thiết bị dạy học đều thiếu, không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến giảng dạy, giáo dục.

Điểm chính của trường nằm gần UBND xã với 4 phòng học cấp 4 và 3 phòng làm việc của cán bộ, giáo viên. Cô Phan Thị Khánh Ly, Hiệu trưởng cho biết: Năm học 2014-2015, toàn trường có 299 trẻ/13 nhóm lớp, trong đó phần lớn là  trẻ 5 tuổi. Do thiếu phòng học nên trường chỉ nhận các cháu 5 tuổi ở tất cả các điểm, các cháu 4 tuổi thì chỉ nhận ở điểm chính và điểm lẻ thôn Khắc Khoan. Hiện điểm chính và các điểm lẻ chưa có bếp ăn, nhà ăn bán trú nên buộc phụ huynh phải đưa đón con 4 lượt/ngày. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, trường đã vận động xã hội hóa, kêu gọi phụ huynh đóng góp xây dựng bếp ăn và làm mái vòm tại sân trường chính nhưng lãnh đạo UBND xã chưa chấp thuận. Cô Ly cho rằng, theo quy định, mỗi trường mẫu giáo không quá 5 điểm lẻ, nhưng hiện Trường Phú Nghĩa có tới 9 điểm, vì thế đơn vị đã xây dựng đề án xin tách trường nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết.

Nhiều học sinh vào thẳng lớp 1 không qua mẫu giáo

Năm học vừa qua, toàn xã có 707 cháu độ tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi), nhưng chỉ có 299 trẻ được huy động đến lớp, chiếm 42,3%. Trong đó, trẻ 5 tuổi chỉ huy động được 225/248 cháu đạt 90,73%. Theo cô Ly, nhu cầu cho con đến trường của phụ huynh là rất lớn, nhưng trong điều kiện còn thiếu thốn như hiện nay thì trường chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Cũng do thiếu phòng học, đi lại khó khăn nên các cháu trong độ tuổi đi học ở các thôn đi lại khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn vào thẳng lớp 1 mà không qua mẫu giáo.

Cô Bùi Thị Phương Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Diệu, xã Phú Nghĩa cho biết: Hàng năm trường có khoảng 100 học sinh vào học lớp 1, nhưng có tới 60% chưa qua mẫu giáo. Ngoài ra, tại thôn Đắk U hiện vẫn chưa có điểm trường. Các điểm trường Bù Gia Phúc I, Bù Gia Phúc II và Hai Căn cơ sở vật chất không đảm bảo, chưa có bếp ăn bán trú, đi lại xa nên phụ huynh ngại cho con đi học.

Trong số học sinh chưa qua mẫu giáo vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Hoàng Diệu thì có tới 75% là học sinh dân tộc Xêtiêng. Để các cháu 5 tuổi người dân tộc thiểu số làm quen với môn Tiếng Việt trước khi vào lớp 1, từ ngày 15-7 hàng năm trường đều tổ chức dạy Tiếng Việt cho các cháu với thời lượng 36 buổi. Thế nhưng, vì công tác vận động trẻ đến lớp mẫu giáo gặp khó khăn nên số học sinh người dân tộc thiểu số biết Tiếng Việt khi lên bậc tiểu học chiếm tỷ lệ thấp. Trường muốn dạy phụ đạo cho các em, nhưng do thiếu phòng học nên khó thực hiện. Và vì thế, chất lượng giáo dục lớp 1 hàng năm đạt thấp.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Nguyễn Thị Thái cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, lại chưa huy động được nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp nên trước hết cần tận dụng các phòng học hiện có. Việc xã chưa thuận chủ trương cho trường vận động xã hội hóa xây dựng bếp ăn bán trú là do những năm qua nội bộ trường mất đoàn kết, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vì vậy cần ổn định tổ chức trước. Còn việc thành lập trường mới thì xã đang chờ chia tách xã Phú Nghĩa, khi tách xong sẽ có đầu tư xây dựng của nhà nước.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
85139

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu