Thứ 6, 29/03/2024 06:53:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:48, 25/06/2016 GMT+7

Lỗi… hay năng lực của tòa sơ thẩm có vấn đề?

Thứ 7, 25/06/2016 | 10:48:00 95 lượt xem
BP - Bà Hoàng Thị Cẩm (1979) trú ấp Phước Tiến, xã Tân Phước (Đồng Phú) vừa có đơn gửi Báo Bình Phước. Trong đơn bà Cẩm trình bày vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” mà bà là bị đơn và những bất cập trong phiên sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú xét xử ngày 4-1-2016.

Căn nhà của mẹ chồng bà Cẩm giờ bị buộc giao cho bà MườiCăn nhà của mẹ chồng bà Cẩm giờ bị buộc giao cho bà Mười

Tiếng khóc bị đơn

Bà Cẩm cho biết: “Hiện Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý vụ án của tôi theo thủ tục phúc thẩm. Đã hơn 1 lần Tòa án nhân dân tỉnh triệu tập để xét xử nhưng do thiếu các nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên phiên tòa phải tạm hoãn”. 

Theo hồ sơ vụ án, bà Cẩm thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tại ấp Phước Tiến, xã Tân Phước để vay ngân hàng 420 triệu đồng. Trên đất có 3 căn nhà cấp 4 của mẹ, em chồng và bà Cẩm đang ở và một số cây cao su, cây ăn trái. Tháng 8-2014 hết hạn vay, bà Cẩm phải trả cả gốc lẫn lãi là 477 triệu đồng. Đầu năm 2015, bà Cẩm được bà Nga, một người kinh doanh nông sản ở Tân Phước, giới thiệu đến bà Phạm Thị Mười (1981) trú thị xã Đồng Xoài để mượn tiền giải chấp ngân hàng. Sau đó, bà Mười cho bà Cẩm vay 500 triệu đồng với lãi suất 10 triệu đồng/tháng để trả ngân hàng. Để đảm bảo việc cho vay, bà Mười yêu cầu bà Cẩm công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 17.100m2 đất với giá 300 triệu đồng. Bà Cẩm cho biết: “Sau hai năm, nếu có tiền trả thì bà Mười sẽ giao lại sổ đỏ cho tôi”.

Còn bà Phạm Thị Mười cho rằng, ngày 21-1-2015, giữa bà và bà Cẩm thực hiện việc sang nhượng 17.100m2 đất, trong đó có 400m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Nhưng do bà Cẩm không giao nhà và đất nên ngày 4-6-2015, bà Mười khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú để đòi tài sản...

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Theo hồ sơ vụ việc, bà Cẩm nói là vay tiền chứ không bán đất cho bà Mười. Còn bà Mười thì cho rằng mình mua đất chứ không cho vay tiền. Ai đúng, ai sai sẽ do tòa phúc thẩm quyết định. Hiện tại bà Mười có nguyện vọng vụ việc nhanh chóng được tòa án giải quyết dứt điểm, sớm giao đất hoặc hủy hợp đồng sang nhượng thì bà Cẩm phải trả lại tiền.

Sau khi bà Phạm Thị Mười có đơn khởi kiện, ngày 4-1-2016, Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú mở phiên xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã tuyên, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Mười, buộc bà Hoàng Thị Cẩm và những người liên quan (mẹ và em chồng có nhà ở trên đất) phải chuyển giao đất và các tài sản trên đất cho bà Mười quản lý, sử dụng.

Kết thúc phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã kháng nghị toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, cấp sơ thẩm tuyên giao tất cả tài sản trên đất, kể cả tài sản mà nguyên đơn không yêu cầu là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Tòa giải quyết chưa hết yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Đồng Phú đã cấp cho bà Mười. Đồng thời, tòa không đưa UBND huyện Đồng Phú tham gia tố tụng với tư cách người liên quan theo quy định tại Điều 32a của Bộ luật Tố tụng dân sự là sai. Bên cạnh đó, mẹ và em chồng của bà Cẩm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có đơn yêu cầu độc lập. Và mặc dù nội dung đơn không rõ ràng, cụ thể nhưng tòa sơ thẩm không yêu cầu sửa lại mà vẫn thụ lý giải quyết là vi phạm Điểm g, Khoản 2, Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự. Hơn nữa, đơn của em chồng bà Cẩm thuộc trường hợp phải đóng án phí có giá ngạch nhưng tòa không yêu cầu đương sự làm nghĩa vụ này, mà vẫn thụ lý giải quyết. Tòa sơ thẩm chỉ yêu cầu bà Mười đóng 5 triệu đồng án phí cho vụ án 600 triệu đồng là sai và chưa đủ điều kiện thụ lý vụ án, mà phải là 14 triệu đồng... Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm đã thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của đương sự nhưng hồ sơ không thể hiện đương sự có đóng tiền tạm ứng chi phí định giá. Và bản án được tuyên cũng không nêu ai là người phải chịu khoản chi phí này.

Bản án còn nhiều bất cập

Theo hồ sơ vụ án, hợp đồng mua bán nhà đất giữa bà Mười và bà Cẩm lập ngày 21-1-2015 tại ấp Phước Tiến, xã Tân Phước không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Đối tượng của hợp đồng có một phần thuộc sở hữu của mẹ chồng bà Cẩm nhưng bà này không tham gia giao dịch là trái quy định. Bà này cũng không ủy quyền bà Cẩm thay mình thực hiện giao dịch. Vì vậy hợp đồng này bị vô hiệu.

Riêng hợp đồng giữa bà Cẩm và bà Mười được công chứng tại Văn phòng công chứng huyện Đồng Phú chỉ chuyển nhượng đất mà không có nội dung chuyển nhượng tài sản trên đất. Vì vậy, hợp đồng này cũng bị vô hiệu theo quy định tại Điều 411, Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, trong diện tích đất của bà Cẩm có 3 căn nhà riêng biệt và hơn 1 ha cao su cùng hàng trăm gốc quýt đường đang thu hoạch. Do vậy, giá trị thực của lô đất và tài sản trên đất được cấp sơ thẩm định giá hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng hợp đồng công chứng chỉ ghi giá 300 triệu đồng, hợp đồng mua bán tay ghi giá 600 triệu đồng. Từ những lý do trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định kháng nghị toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm giao về Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú giải quyết lại theo thủ tục chung. Dư luận tại xã Tân Phước đang đặt câu hỏi về năng lực thực sự của những người cầm cân nảy mực tại phiên tòa sơ thẩm.  

 Gia Nghi

  • Từ khóa
55391

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu