Thứ 7, 27/04/2024 00:14:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:19, 12/09/2013 GMT+7

Những bất cập trong Luật Doanh nghiệp

Thứ 5, 12/09/2013 | 10:19:00 390 lượt xem

Luật Doanh nghiệp (DN) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Ngay sau khi được áp dụng vào cuộc sống, Luật DN đã góp phần to lớn vào việc thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, sau hơn 7 năm ra đời, Luật DN đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.


Công nhân phân xưởng dập, chi nhánh Công ty Giày da Thái Bình - doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả (ảnh minh họa)- Ảnh: B.L

Bất cập thứ nhất là về thủ tục đăng ký kinh doanh. Theo quy định tại Điều 24 của Luật DN thì cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ. Giấy chứng nhận đăng ký DN sẽ được cấp khi có đủ 5 điều kiện, đó là: 1. Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh; 2. Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 31, 32, 33 và 34 của luật này; 3. Có trụ sở chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của luật này; 4. Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định của pháp luật; 5. Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay chưa văn bản nào hướng dẫn một cách cụ thể hoặc đưa ra khái niệm như thế nào là “hồ sơ hợp lệ”. Chính điều này đã làm cho các phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh và DN, cùng các bên có liên quan thiếu thống nhất thế nào là “hồ sơ hợp lệ” và “hồ sơ hợp lệ” gồm những loại giấy tờ gì? Hậu quả của việc thiếu cụ thể hóa này là: Người thành lập DN có thể bị cơ quan chức năng gây khó khăn bằng yêu cầu bổ sung, sửa đổi bổ sung hồ sơ nhiều lần hoặc nhiều nội dung theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh. Chính vì vậy, đối với không ít DN thì đây chẳng phải là thủ tục “đăng ký” mà là “xin” cho được để thành lập DN.

Bất cập thứ hai là thực tế hiện nay cho thấy có không ít DN đăng ký kinh doanh rất nhiều ngành nghề. Thậm chí có DN yêu cầu đăng ký đến vài chục hoặc vài trăm ngành nghề khác nhau, nhưng chỉ thực sự kinh doanh trong một vài ngành nghề đã đăng ký. Điều này ảnh hưởng đến việc sử dụng số liệu thống kê cho công tác quản lý nhà nước. Ví dụ như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), theo Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg, ngày 30-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ, VRG có đến vài chục ngành nghề khác nhau. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực dịch vụ, VRG đã có chức năng thực hiện các ngành, nghề như sau: Đo đạc bản đồ, thăm dò địa chất; tư vấn đầu tư, thiết kế; khoa học công nghệ, tin học, kiểm định, giám định hàng hóa; in ấn, xuất bản; đào tạo, điều trị bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng; thương mại, xuất nhập khẩu, khách sạn, du lịch; xuất khẩu lao động; tài chính;...Trong khi đó, hiện VRG chỉ thực hiện một số ngành nghề chính là: Trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su; sản xuất - kinh doanh sản phẩm công nghiệp cao su, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp cao su; trồng rừng và sản xuất - kinh doanh các sản phẩm gỗ nguyên liệu, gỗ thành phẩm;...

Bất cập thứ ba là đối với việc thành lập DN, thì những quy định tại Điều 3 của Luật DN còn nhiều điều chưa phù hợp. Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 3 quy định về những trường hợp đặc thù trong Luật DN có ghi như sau: ...việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DN được quy định tại luật khác thì áp dụng theo quy định của luật đó. Về vấn đề này, dưới góc độ của một luật gia, tôi cho rằng việc đăng ký DN là thủ tục khai sinh ra DN và nó xuất phát từ ý tưởng thành lập DN. Còn việc DN hoạt động hay đầu tư như thế nào là quá trình phát triển ý tưởng kinh doanh của chủ DN. Tức là, mọi DN phải được thành lập, tổ chức và quản lý theo Luật DN. Còn hoạt động của DN thì có thể theo luật chuyên ngành. Thêm nữa, một số quy định của luật không còn phù hợp với thực tế hiện nay và không cần thiết. Ví dụ như những quy định về yêu cầu trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có xác nhận về vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề của giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân khác (Điều 16, 17, 18 và 19).

Bất cập thứ tư là về thủ tục đăng ký thành lập DN. Cụ thể là quy định tại Điều 20 của Luật DN, Điều 50 của Luật Đầu tư và Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH-ĐT của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Điều 17 trong Nghị định số 102/2010/NĐ-CP đã “gộp” thủ tục đăng ký thành lập DN với thủ tục về đầu tư trong một số trường hợp, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy việc gộp này lại là một hạn chế của Luật DN và Luật Đầu tư. Vì theo quy định này, nhà đầu tư nước ngoài thành lập DN theo trình tự, thủ tục của Luật DN nếu đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: Nhà đầu tư nước ngoài không phải là đối tượng lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam và có sở hữu dưới 49% vốn điều lệ trong DN dự định thành lập. Mà thực hiện đúng quy định này thì có rất ít trường hợp đáp ứng được cả 2 điều kiện trên.

Bất cập thứ năm là những quy định về giải thể DN. Từ thực tế của những năm qua cho thấy, điều bất cập và khó khăn trong giải thể DN đã và đang được thể hiện dưới ba hiện tượng sau: Thứ nhất là có nhiều DN ngừng hoạt động mà không làm thủ tục giải thể. Thứ hai là nhiều DN gặp khó khăn cũng như mất nhiều thời gian để làm thủ tục giải thể. Thứ ba là một số chủ DN là người nước ngoài bỏ mặc DN, bỏ trốn về nước và để lại những khoản nợ. Cả ba trường hợp trên đều làm cho cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi giải quyết công việc có liên quan.

Nguyên nhân của những vướng mắc trong việc giải thể DN thời gian qua là do một số khái niệm có liên quan chưa rõ ràng, khó xác định trên thực tế. Ví dụ như quy định DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau đây: Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính (điểm d, Khoản 2, Điều 165). Theo quy định trên thì DN chỉ cần không hoạt động trong 6 tháng liên tục tại trụ sở đã đăng ký thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên, nên DN chẳng dại gì làm thủ tục giải thể cho tốn thời gian và kinh phí. Đồng thời, Luật DN còn thiếu những biện pháp chế tài, các quy định ràng buộc trách nhiệm của người quản lý DN trong thực hiện việc giải thể DN theo đúng trình tự, thủ tục.

Bên cạnh đó, tại Khoản 6, Điều 158 của Luật DN quy định như sau: ... Sau thời hạn 6 tháng... mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể DN thì DN đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên DN trong sổ đăng ký kinh doanh... Đây là quy định không hợp lý và có nhiều tác động tiêu cực đến việc giải quyết giải thể DN. Chính vì quy định này mà một số DN đã lợi dụng để được giải thể “tự động” mà không mất thời gian, chi phí cho việc làm thủ tục giải thể.

Chừng nào những bất cập trên đây chưa được khắc phục, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước thì những quy định của Luật DN vẫn còn đứng ngoài cuộc sống và thậm chí là rào cản của sự phát triển.                              

N.V

  • Từ khóa
36682

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu