Thứ 7, 20/04/2024 15:29:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:24, 27/07/2014 GMT+7

KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2014)

Ký ức của những thương binh Trung đội An ninh vũ trang anh hùng

Chủ nhật, 27/07/2014 | 08:24:00 1,868 lượt xem

>> Chung sức chăm lo đời sống người có công
>> Những người canh giấc cho đồng đội
 

BP - Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, chúng tôi có dịp về thăm các cán bộ Trung đội An ninh vũ trang thị xã An Lộc - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được biết thêm nhiều điều về cuộc sống, chiến đấu và sự hy sinh âm thầm của những cán bộ hoạt động trong vùng địch chiếm đóng trong kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, để bảo vệ Đảng, nhân dân, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thương binh Nguyễn Văn Dậu và Nguyễn Văn Tha

“Bám thắt lưng địch mà đánh”

Hoạt động bí mật trong lòng địch, bám đất, bám dân, diệt ác, phá kềm; bảo vệ Đảng, hỗ trợ phong trào cách mạng, phá ấp chiến lược, tổ chức nắm tình hình, bóc gỡ các mạng lưới mật báo, gián điệp, đánh địch, chống càn; giữ cờ, giữ đất, bảo vệ căn cứ và vùng giải phóng; tổ chức đưa đón và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo bí mật ra, vào hoặc bám trụ lại thị xã để chỉ đạo phong trào quần chúng nổi dậy; trinh sát, nắm tình hình địch, phối hợp lực lượng vũ trang tổ chức mai phục đánh chặn các cuộc càn quét, làm địch không thể chiếm đóng lập lại đồn bốt, tạo thế tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch; răn đe gia đình những tên Việt gian, tề điệp không gây thêm tội ác với nhân dân, làm cho chúng hoảng sợ, không dám do thám, chỉ điểm, bắt bớ... Đó là nhiệm vụ của Trung đội An ninh vũ trang thị xã An Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là những người đã thực hiện tốt chiến thuật: “Bám thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Trung đội trưởng kiên cường

Những chuyến công tác bí mật từ căn cứ vào vùng bị địch kiểm soát và ngược lại là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng an ninh. Với hệ thống đồn bốt dày đặc và các ấp chiến lược được Mỹ, ngụy xây dựng quy mô, trong các chuyến công tác của lực lượng an ninh thì việc đụng độ và chiến đấu với kẻ thù là điều không tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Dậu, nguyên Trung đội trưởng Trung đội an ninh vũ trang thị xã An Lộc, nhớ lại một trong những trận đánh mà ông cùng các đồng đội đã tham gia khi bí mật đột nhập vào Bình Long xây dựng cơ sở. Đó là cuối năm 1970, tổ công tác về ấp Hưng Chiến móc nối xây dựng cơ sở. Tổ công tác do ông Dậu chỉ huy gồm 7 đồng chí bí mật luồn rừng, lội suối tiếp cận khu dân cư. Chỉ còn cách khu dân cư một đoạn, đội công tác đụng mìn của địch cài sẵn. Nghe tiếng mìn nổ, kẻ địch biết có cán bộ cách mạng về ấp nên dùng hỏa lực tấn công tổ công tác. Trong trận đánh không cân sức này, địch với vũ khí, trang bị hơn hẳn đã truy kích gắt gao nên đội công tác phải rút lui và chỉ kịp đưa thương binh về căn cứ. 3 đồng chí hy sinh trong trận đánh phải nằm lại. Kẻ thù đã mang xác các anh bỏ xuống giếng hoang của người dân gần đó.

Trong trận này, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Dậu bị thương, nhưng ông vẫn kiên cường tìm cách cất giấu vũ khí, trang bị và đưa đồng đội bị thương về căn cứ an toàn. Thời gian sau, một đội công tác khác tiếp tục đột nhập vào thị xã cũng bị địch phục kích. Trận đánh này thêm 3 đồng chí hy sinh, xác của các anh bị kẻ thù bỏ xuống giếng. Sau ngày đất nước thống nhất, khu vườn có giếng nơi 6 liệt sĩ nằm lại đã được chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Công an Bình Long lập lên một ngôi mộ tập thể. Hiện nay, ngôi mộ tập thể này đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Vừa điều trị vết thương vừa đánh giặc

Năm 1965, Trung đội An ninh vũ trang thị xã An Lộc được thành lập. Ông Nguyễn Văn Tha được biên chế vào đơn vị từ những ngày đầu. Đầu năm 1970, trong một lần đi công tác móc nối cơ sở để nắm tình hình và mua hàng đưa vào căn cứ, tổ công tác của ông đụng lính Mỹ, ngụy. Ông Tha kể lại: “Địch phục kích bất ngờ với số lượng đông, tôi đi đầu và bị thương chân phải. Để hỗ trợ cho đồng đội rút về căn cứ an toàn, tôi đã bám trụ lại để đánh lạc hướng địch. Biết có cán bộ cách mạng bị thương, cả ngày hôm đó địch tìm mọi cách bắt sống và dùng máy bay kêu loa dụ hàng nhưng không được. Buổi chiều và đêm đó, tôi cùng đồng đội phải hứng chịu nhiều loạt đạn pháo của địch”.

Chỉ vào chân phải bị hụt mất 10cm phải đi tập tễnh, ông Tha kể tiếp: “Cả năm trời liên tục di chuyển trên chiến trường với chân phải bị bắn gãy, vừa trị thương vừa đánh giặc trong điều kiện y tế cực kỳ khó khăn, có những lúc phải sang đất bạn Campuchia tránh địch càn quét. Tháng 5-1971, tôi được tổ chức cho ra miền Bắc chữa vết thương. Qua 7 tháng đi bộ, đội bom vượt Trường Sơn, đến tháng 12-1971, tôi ra tới Hà Nội. Tháng 4-1972, tôi tiếp tục được đưa sang điều trị vết thương tại Quế Lâm (Trung Quốc)”.

Dũng cảm trên chiến trường, kiên cường trên giường bệnh, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng là lúc chân phải của thương binh Nguyễn Văn Tha vừa khỏi. Thương binh tàn nhưng không phế, ông trở về Bình Long và tiếp tục công tác. Do hoàn cảnh gia đình, năm 1983 ông xin nghỉ việc.

39 năm sau ngày đất nước thống nhất, những cán bộ Trung đội An ninh vũ trang thị xã An Lộc đã về với cuộc sống đời thường. Họ tiếp tục góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những chiến công của trung đội bằng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tổ quốc và nhân dân vẫn luôn ghi nhớ và không bao giờ quên những người con có công với nước, với dân.

 Văn Tuyên - Minh Chính

  • Từ khóa
11462

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu