Thứ 6, 26/04/2024 12:23:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 02:51, 27/10/2014 GMT+7

Phước An: Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 27/10/2014 | 02:51:00 286 lượt xem
BP - Không nằm trong 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước An (Hớn Quản) vẫn quyết tâm thực hiện chương trình và cán đích hiệu quả 6 tiêu chí. Một xã có xuất phát điểm thấp , nhưng sự đồng thuận và cách làm hay của chính quyền trong huy động vốn từ nhân dân đã làm cho chương trình nông thôn mới ở xã được đánh giá cao.

Biến ước mơ thành hiện thực

Phước An có 2.226 hộ, trong đó 31% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số 17 ấp có 9 ấp ĐBDTTS. Hàng chục năm qua, phần lớn người dân ở đây phải dùng đèn dầu. Số ít hộ có điều kiện mua được máy nổ nhưng cũng chỉ dùng lúc ăn cơm và xem thời sự vào buổi tối. Nhận thức được lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới, các hộ dân ở 3 ấp Văn Hiên 1, Tranh 1 và Tranh 2 đã chủ động hiến đất, cây trồng và đóng góp tiền kéo điện. Đến nay, xã đã có 19 trạm biến áp công cộng, 22km đường dây trung thế và 60km đường dây hạ thế.

Đường điện do người dân cưa cây, góp tiền kéo vào ấp Tranh 2

Để tạo hành lang an toàn lưới điện, ông Điểu Tèo (dân tộc Xêtiêng) ở ấp Tranh 2 đã giải tỏa khu đất có lưới điện đi qua trước một năm. Là người có uy tín nên thấy ông chặt cây, dọn vườn, người dân trong ấp cũng làm theo. Mỗi hộ còn tự nguyện đóng góp 7 triệu đồng để kéo điện. Trước tết Nguyên đán 2014, đường dây được hoàn thành và đóng điện trước sự vui mừng của người dân. Chị Thị Mỹ Lài (con gái ông Điểu Tèo) nói: Bao nhiêu năm sống trong cảnh đèn dầu, chịu nhiều khổ cực, nay có điện phục vụ sinh hoạt, đồng bào mừng lắm.

Phải cưa hơn 50 cây cao su và điều đang thời kỳ thu hoạch, nhưng bà Thị Ranh ở ấp Tranh 2 lại thấy vui vì nhờ vậy mới có điện sử dụng. Bà Thị Ranh bộc bạch: “Điều kiện gia đình khó khăn nhưng có điện lợi rất nhiều nên phải nhanh chóng thực hiện. Người dân nên góp sức, góp của làm đẹp thôn, ấp, đừng ỷ lại vào Nhà nước”. Trong diện hộ nghèo, một mình nuôi 2 con nhỏ nhưng chị Thị Hun ở ấp Tranh 1 vẫn cưa 60 cây cao su đang khai thác để đường điện đi qua. Theo chị, có điện cuộc sống của đồng bào sẽ đổi thay.

Chủ động xóa nghèo

Xã có 70% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do giá các mặt hàng nông sản thời gian qua biến động bất thường, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Lợi thế là xã có 110 ha đất trồng lúa nước với 90% người DTTS canh tác. Để người dân phát huy thế mạnh này, xã đã phối hợp ngành nông nghiệp mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Từ chỗ đồng bào làm lúa tự phát, năng suất chỉ hơn 1 tấn/ha, thậm chí thất thu. Nay bà con làm đồng loạt theo mùa vụ, năng suất tăng cao từ 3-5 tấn/ha. Nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo, thiếu ăn giáp hạt nhờ cây lúa.

Theo thống kê của UBND xã, đầu năm 2014, Phước An chỉ có 80% số hộ dân sử dụng điện. Được người dân 3 ấp hiến đất, cây trồng và đóng góp tiền làm đường điện trung, hạ thế, đến nay xã đã có 98% dân số sử dụng điện.

Do tỷ lệ hộ nghèo của xã cao (hơn 10%) và nhiều hộ thiếu đất sản xuất phải đi làm công nên thu nhập bấp bênh. Để nâng cao đời sống người dân, xã đã phối hợp mở các lớp dạy kỹ thuật về khai thác mủ cao su, trồng nấm... và tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo vay và chương trình Lục lạc vàng, xã có 14 hộ được nhận 20 con bò giống, đến nay sinh được 6 bê con và chuyển giao bò mẹ cho hộ khác nuôi xoay vòng. Xã còn vận động trường Trung cấp Nghề số 22 ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đào tạo nghề dược miễn phí cho 20 học sinh nghèo là con em địa phương.

Nhiều khó khăn phía trước

Hiện Phước An đã đạt 6/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, gồm: Lập quy hoạch, lưới điện, chợ, bưu điện, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự. Nói về những khó khăn, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các tiêu chí khó thực hiện của xã là chuyển đổi cơ cấu lao động, thu nhập và hộ nghèo. Bởi phần lớn hộ dân sống dựa vào nông nghiệp, còn hoạt động thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chỉ nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, khó thu hút lao động. Khu vực phụ cận của xã lại không có khu công nghiệp nên việc chuyển đổi nghề cho người dân rất khó. UBND xã đang định hướng người dân phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, tạo vùng chuyên canh. Tuy nhiên, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất cũng rất khó đạt vì xã chưa có tổ hợp tác hay hợp tác xã...  

Hải Châu

  • Từ khóa
53722

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu