Thứ 5, 28/03/2024 20:12:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:19, 29/03/2019 GMT+7

Khởi nghiệp

Lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên - Bài 1

Thứ 6, 29/03/2019 | 07:19:00 178 lượt xem

LAN TỎA TINH THẦN TUỔI TRẺ

BP - 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách lớn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Với kiến thức và khả năng của mình, thời gian qua, tuổi trẻ Bình Phước đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm kinh tế mới, sáng tạo. Nhiều bạn trẻ đã trở thành người làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai của chính mình.

DÁM THỬ THÁCH Ở NHIỀU LĨNH VỰC

Tốt nghiệp đại học Sư phạm thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh năm 2015, Nguyễn Văn Việt (1992) ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú đã không lựa chọn nghề giáo mà dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh. Việt lập cơ sở sản xuất, kinh doanh quần áo tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng do thiếu vốn, kinh nghiệm và thị trường nên không thành công.

Về quê phụ cha mẹ làm vườn một thời gian, đầu năm 2017, Việt xin làm nhân viên thị trường cho một số công ty phân bón. Do thường xuyên tiếp cận với nông dân, nhận thấy trồng quýt đường mang lại lợi nhuận cao, cuối năm 2017, Việt đã mua lại 5 sào quýt đường ở ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú (Đồng Phú) và 7 sào ở khu phố 5, phường Tân Đồng (Đồng Xoài) để khởi nghiệp. Việt chia sẻ: “Quýt đường thu trái quanh năm, ít bị sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Hiện nay, với giá trung bình từ 14-15 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lời trên 200 triệu đồng”. Nói về những khó khăn trong khởi sự kinh doanh, làm kinh tế, Việt cho hay: “Giới trẻ bắt đầu làm kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm. Rất nhiều bạn trẻ có ý tưởng, đam mê lập nghiệp nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu; nhiều người nghĩ đơn giản song khi bắt tay vào đầu tư thì gặp khó khăn và đã thất bại. Chúng em rất cần một “nhạc trưởng” kết nối “4 nhà””.

Thanh niên Nguyễn Văn Việt ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) phát triển kinh tế từ cây quýt đường

Cùng đam mê cây quýt đường còn có anh Nguyễn Văn Sạn (1986) ở ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú. Gia đình anh Sạn đã đầu tư trồng hơn 2 ha quýt đường, trong đó gần 1 ha đang thu hoạch, mỗi năm gia đình anh thu lời trên 200 triệu đồng. Anh Sạn cho biết: Sau khi tìm hiểu mô hình trồng quýt đường ở tỉnh Đồng Nai, nhận thấy khu vực ấp Bàu Cây Me phù hợp với loại cây trồng này cả về thổ nhưỡng, khí hậu và hệ thống nước tưới nên tôi đã đầu tư. Hiện nay, khu vực ấp Bàu Cây Me có khoảng trên 30 ha quýt đường. Gia đình chủ yếu bán cho thương lái cung cấp ra thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...  

TIÊN PHONG VỀ CÔNG NGHỆ

29 tuổi, anh Dương Đức Hòa ở xã An Khương, huyện Hớn Quản đã là chủ cơ sở chế biến mủ tờ xông khói RSS với công suất 500-600 tấn sản phẩm/năm. Anh Hòa cho biết: Khu vực xã An Khương có nhiều hộ trồng cao su quy mô từ 50-200 ha đang trong thời kỳ khai thác nhưng chưa có nhà máy chế biến, trong khi nhu cầu thị trường rất lớn nên gia đình tôi đã đầu tư cơ sở chế biến với gần 1,5 tỷ đồng. Cơ sở áp dụng công nghệ đánh đông bằng tấm lắc. Đây là công nghệ mới, có nhiều ưu điểm. Sản phẩm đạt chất lượng cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng đòi hỏi khắt khe của ngành công nghiệp chế biến cao su tổng hợp như vỏ xe, linh kiện kỹ thuật, sin, roong... Nước thải sau khi xử lý có thể dùng để tưới tiêu. Dự án chế biến mủ tờ xông khói RSS của anh Hòa đã lọt vào tốp 60 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ nhất do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức năm 2018. Hiện nay, cơ sở chế biến của anh Hòa tạo việc làm cho 9 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ước tính 1 năm, gia đình anh thu lời gần 600 triệu đồng.

Đoàn viên Duy Khánh ở ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú khởi nghiệp từ trồng lan - Ảnh: T.H

Anh Dương Ngọc Toại, Phó bí thư Huyện đoàn Đồng Phú cho biết: Trên địa bàn huyện hiện khoảng 90% thanh niên có việc làm và xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Trong đó khoảng 15 mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Chí Thành ở ấp 4, xã Tân Lập. 23 tuổi, anh Thành thành lập công ty riêng, đến nay công ty đã hoạt động gần 10 năm với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Công ty của anh Thành đang hướng đến chế biến thêm một số sản phẩm từ nấm linh chi như trà, nước giải khát... Bên cạnh đó, thanh niên Nguyễn Văn Khánh ở xã Đồng Tiến kinh doanh lan rừng. Anh Khánh đang sở hữu cơ sở lan rừng trị giá khoảng 5-7 tỷ đồng. Hay Bí thư Chi đoàn ấp 2, xã Đồng Tiến Nông Văn Cường khởi sự với mô hình trồng cây sâm đất. Đây là cây dược liệu quý nên sau khi kết nối, Hiệp hội Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ cơ sở của anh, đến nay đã có nhiều bạn trẻ trên địa bàn huyện đầu tư trồng cây sâm đất với tổng diện tích khoảng 1 ha...

Tốt nghiệp đại học với chuyên ngành môi trường, thanh niên Mai Thế Tâm ở phường Tiến Thành (Đồng Xoài) về quê làm kinh tế trang trại

Toàn tỉnh hiện có 23 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế với 230 thành viên. Mỗi câu lạc bộ có vốn dao động từ 5-10 triệu đồng. Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ thành lập mới 2 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã, nâng tổng số tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên lên 39 tổ hợp tác và 4 hợp tác xã với gần 300 thành viên; hỗ trợ 2 dự án được vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với tổng 350 triệu đồng; trình Quỹ khởi nghiệp tỉnh xét duyệt 4 đề án khởi nghiệp và đã được thông qua 2 đề án với số vốn cho vay 400 triệu đồng; mở 11 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật thu hút 400 đoàn viên thanh niên tham gia...

Thanh niên Mai Thế Tâm ở phường Tiến Thành (Đồng Xoài) tốt nghiệp Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Môi trường, sau đó về quê đầu tư nuôi trùn quế, chế biến phân vi sinh thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Tâm chia sẻ, hiện nhiều thanh niên nông thôn muốn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của tuổi trẻ, các bạn rất cần sự quan tâm, định hướng phát triển mô hình sản xuất phù hợp với khả năng, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường, đặc biệt là sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm và vốn phát triển sản xuất.

Anh Mai Xuân Tuân, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp nhiều cấp, ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi vay vốn cho đoàn viên thanh niên. Hiện đã giải ngân 356 tỷ 512 triệu đồng cho 13.651 hộ vay. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay của thanh niên khi khởi nghiệp là đầu ra cho sản phẩm, trong khi đoàn viên thanh niên lại rất hạn chế trong việc tiếp cận thị trường. Thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ thanh niên trong thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Minh Luận

  • Từ khóa
44107

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu