Thứ 3, 19/03/2024 11:06:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:41, 17/08/2013 GMT+7

Mót gỗ dưới lòng hồ thác mơ (tt)

Thứ 7, 17/08/2013 | 14:41:00 292 lượt xem

>> Bài 1: LẶNG LẼ VỚI NGHỀ

Từ khi nhà máy thủy điện Thác Mơ được thành lập, lòng hồ Thác Mơ đã trở thành nơi mưu sinh của nhiều thợ mót gỗ. Công việc không chỉ nhọc nhằn, vất vả mà họ còn phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn dưới lòng hồ.

Bài 2: MƯU SINH TẬN ĐÁY HỒ

Mấy năm nay, nhiều thợ lặn mới tìm đến thôn Bàu Nghé làm nghề, nhưng họ đến rồi đi. Duy chỉ có những cư dân trong thôn vẫn kiên trì, chung thủy với nghề. “Bạn lặn nơi khác đến có thể bỏ đi. Mình có nhà cửa ở đây, không lặn thì biết làm gì để có tiền lo cho con ăn học?”, anh Trần Văn Hùng, một thợ lặn lâu năm ở thôn Bàu Nghé cho biết.


Anh Phúc - một thợ lặn cưa bỏ phần cành ra khỏi cây gỗ vừa vớt lên

Bàu Nghé hôm nay vẫn tiếp tục đón nhận những thợ lặn mới từ nơi khác tìm đến kiếm miếng ăn qua ngày. Họ thường là Việt kiều Campuchia hồi hương hay từ nhiều nơi khác về. Để có được miếng cơm, manh áo, các thợ lặn nơi đây không chỉ vất vả, cực nhọc mà có cả máu, nước mắt. Có những tai nạn thương tâm đã xảy ra, nhưng họ vẫn giữ nghề, giữ lại kế sinh nhai.


THỢ CŨ, THỢ MỚI

Năm 1989, ông Nguyễn Văn Rạng (45 tuổi) đưa vợ con từ Campuchia về Việt Nam. Từ đó, cả gia đình bôn ba đánh cá gần cầu La Ngà (Đồng Nai) kiếm gạo qua ngày. Đầu năm 2013, ông Rạng tìm đến thôn Bàu Nghé làm thợ lặn mót gỗ ăn chia cho một chủ ghe mà ông không biết tên, tuổi. Ông Rạng phân trần: “Mình có sức khỏe thì đi làm, có sản phẩm là có tiền. Tên chủ ghe, nói thiệt tôi không biết, mà có biết cũng chẳng để làm gì”.

Những thợ lặn trên hồ Thác Mơ thường bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng và kết thúc sau 3 giờ chiều. “Khi nào lên nguồn, tụi em sẽ mang theo gạo, xoong nồi và ở lại vài ngày mới về. Đi xa như vậy, đêm ngủ trên ghe, buồn lắm. Chỉ mong được khỏe mạnh, em và các anh trai sẽ còn gắn bó với nghề, kiếm tiền lo cho mẹ”, thợ lặn Trương Vĩnh Đức (22 tuổi), 8 năm theo nghề tâm sự.

Đức đeo chiếc kính lặn tự chế lên mắt, ngậm ống thở vào miệng, mang theo mấy chai nước quanh người nhảy thẳng xuống hồ. Trên ghe, Đạt lần thả từng đoạn ống thở xuống lòng hồ, hỗ trợ cho Đức. Vừa làm, Đạt vừa nói: “Phải có người trên ghe thả và kéo ống thở lên, như vậy ống không bị rối, người lặn dưới hồ sẽ an toàn”. Anh em Đạt, Đức thay nhau lặn xuống lòng hồ để tìm gỗ, nhưng 1 giờ trôi qua, không cây gỗ nào được trục lên mạn thuyền. Những ghe bên cạnh cũng chẳng khá hơn.

Sau nhiều lần ngụp lặn, ghe của ông Đặng Văn Dưỡng (47 tuổi) vẫn chưa trục được một khúc gỗ. Sức ép của nước làm ông Dưỡng mệt mỏi, da mặt, da chân, da tay trở nên nhăn nheo. Như đã quen với sự khó khăn, ông Dưỡng không than thở, mắt nhìn sâu xuống lòng hồ, giọng trầm tư: “Tôi mới theo nghề được mấy tháng nay, nhưng nghề này chỉ dành cho những thanh niên có sức. Mình lớn tuổi rồi, không còn phù hợp nữa, gắng được ngày nào, hay ngày ấy thôi”.


ĐỐI MẶT RỦI RO

Đưa đôi bàn tay chai sạn với những vết thương chưa lành, anh Hùng cho biết: “Nghề lặn nguy hiểm lắm. Bị xây xát do trục pa-lăng (ròng rọc) trên ghe hay bị cây rừng dưới đáy hồ cào có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tụi này sợ nhất là khi ống thở bị nổ hoặc vướng vào cây rừng. Nếu xử lý không kịp, thợ lặn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng”.

Nhiều tai nạn đã xảy ra với những người mót gỗ trên hồ, nhưng các thợ lặn đều cố giấu khi chúng tôi hỏi đến. “Bây giờ, tôi không muốn nhắc đến những ngày tháng lênh đênh trên sông nước, không muốn nhắc lại tai nạn năm xưa. Tôi muốn quên đi tất cả. Nghề mót gỗ trong lòng hồ Thác Mơ vất vả, bạc bẽo lắm!”, anh M chua xót nói.

Câu chuyện nổ ống thở của thợ lặn Trần Thanh Tâm vào năm trước như vẫn còn vương trên gương mặt anh thợ trẻ: “Lúc em xuống cưa cây dưới hồ, ống thở bị nổ, mất hết ôxy. Em vội bơi lên bờ. Dù không nguy hiểm gì nhưng em vẫn chưa hết sợ. Từ đó, mỗi lần lặn, tụi em phải kiểm tra mọi thứ thật kỹ”.

Tai nạn sông nước luôn rình rập, nhưng trên các ghe thuyền, dụng cụ bảo hộ lao động của thợ lặn còn quá thô sơ. Ngoài chiếc kính và ống thở tự chế, không có một chiếc phao bơi an toàn trên ghe. Chị Nga nhớ lại: “6 năm trước, mình và ông xã đưa cháu Thạch Văn Hùng (con trai lớn) cùng ra hồ mót gỗ. Lúc quay trở về, gió lớn ập tới, không xử lý kịp nên ghe bị chìm. Ông xã tìm cách lo cho thằng nhỏ, mình cũng ôm theo chiếc can nhựa nhảy thẳng xuống hồ”, giọng chị run run, chưa hết bàng hoàng.

Người dân thôn Bàu Nghé vẫn nhắc đến vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra với một thợ lặn giỏi. Nhiều người cho rằng, người thợ ấy đã chết. Lần tìm mãi, chúng tôi cũng dò tìm ra danh tính người bị nạn. Gặp chúng tôi, anh L.Q.M không thừa nhận bản thân, anh muốn quên đi tai nạn thảm khốc ấy.

Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng anh Q.M cũng miễn cưỡng kể sơ về vụ việc: Năm 2001, trong một lần đi mót tìm được một cây gỗ lớn, đẹp ở gần đập tràn. Là thợ giỏi, anh tự tin tiếp cận thân cây. Nhưng khi vừa đánh dấu vị trí cây, anh M bị quỵ dưới dòng nước sâu. Khi anh được bạn thuyền đưa lên bờ thì chân tay đã mất dần cảm giác. Anh M phải thay máu, thay tủy, cố gắng lắm mới giữ được tính mạng.

Tường Linh - Thanh Thủy
Bài 3: Lặn đến bao giờ?

  • Từ khóa
92286

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu