Thứ 6, 26/04/2024 20:52:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:31, 20/10/2016 GMT+7

Hướng đi nào cho mô hình trường học mới VNEN?

Đông Kiểm
Thứ 5, 20/10/2016 | 06:31:00 243 lượt xem
BP - “Ông có thích không đã, có cảm nhận được nó không đã? Giáo viên mất thêm giờ, cực nhọc hơn trong quá trình lên lớp, Nhà nước đâu có trả thêm tiền, chúng tôi đâu có dại gì “ôm rơm cho nặng bụng”. Nhưng trách nhiệm của ngành giáo dục phải làm. Nếu giáo viên không tích cực, xã hội không đồng tình, phụ huynh không ủng hộ thì có dùng phương pháp giảng dạy nào cũng thất bại. Ngày tôi đi học có mơ cũng không dám đứng nói trước đám đông. Còn bây giờ các em tự giới thiệu, tự tìm kiếm tri thức, tự bảo vệ ý kiến của mình trước thầy cô, bè bạn. Hay hơn không?” - thầy Vũ Văn Mười, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Đồng Xoài đặt câu hỏi ngược lại khi tôi đề cập đến chất lượng của mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN).

>> Giá sách VNEN trên trời!
>> Vì sao mô hình VNEN bị từ chối?

NIỀM VUI VNEN

Chương trình VNEN được áp dụng thí điểm tại 28 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Phước kể từ năm học 2011-2012. Riêng thị xã Đồng Xoài có 2 trường là tiểu học Tân Bình B và tiểu học Tân Xuân B. Sau 6 năm gắn bó với chương trình VNEN, cô Đinh Thị Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Xuân B cho biết: “Chương trình VNEN thực sự đã thổi luồng gió mới cho phương pháp dạy và học của trường. Cái được đầu tiên ai cũng thấy là học sinh tự tin, hoạt bát hơn. Các em tự tin trong giao tiếp và phát huy được khả năng vốn có của mình. Đặc biệt là lượng tri thức do các em tự khám phá, tìm kiếm nên cũng dễ dàng được củng cố và nắm vững hơn so với phương pháp truyền thống”.

Sĩ số lớp 73 Trường THCS Thanh Hòa (Bù Đốp) đông, gây khó khăn cho giáo viên đi lại để quan sát, kiểm tra sự nghiên cứu, học tập của học sinh theo chương trình VNENSĩ số lớp 73 Trường THCS Thanh Hòa (Bù Đốp) đông, gây khó khăn cho giáo viên đi lại để quan sát, kiểm tra sự nghiên cứu, học tập của học sinh theo chương trình VNEN

Hiệu ứng chương trình VNEN chưa dừng lại ở đó, nó còn giúp học sinh biết chia sẻ, biết làm việc nhóm để khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống quanh mình. Đồng tình với quan điểm này, thầy Lê Đình Coóng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp cho rằng: Chương trình VNEN còn giúp học sinh biết kiến thức, hiểu kiến thức và vận dụng kiến thức vào giải quyết từng tình huống trong cuộc sống. Chính vì những ưu điểm nổi trội của chương trình mà cả nước hiện có 54/63 tỉnh, thành áp dụng.

Cái khó nhất trong cái khó của chương trình VNEN hiện nay là dư luận. Trước hết là tâm lý xã hội, sau đó là tâm lý giáo viên rồi đến tâm lý phụ huynh học sinh phải vững tin ở ngành giáo dục. Tôi nói anh đừng buồn, có nhiều bài báo phản ánh không đúng sự thật, không trực tiếp đến lớp mà suy diễn, áp đặt một chiều dẫn đến phụ huynh không ủng hộ chương trình VNEN. Công tác tuyên truyền rất quan trọng, một số tỉnh bỏ chương này là chưa có bước chuẩn bị chu đáo. Giáo viên đứng lớp ở chương trình này phải là người khơi nguồn cảm hứng, là người định hướng, quán xuyến học sinh có tập trung nghiên cứu không? Tôi không đánh bóng vấn đề đâu, anh cứ đi bất kỳ lớp nào, trường nào để xem thực chất chương trình VNEN tốt hay không.

Thầy Vũ Văn Mười, Phó phòng GD-ĐT thị xã Đồng Xoài

Một trong những lý do để chương trình VNEN thành công chính là nhờ đội ngũ thầy cô giáo rất tận tâm và trách nhiệm với nghề nghiệp. Thầy Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Đồng Xoài cho biết, trước khi triển khai chương trình, giáo viên được tập huấn, trải nghiệm làm học trò, làm giáo viên đứng lớp. Trong giờ học, giáo viên phải thường xuyên đi lại và quan sát việc học, nghiên cứu của học sinh. Điều quan trọng hơn hết là mỗi giáo viên không chỉ có kiến thức trong sách vở mà còn phải tự trang bị lượng kiến thức bên ngoài và các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên để giúp học sinh hưng phấn khám phá những điều thú vị ở thế giới tự nhiên. Giáo viên phải có óc quan sát linh hoạt, phải nắm được tình hình trong lớp các em có chịu nghiên cứu không, điều đó không phải ai cũng làm được. Nếu giáo viên không tận tâm, không chịu khó, không tự trang bị kiến thức cho mình thì chương trình VNEN sẽ thất bại.

NỖI BUỒN VNEN

Năm học 2016-2017, Trường THCS Thanh Hòa, huyện Bù Đốp triển khai chương trình VNEN cho hai khối lớp 6 và 7. Sĩ số học sinh bình quân mỗi lớp dao động từ 30-35 em. Trường THCS Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài cũng bước vào năm thứ hai triển khai chương trình VNEN ở hai lớp 6 và 7. Bình quân sĩ số học sinh lớp 6 là 35 em, khối lớp 7 là 39 em. Với số học sinh này, khi kê bàn ghế cho học sinh để triển khai dạy chương trình VNEN thì không còn chỗ cho giáo viên đi lại. Đầu năm học 2016-2017, Trường THCS Tân Xuân thông báo cho 720 phụ huynh khối lớp 6 và 7 đăng ký học chương trình VNEN nhưng chỉ duy nhất một phụ huynh đăng ký. Để có 36 học sinh xếp vào lớp 6, trường phải xếp ngẫu nhiên các em đã học chương trình VNEN từ cấp tiểu học. Có phụ huynh không đồng ý cho con học theo chương trình VNEN đã xin chuyển trường.

Do phụ huynh không đồng tình, lớp 31 Trường tiểu học Tân Đồng phải dạy theo phương pháp truyền thốngDo phụ huynh không đồng tình, lớp 31 Trường tiểu học Tân Đồng phải dạy theo phương pháp truyền thống

Tại Trường tiểu học Tân Đồng, cả Ban giám hiệu và giáo viên chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất trước năm học mới để triển khai chương trình VNEN nhưng cuối cùng cũng bị thất bại. Cô Vũ Thị Lương, Hiệu trưởng cho rằng, đầu năm học, trường đã phân công giáo viên dạy giỏi để triển khai thực hiện chương trình VNEN cho khối lớp 3 nhưng phụ huynh phản ứng dữ dội. Từ Ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm phải đi giải thích, động viên nhưng phụ huynh nhất quyết không đồng ý. Ngay lớp 31, ngày họp phụ huynh đầu năm học, phụ huynh tự kê bàn ghế trở lại để phản đối không cho con em mình học theo chương trình VNEN. Để tỏ rõ phản ứng của mình, phụ huynh khối lớp này làm đơn tập thể đề nghị trường không triển khai chương trình VNEN. Thấy phụ huynh lớp 31 làm đơn, phụ huynh các lớp khác trong trường cũng đồng loạt không cho con em mình theo học lớp chương trình VNEN. Sau Trường tiểu học Tân Đồng, phụ huynh của Trường tiểu học Tân Phú C cũng đồng loạt kiến nghị trường không tổ chức dạy theo chương trình VNEN. Nguyên nhân dẫn đến phụ huynh không ủng hộ là do không muốn con mình học lớp thử nghiệm. 

CÁI CẦN HƯỚNG ĐẾN

Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Escuela Nueva - Việt Nam) được khơi nguồn từ Colombia vào những năm 1991-2000 để dạy học sinh lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình trường học mới đã được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đã thành công vang dội và mau chóng nhân rộng ở các nước châu Mỹ - La tinh.

Đầu năm học, giáo viên rất háo hức vì được tập huấn và trải nghiệm làm học sinh tự khám phá, tự trao đổi. Từ mặt mếu đến mặt cười giáo viên phải bỏ cả tuần để chuẩn bị đồ dùng dạy học cho học sinh. Dạy theo chương trình VNEN, giáo viên khổ hơn nhiều, khó hơn nhiều nhưng phụ huynh có hiểu cho đâu. Họ phản đối dữ lắm chỉ vì thông tin từ chương trình VNEN chưa đầy đủ.

Cô Vũ Thị Lương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Đồng

Việt Nam hiện có 54/63 tỉnh, thành trong cả nước ứng dụng mô hình VNEN. Ngay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang áp dụng mô hình này ở những trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên đạt chuẩn.

Cô Nguyễn Minh Thu Thủy, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bộ GD-ĐT không phải ngẫu nhiên đưa mô hình dạy học này vào các trường phổ thông. Mô hình VNEN có những ưu điểm rõ ràng, vừa khơi dậy tính hứng thú cho học sinh trong quá trình tìm kiếm tri thức vừa giúp học sinh tự lập, tự tin trong giao tiếp, biết chia sẻ trong cuộc sống. Cái khó hiện nay là cơ sở vật chất nhiều trường của chúng ta chưa đáp ứng được mô hình này. Do vậy các trường cần phải thận trọng khi triển khai chương trình.

 Thực tế từ các trường đang triển khai chương trình VNEN của tỉnh Bình Phước cho thấy, việc ứng dụng chương trình VNEN dành cho học sinh cấp tiểu học khá thành công. Riêng cấp THCS hiện nay còn khá cập rập. Đặc biệt giáo viên chưa được tập huấn bài bản để nắm bắt phương pháp dạy học mới. Từ khi triển khai thí điểm đến nay đã gần 7 năm nhưng chưa được tổng kết đánh giá một cách khoa học, rộng rãi nên nhiều phụ huynh chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa, nhất là tính ưu việt của chương trình. Bên cạnh đó, những thông tin trái chiều từ các trang mạng không chính thống đã làm một số phụ huynh hiểu sai về chương trình VNEN nên dẫn đến tình trạng không ủng hộ hoặc phản đối quyết liệt. Như vậy, nhiều vấn đề rất cần được ngành GD-ĐT tính đến nếu muốn triển khai đại trà chương trình VNEN.

  • Từ khóa
86290

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu