Thứ 5, 25/04/2024 01:30:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:03, 25/10/2019 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY ĐỔI TÊN HUYỆN BÌNH LONG THÀNH HỚN QUẢN

Từ an sinh xã hội hướng đến giảm nghèo bền vững

Thứ 6, 25/10/2019 | 07:03:00 298 lượt xem
BP - Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, 10 năm qua, huyện Hớn Quản luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến những người yếu thế trong xã hội, hộ nghèo dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Huyện Hớn Quản hiện có 24.649 người thụ hưởng chính sách (10.461 người có công và thân nhân cùng 14.188 người thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội). Ông Hà Quang Thịnh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho biết: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Cụ thể, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời, tận tay chế độ đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội hằng năm hơn 14 tỷ đồng và các khoản trợ cấp ưu đãi một lần, trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo, trợ cấp điều dưỡng tại gia đình, trợ cấp mua thẻ bảo hiểm y tế, thăm viếng mộ liệt sĩ...

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Hớn Quản thăm hỏi, động viên người cao tuổi

Ngành LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp tổ chức xây dựng 1.025 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở; xây dựng 48 căn và sửa chữa 99 căn nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, người có công. Trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang, bà Thị Chúc, con liệt sĩ, trước đây thuộc diện hộ nghèo ở ấp Tranh 1, xã Phước An phấn khởi: Được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ nên gia đình có được căn nhà mới kiên cố, lại được tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt, tôi rất vui. 2 năm qua, gia đình không còn phải lo lắng mỗi khi mưa gió như trước.

Trên cơ sở rà soát hằng năm về số lượng, tình trạng hộ nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội... của các xã, thị trấn, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp Bảo hiểm xã hội huyện cấp 41.645 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thăm hỏi dịp lễ, tết, khám chữa bệnh miễn phí, tặng xe lăn cho người khuyết tật và chi trả theo chế độ hỗ trợ giáp hạt, chăm sóc người khuyết tật... “Đối với địa bàn có nhiều đối tượng thụ hưởng không có khả năng đi lại, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn giao cán bộ, công chức văn hóa - xã hội trực tiếp thực hiện chi trợ giúp theo tình hình thực tế” - ông Hà Quang Thịnh nói.

Song song với làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được huyện Hớn Quản chú trọng triển khai đồng bộ. Trong đó, việc tư vấn, tổ chức lồng ghép đào tạo nghề phù hợp để giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài địa bàn là giải pháp đột phá của huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tạo việc làm cho 12.766 lao động, đạt hơn 85% nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Huyện còn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Để hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, Hớn Quản hỗ trợ và tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, người lao động vay vốn ngân hàng. Theo thống kê, tổng dư nợ cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi trên 20 tỷ đồng; học sinh, sinh viên vay vốn phục vụ học tập với dư nợ gần 12,5 tỷ đồng và người lao động vay vốn giải quyết việc làm mỗi năm trên 3 tỷ đồng. Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi từ chính sách phát triển sản xuất, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Huyện còn thực hiện thí điểm mô hình “Nuôi bò sinh sản” giảm nghèo cho 12 hộ tại xã An Khương với kinh phí 500 triệu đồng để nhân rộng ra toàn huyện.

Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, hướng đến thoát nghèo bền vững nên những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hớn Quản không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể (từ 5,25% năm 2016 còn dưới 2,47% cuối năm 2018). Ông Hà Quang Thịnh cho biết: Hớn Quản là huyện thuần nông, có hơn 20% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, giá các mặt hàng nông - lâm sản của địa phương giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Để giải quyết khó khăn này, cần có những giải pháp cụ thể về sinh kế trong việc giảm nghèo, nhất là với hộ dân tộc thiểu số. Do vậy, huyện luôn xác định, bảo đảm an sinh xã hội hướng đến giảm nghèo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững từ mỗi hộ dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung giải quyết, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách khuyến khích về dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, góp phần tăng thu nhập, huyện rất cần các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và xã hội hóa trong thực hiện xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.

Thanh Mảng

  • Từ khóa
44996

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu