Thứ 5, 02/05/2024 14:38:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:57, 01/07/2013 GMT+7

Lịch sử hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam

Thứ 2, 01/07/2013 | 09:57:00 11,553 lượt xem

LTS: Sáng nay 1-7, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội có chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, chủ động, hội nhập, phát triển bền vững”. Về dự Đại hội có 1.180 đại biểu đại diện cho trên 12 triệu hội viên trong cả nước tham dự đại hội. Trong đó, 898 đại biểu có trình độ đại học, 56 đại biểu có trình độ thạc sĩ, 12 đại biểu có trình độ tiến sĩ. Đặc biệt, tham dự đại hội có 34 đại biểu là hội viên sản xuất - kinh doanh giỏi, hội viên tiêu biểu. Đại biểu cao tuổi nhất là 68, đại biểu ít tuổi nhất là 21. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2008-2013; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác hội và phong trào nông dân thi đua yêu nước nhiệm kỳ 2013-2018; thông qua điều lệ hội (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018. Nhân dịp này, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân Việt Nam.


Đại Hội V Hội Nông Dân Việt Nam nhiệm kỳ 2008 - 2013

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930, đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Ngày 6-8-1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02-NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương. Từ ngày 28-11 đến 7-12-1949, tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc).

Ngày 16-4-1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Thành lập các ban và tiểu ban giúp việc”, trong đó có Tiểu ban Nông vận. Tháng 5-1951, Ban Liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ hai tại thôn Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng.

Ngày 21-4-1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong đồng khởi. Tháng 1-1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhằm tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong 8 năm, đồng thời quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch “Bình định cấp tốc” của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội. Hội tập trung vận động, tuyên truyền nông dân thực hiện đúng đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng.

Ngày 25-6-1977, Ban Bí thư ra Thông báo số 16-TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương. Ngày 25-6-1979, Ban Bí thư quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư.

 Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (thực chất là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, do Ban Nông nghiệp chỉ đạo) nay lập thành một cơ quan độc lập có nhiệm vụ vừa thường xuyên chỉ đạo phong trào thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, vừa giúp Ban Bí thư chuẩn bị Đại hội nông dân toàn quốc. Ban Bí thư chỉ định 3 đồng chí: Ngô Duy Đông (Trưởng ban), 2 đồng chí: Nguyễn Thành Thơ, Nguyễn Công Huế (Phó ban), đồng chí Lê Du là Ủy viên.

Ngày 27-9-1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78-CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái phấn đấu vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa, theo nguyên tắc tự nguyện. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức hội (ở miền Bắc) nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.

Quán triệt tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, ngày 24-3-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 05/CT-TW về tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Ngày 1-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Tại phiên họp ngày 17-1-1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (theo Tờ trình của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam). Ngày 20-5-1991, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 69-CT/TƯ về việc kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930-14-10-1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.

TH (Tổng hợp)

  • Từ khóa
8515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu