Thứ 6, 26/04/2024 15:39:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:26, 15/08/2013 GMT+7

Người mót gỗ dưới lòng hồ Thác Mơ

Thứ 5, 15/08/2013 | 16:26:00 295 lượt xem

Bài 1: LẶNG LẼ VỚI NGHỀ

Người xưa có câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để chỉ hai nghề cơ cực và hiểm nguy nhất trong việc mưu sinh. Ấy vậy mà, vì miếng cơm manh áo, nhiều người dân ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (TX. Phước Long) vẫn ngày ngày ngâm mình dưới lòng hồ Thác Mơ, ngụp lặn kiếm tìm cơ hội đổi đời.

Về thôn Bàu Nghé, chúng tôi khá bất ngờ khi được nghe người dân nơi đây kể về nghề mót gỗ dưới lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Nghề này đã tồn tại ở đây hơn chục năm qua. Hiện tại, thôn Bàu Nghé vẫn còn khoảng 10 chiếc ghe máy và 20 thợ lặn đang sống với nghề. Có gia đình hai, ba anh em cùng theo nghề mót gỗ.


Bắt đầu ngày mưu sinh dưới đáy hồ

Bình quân, mỗi thợ lặn có thu nhập từ 150 đến 200 ngàn đồng/ngày, nhưng nếu may mắn, số tiền ấy có thể nhiều hơn. Dù vậy, cuộc sống của những lao động bám trụ với nghề mót gỗ dưới lòng hồ vẫn là cuộc sống nghèo khó, bấp bênh như con thuyền lênh đênh trên sóng nước.

“LẶN TỚI KHI HẾT GỖ”

Ông Phạm Đức Thọ, Trưởng thôn Bàu Nghé cho biết: Phần đông dân cư trong thôn đều là dân nhập cư nghèo. Họ kiếm sống bằng đủ thứ nghề khác nhau, từ chẻ điều, thợ hồ đến đánh cá, làm cỏ thuê... Nhưng số đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lại chọn nghề thợ lặn, mót gỗ dưới lòng hồ Thác Mơ. Ông Thọ bảo: Nghề này vất vả lắm, nhưng nhiều người vẫn chọn làm kế sinh nhai bởi họ không có sự lựa chọn khác.

Khắp thôn Bàu Nghé là những ngôi nhà nhỏ, đơn sơ mang đậm nét văn hóa của miền sông nước Nam bộ. Biết chúng tôi muốn theo ghe đi mót gỗ, thợ lặn Trần Thanh Sang (1992) vội nói: “Chị ở nhà đi, con gái ai lại ra hồ, nắng nóng, cực lắm. Ở đây, chỉ đàn ông con trai mới ra hồ mót gỗ thôi”. Nằn nì mãi, Sang cũng đồng ý cho chúng tôi theo ghe ra hồ Thác Mơ vào buổi lặn sớm mai.

Quê gốc ở miền Tây, từ nhỏ anh em Trần Thanh Tâm, Trần Thanh Sang đã theo cha đi ghe khắp các kênh rạch. Đầu năm 2000, gia đình Sang đến thôn Bàu Nghé sinh sống. Quen với sông nước nên Tâm và Sang bơi, lặn rất thành thạo, dễ thích nghi với nghề mót gỗ dưới lòng hồ. Tâm bảo: “Để làm được nghề, tụi em đều tự học lặn. Mấy ngày đầu mới lặn xuống nước, ép tim lắm. Tai ù, mũi nhức, có khi còn chảy cả máu tai, máu mũi. Sức khỏe phải tốt mới theo nghề này được. Nhiều người không chịu nổi, bỏ hết à”.

Mỗi tuần, những thợ lặn ở Bàu Nghé làm việc 6 ngày, riêng Chủ nhật tự nghỉ xả hơi, lấy lại sức khỏe. Gỗ trong lòng hồ Thác Mơ ít dần theo thời gian, thu nhập của thợ lặn cũng ít dần. Nhưng: “Quen nghề lặn rồi, em sẽ làm đến khi nào lòng hồ hết gỗ thì tính tiếp”, Tâm trầm tư.

Dù mới mổ chân, sức khỏe chưa phục hồi hẳn nhưng do nhớ nghề và vì cuộc mưu sinh, anh Thạch Minh Hải (1980) vẫn đi mò gỗ. Nhà anh Hải có hai đứa con. Đứa lớn học tiểu học, đứa nhỏ mới 3 tuổi, không có điều kiện đi học mầm non nên phải theo cha mẹ ra hồ mót gỗ. “Ông bà ngoại mất rồi, nội thì bận việc nên mình phải đưa con theo. Biết sẽ nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Mình nghèo, phải ráng bám lấy nghề để sau này các con được đi học. Tụi nhỏ có kiến thức sẽ kiếm được việc làm khác đỡ vất vả hơn”, chị Trần Thị Hồng Nga, vợ anh Hải tâm sự.

CHÂN CHẤT TÌNH NGƯỜI

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi theo ghe trục của Tâm và Sang ra hồ. Từ nhà Tâm, đi xuyên tắt qua vườn điều chừng 200m, hồ Thác Mơ đã hiện ra trước mắt. Ở đó, đoàn ghe máy và gần 20 thợ lặn đang chuẩn bị lên đường. Sang nhìn tôi cười: “Chị chưa đi ghe lần nào phải không? Ghe bạn em lớn hơn, chút em gửi chị qua bển cho bớt say sóng. Tụi em đi chung với nhau, thân thiết lắm, chị đừng ngại”.

Đêm qua, Nhà máy thủy điện Thác Mơ phát điện, nước trong hồ rút xuống. Ghe của thợ lặn Trần Văn Hùng và Nguyễn Vũ Linh mắc cạn trên bờ cát. Thấy anh Hùng và Linh loay hoay, 7 thợ lặn khác cùng xúm lại, đẩy phụ chiếc ghe xuống mé nước. “Bữa nay đi hướng nào?” Sang cất tiếng hỏi lớn. Trương Minh Đạt (1990), bạn thuyền bên cạnh trả lời nhanh: “Ra đồi tràm”. “Mấy người kia đi đâu?”, “Ai biết mấy ổng, chắc cũng ra đó thôi à, bữa nay đâu ai lên nguồn”... tiếng hỏi nhau giữa Sang và Đạt lọt thỏm vào không gian mênh mông bên bờ hồ.

Tâm cầm can dầu diazen đổ thẳng vào đầu máy rồi quay ống nổ. Sang chuyển cuộn ống thở hơi, vài chai nhựa và làn cơm xuống lòng ghe. Xong hết công tác chuẩn bị, cả hai cùng cố sức đẩy chiếc ghe ra xa mé bờ để lấy trớn. Bên cạnh, những chiếc ghe thợ bạn cũng đã sẵn sàng. Tiếng máy nổ vang lên làm náo động cả một khu.

Gần 20 phút lênh đênh trên hồ, đoàn ghe tiến gần về khu vực đồi tràm rồi tập hợp lại. Thấy tôi ngạc nhiên, Sang giải thích: “Đã thành lệ, ra đến hồ mọi người tập trung cùng nhau ăn uống, nghỉ ngơi một chút rồi mới lặn”. Đạt tiếp lời: “Mỗi ngày, tụi em lặn cùng nhau nên rất thân thiết. Nếu nhà ai có công chuyện gì, tụi em nghỉ lặn, xúm lại làm. Nhằm khi có giỗ, tiệc, chị mà xuống là không ai ra hồ đâu”. Đưa mắt nhìn bao quát xung quanh, xa xa đỉnh núi Bà Rá còn mờ nhạt trong sương bảng lảng. Mặt hồ Thác Mơ trải rộng, phía trước là đồi tràm xanh bát ngát. Chùm ghe của những thợ lặn co cụm lại, lọt thỏm giữa không gian mênh mông.

Bên ghe của anh Hùng, các thợ lặn lớn tuổi ngồi bên nhau, hướng mắt nhìn về phía thôn Bàu Nghé, lặng lẽ rít thuốc lá. Những thanh niên trẻ như Đạt, Tâm, Linh đi quanh thuyền của mình, kiểm tra lại máy móc, dây co-roa và ống thở. Họ đang chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày làm việc mới, hy vọng sẽ mót được kha khá gỗ cho bõ một chuyến đi.

Riêng những bạn trẻ như Đạt, Sang hy vọng tìm được nhiều gỗ, trở về sớm còn đãi chúng tôi cà phê và món cá nướng miền Tây. “Chị ở lại chơi, mai hãy về. Tối nay, tụi em đi soi cua bên bờ hồ, mua thêm cá lóc về nướng, đãi chị heng”, tiếng Đạt từ ghe bên vọng sang chân chất.

Tường Linh - Thanh Thủy
Bài 2: Mưu sinh tận đáy hồ.

  • Từ khóa
92284

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu