Thứ 6, 26/04/2024 14:58:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:42, 13/12/2015 GMT+7

Những băn khoăn về quyền được xác định lại giới tính

Chủ nhật, 13/12/2015 | 07:42:00 805 lượt xem
BP - Tại kỳ họp lần thứ 10, ngày 24-11-2015, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua toàn văn dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Một trong những điểm mới của bộ luật này là quy định quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Đây là một tin vui đối với cộng đồng người đồng tính nam, đồng tính nữ, những người song tính nam hoặc song tính nữ và người chuyển giới. Tuy nhiên, ngay sau khi “tin mừng” được công bố, cũng là lúc phát sinh không ít hệ lụy ở phía sau.

Những câu hỏi chưa có lời giải

Cụ thể tại Điều 36 của bộ luật này có quy định như sau: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Và Điều 37 có nội dung như sau: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Như vậy, theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua thì quyền xác định lại giới tính chỉ được phép thực hiện đối với những trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa được hình thành chính xác, mà cần phải có sự can thiệp của y học để xác định rõ giới tính. Hoặc là nếu cá nhân nào đó mang trong mình một cơ quan sinh dục thứ hai thì cá nhân đó được quyền xác định lại giới tính. Tức là việc chuyển giới trong trường hợp này xuất phát từ đặc điểm sinh học bản thân. Và từ quy định nêu trên đã làm nảy sinh những bất cập, mà cụ thể là những câu hỏi nhưng chưa ai có thể trả lời một cách chính xác được. Đó là: Tiêu chuẩn để đánh giá một giới tính bị khuyết tật là gì? Tiêu chí để đánh giá khuyết tật do bẩm sinh chứ không phải cố ý là gì? Hay đối với trường hợp cố tình tác động nhằm tạo ra một cơ quan sinh dục thứ hai trên bản thân thì có được chuyển đổi giới tính không?

Nói tóm lại, một cá nhân sẽ phải thỏa mãn những điều kiện nào thì mới được chuyển đổi giới tính, họ có bắt buộc phải phẫu thuật chuyển giới thì mới được chuyển đổi giới tính hay không, hay họ có thể chuyển đổi giới tính dù không cần phẫu thuật chuyển giới?

Những hệ lụy về pháp lý

Theo quy định tại Điều 37 của bộ luật này thì: Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch... Tuy nhiên, bên cạnh thủ tục thay đổi về hộ tịch vẫn còn nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan và kéo theo đó là một lô xích xông thủ tục hành chính, như: Chứng minh nhân dân phải làm lại, rồi các loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu về động sản và bất động sản... Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì quy trình cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai khá phức tạp, nhiều thủ tục và đặc biệt chỉ quy định cấp lại đối với trường hợp do mất nhưng nếu cá nhân thay đổi giới tính, thay đổi họ tên thì vẫn chưa có quy định nào hướng dẫn thay đổi các giấy tờ liên quan. Tại Khoản 1, Điều 21 trong Nghị định số 43/2014/NĐ-CP là những quy định về căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định có nội dung như sau: Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Và với quy định này, nếu người sử dụng đất ổn định là người đã chuyển đổi giới tính sẽ phải làm lại hết các loại giấy tờ trên thì mới chính thức sở hữu tài sản là bất động sản của mình.

Không chỉ sở hữu về động sản, bất động sản mà còn rất nhiều loại giấy tờ liên quan khác như học bạ, khai sinh, giấy chứng nhận liên quan... như thế kéo theo việc Quốc hội thông qua quy định chuyển đổi giới tính là những thủ tục pháp lý liên quan đòi hỏi cần thay đổi theo. Và điều quan trọng hơn là liệu các chủ thể tiến hành và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thế nào với hệ lụy của việc thay đổi này, cũng như thủ tục như thế nào thì vẫn còn nhiều vướng mắc, vì chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, việc thông qua quy định chuyển đổi giới tính vừa là tin vui nhưng cũng là tin buồn. Tin vui đối với cộng đồng những người chuyển giới nhưng lại là tin buồn đối với các nhà làm luật, bởi họ phải thay đổi sau đó là hàng loạt thủ tục hành chính liên quan.

Nguy cơ “lách luật”

Theo khái niệm được nêu trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì kết hôn “là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Còn kết hôn trái pháp luật “là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình”. Như vậy, điều kiện để hai cá nhân có quyền kết hôn, xác lập quan hệ vợ chồng phải là hai người khác giới. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 không cấm kết hôn đồng tính nhưng cũng không hề cho phép. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Dân sự sửa đổi được Quốc hội thông qua, với quy định cho phép chuyển đổi giới thì cũng có nghĩa là cho phép kết hôn đồng tính. Và căn cứ vào quy định trên, các cặp đồng tính có thể sẵn sàng chấp nhận chuyển đổi giới tính một người để được kết hôn “hợp pháp”, vì họ đã chính thức là một nam - một nữ. Và theo luật thì đây là việc kết hôn hợp pháp nhưng thực tế đó chỉ là sự lách luật. Như vậy, hôn nhân của trường hợp cụ thể này có bị cho là trái pháp luật không và tòa án có quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật này theo quy định tại Điều 11, Luật Hôn nhân và Gia đình hay không? Chưa hết, nếu một trong hai cá nhân đề nghị hủy việc kết hôn trái luật (vì họ có bằng chứng để chứng minh là trái luật, với lý do trước khi kết hôn họ là người cùng giới) thì có được không? Và hệ lụy vẫn chưa hết, nếu việc hủy kết hôn trái pháp luật được tòa án công nhận thì vấn đề chia tài sản sẽ như thế nào? Bởi vì, tại Khoản 2, Điều 16 của Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định: Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. Và vấn đề đặt ra ở đây là nếu người nữ đã chuyển giới thành nam thì có ưu tiên hay không?

Và với việc cho phép xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính không chỉ tạo thêm kẽ hở để lách luật trong hôn nhân đồng giới và những bất cập về phân chia tài sản của các cặp vợ chồng đồng giới nhưng có một người đã chuyển đổi giới, mà còn kéo theo hàng loạt vướng mắc về quyền lợi, nghĩa vụ công dân không dễ dàng xử lý. Cụ thể là theo quy định tại Điều 12, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành có quy định như sau: Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Vẫn biết luật quy định là vậy nhưng trong trường hợp một công dân nam đã chuyển đổi thành công dân nữ thì họ có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự không? Hoặc ngược lại, một công dân nữ đã chuyển giới thành công dân nam thì họ có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không? Đây vừa là vướng mắc vừa là kẽ hở pháp luật để các cá nhân có thể trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Hiến pháp đã quy định và luật cũng được Quốc hội thông qua, vì vậy vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần thấy rõ những kẽ hở, vướng mắc, bất cập để lường trước và có giải pháp tháo gỡ, đồng thời ngăn chặn những trường hợp lách luật. Dẫu sao thì bài viết trên đây mới chỉ là góc nhìn của cá nhân và chắc chắn có những hạn chế nên rất mong nhận được sự góp ý chân tình của bạn đọc.   

Luật gia: Diệp Viên

  • Từ khóa
53066

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu