Thứ 6, 29/03/2024 19:45:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:13, 30/05/2017 GMT+7

Học sinh ở huyện Bù Gia Mập bỏ học nhiều

Thứ 3, 30/05/2017 | 10:13:00 1,709 lượt xem
BP - Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, nhất là khi vào mùa vụ đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Bù Gia Mập đặc biệt quan tâm. Mặc dù vậy, đến nay tình trạng học sinh bỏ học, nhất là con em đồng bào DTTS vùng sâu, xa, biên giới khó khăn vẫn luôn ở mức cao.

CẢ 8 TRƯỜNG THCS ĐỀU CÓ HỌC SINH BỎ HỌC

Đầu năm học 2016-2017, toàn huyện Bù Gia Mập có 4.841 học sinh bậc THCS/8 trường, đến tháng 5-2017 giảm còn 4.680 em, giảm 161 em so với đầu năm. Trong đó, có 108 học sinh bỏ học, chiếm 2,23%, so với năm học 2015-2016 tăng 23 em. Các nguyên nhân bỏ học như hoàn cảnh gia đình khó khăn 39 em, học lực yếu 31 em, xa trường, đi lại khó khăn 16 em... Trong tổng số 8 trường THCS, thì tất cả đều có học sinh bỏ học, như THCS Bù Gia Mập 17 em, THCS Đắk Ơ 34 em, THCS Lý Thường Kiệt 18 em, THCS Đa Kia 13 em...

Trường THCS Đắk Ơ nhiều năm qua là “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học. Ảnh: Học sinh Trường THCS Đắk Ơ sau giờ tan trường năm học 2016-2017

Trường THCS Đắk Ơ (xã Đắk Ơ) đầu năm học 2016-2017 có 1.315 em/38 lớp, trong đó 32,5% là học sinh DTTS. Đây cũng là trường có số học sinh bỏ học cao và tăng theo hằng năm. Cụ thể, năm học 2014-2015 có 22 em bỏ học, năm học 2015-2016 có 33 em bỏ học và đến tháng 3 năm học 2016-2017 có 38 em bỏ học. Hiệu trưởng Mai Văn Khánh cho rằng, ngoài các lý do học sinh bỏ học như hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số em học lực yếu tiếp thu kiến thức chậm, phụ huynh không quan tâm thì nhà ở xa trường, giao thông đi lại khó khăn cũng là yếu tố tác động không nhỏ. Thôn 10 (thuộc Tiểu khu 42) và thôn Bù Ca, xã Đắk Ơ cách trường từ 15-20km, đường đất lầy lội vào mùa mưa, bụi vào mùa khô, thầy cô đến nhà vận động các em ra lớp phải vất vả cả ngày nói gì đến học sinh đi học. Mặt khác, học sinh ở các khu vực này phần lớn là con em đồng bào S’tiêng và con em các hộ dân miền Tây mới di cư đến với điều kiện kinh tế khó khăn nên thường bỏ học phụ cha mẹ làm rẫy, mót điều.

Đầu năm học 2016-2017, Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Phú Văn) có 670 học sinh/19 lớp, trong đó 40,2% học sinh DTTS, đến cuối năm học trường còn 152 em DTTS, giảm 18 em do bỏ học. Hiệu phó trường Trần Văn Lộc cho biết, bỏ học phần lớn là học sinh DTTS nghèo và thường tập trung vào mùa thu hoạch điều. Nhiều em là lao động chính trong gia đình, vì thế đến mùa vụ, các em phụ cha mẹ lượm điều, dọn rẫy nên quên cả việc học. Trên địa bàn xã có 2 thôn đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn là Đắk Son và Đắk Khâu với trên 250 học sinh bậc THCS theo học nhưng nhà cách xa trường 10km nên khi bỏ học rất khó vận động các em trở lại lớp.

Cần có giải pháp căn cơ

Những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn huyện Bù Gia Mập trở thành “điểm nóng”, nhất là ở khu vực có đông con em đồng bào DTTS, vùng sâu, xa, vùng biên giới khó khăn. Vì vậy, việc duy trì, ổn định sĩ số học sinh trở thành việc làm thường xuyên, liên tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ sở giáo dục chú trọng. Ngay trong dịp hè và đầu năm học hằng năm, huyện đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, vận động học sinh bỏ học trở lại trường; thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Các giải pháp được thực hiện thường xuyên như điều tra, nắm chắc số lượng học sinh chuẩn bị ra lớp, học sinh bỏ học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa trường, học lực yếu kém. Các xã thành lập ban vận động học sinh, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội đến tận nhà dân tuyên truyền vận động các em ra lớp. Nhà trường phối hợp với các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện nhiều chính sách như miễn giảm các khoản đóng góp, trao học bổng, sổ tiết kiệm, tặng cặp, sách, vở, quần áo, gạo, xe đạp, nhà tình thương, hỗ trợ vé xe đưa rước, phụ đạo học sinh yếu kém... với tổng kinh phí hàng chục triệu đồng/năm/trường. Năm học 2016-2017, Trường THCS Đắk Ơ đã có chuyên đề “Tăng cường công tác chủ nhiệm làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học”, trong đó đề cập đến thực trạng, nguyên nhân học sinh bỏ học và giải pháp thực hiện. Chuyên đề được phổ biến đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, ban đại diện cha mẹ học sinh để cùng phối hợp thực hiện.

Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, các trường THCS Đắk Ơ, THCS Lý Thường Kiệt đề nghị được đầu tư xây dựng 1 điểm trường dành cho học sinh cấp 1-2 ở thôn 10 (Đắk Ơ) và thôn Đắk Son (Phú Văn). Nếu được thực hiện sẽ là một giải pháp tối ưu để huy động phần lớn học sinh ra lớp, giảm tình trạng bỏ học. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có đơn vị thực hiện giải pháp này và có hiệu quả tức thì. Điểm trường Tà Thiết, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) được xây dựng năm 2002 với 6 phòng học, phục vụ con em đồng bào Khơme, S’tiêng bậc tiểu học. Do học sinh bậc THCS đi học xa (9km), bỏ học nhiều nên từ đầu năm học 2016-2017, điểm trường còn mở thêm 1 lớp 6 và sang năm học 2017-2018 có thêm lớp 7. Từ khi được học gần nhà, học sinh khối 6 ở ấp Tà Thiết chỉ còn 1 em bỏ học do theo cha mẹ sang Campuchia làm ăn. Ngoài cấp 1-2, điểm trường Tà Thiết còn có 1 lớp mầm non theo học từ nhiều năm trước.

Ông Phan Tấn Lãm, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết: Hiện phòng đã nhận được tờ trình xin xây dựng điểm trường cấp 1-2 tại thôn Đắk Son của Trường THCS Lý Thường Kiệt, còn Trường THCS Đắk Ơ thì chưa. Chúng tôi sẽ làm tờ trình tham mưu UBND huyện xây dựng các điểm trường trong thời gian tới.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
86943

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu