Thứ 6, 26/04/2024 14:19:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:33, 09/02/2016 GMT+7

Gương sáng già làng Điểu Gô

Thứ 3, 09/02/2016 | 14:33:00 176 lượt xem
BP - “Nhận xét về già Gô ư? Biết nói thế nào cho hay nhỉ? Thôi tùy, nhà báo nói gì thì nói, miễn sao cho hay, cho đúng là được” - ông Dương Văn Thường, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu (Bù Đăng) chân tình khi trao đổi với chúng tôi về gương điển hình già làng Điểu Gô. Ông không chỉ là tấm gương về học và làm theo Bác mà còn là một nông dân sản xuất giỏi, một cựu chiến binh hết lòng vì đồng đội. Đáng quý nhất ở ông chính là ý thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng.

Già làng Điểu Gô hướng dẫn cho các cháu tập đánh cồng chiêng

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bù Đăng, 18 tuổi (1968), ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu trên chiến trường Bù Đăng. Hòa bình, ông trở về sinh sống tại xã Thống Nhất và làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất lúa Nghĩa Thọ. Khi Thống Nhất chia tách thành 2 xã Thống Nhất và Đức Liễu, ông được tín nhiệm bầu làm già làng cho đến nay. Ông vinh dự được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tôn vinh “Tấm lòng nhân đạo, tấm lòng vàng” và Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng 10 chữ vàng danh dự “Trọn nghĩa với nước non/ Sắt son tình đồng đội” vì những cống hiến của bản thân cho xã hội.

Gìn giữ cho đời sau

Khi biết ông đang duy trì luyện tập cho đội cồng chiêng của thôn và là người biết rất nhiều loại nhạc cụ cũng như những làn điệu dân ca của người S’tiêng, tôi rất ngạc nhiên. “Già có thể cho thưởng thức tiếng cồng chiêng của đội được không”? Không chần chừ, già làng đưa chúng tôi ra sân nhà văn hóa, chỉ 15 phút sau đã có gần chục “nghệ nhân” cả nam và nữ thuộc nhiều thế hệ, trong đó có người tóc đã bạc phơ kéo đến cùng “hòa âm phối khí”. Bộ chiêng chung của đội chỉ có 6 chiếc nhưng vẫn bảo đảm chất lượng âm thanh. Đã nhiều lần được nghe cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống do đồng bào S’tiêng biểu diễn nhưng đây là lần đầu tiên, chúng tôi được thưởng thức âm thanh của dàn đồng la (chiêng không núm). Tiếng chiêng vang lên, lúc trầm hùng, lúc rộn rã, như cuốn người nghe vào không gian rừng núi.

Già làng Điểu Gô cho biết: “Mỗi bài chiêng có rất nhiều bè, âm vực khác nhau. Mỗi cá nhân dùng một cái chiêng, chiêng có bao nhiêu chiếc thì có bấy nhiêu người đánh. Nhưng yêu cầu bắt buộc là nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng phải nhớ rõ tiết tấu và kết hợp hài hòa khi biểu diễn”.

Ông Điểu An, thành viên đội cồng chiêng trăn trở: “Ngày trước mỗi nhà ít nhất cũng có một bộ chiêng, nhà giàu thì vài bộ. Sau này, họ bán hết. Bây giờ cồng chiêng chỉ thấy biểu diễn khi có lễ hội do nhà nước, chính quyền tổ chức! Do vậy, tôi phải tích cực luyện tập để sau này truyền dạy cho con, cháu”. “Thanh niên S’tiêng bây giờ cũng có người đánh được chiêng nhưng không muốn học mà chỉ thích hát nhạc trẻ. Nếu tình trạng này diễn ra, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình sẽ bị mai một. Mình muốn dạy cho mọi người đánh cồng chiêng là để làm gương cho con cháu biết giữ cái hồn, cái nhịp của chiêng. Do duy trì luyện tập đều đặn, nhiều thanh niên S’tiêng trong thôn đã bỏ dần chơi bời, nhậu nhẹt, đến nhà văn hóa xem biểu diễn và học đánh cồng chiêng” - già Gô bộc bạch.

Ngoài dạy đánh cồng chiêng, già làng Điểu Gô còn lưu giữ những bản nhạc, làn điệu dân ca, điệu múa của đồng bào S’tiêng. Dịp này, chúng tôi còn được nghe tiếng khèn bầu và sáo của đồng bào S’tiêng do chính già Điểu Gô biểu diễn. Già Gô thổ lộ: Khèn bầu và sáo là hai nhạc cụ đã gắn bó lâu đời với người S’tiêng. Khèn và sáo chỉ cất lên khi có sự kiện trọng đại trong gia đình. Tiếng khèn, tiếng sáo còn là lời mời người lớn tuổi vào nhà, mừng con cháu đến nhà... ăn uống, vui chơi. Tiếng khèn, sáo kết hợp với tiếng cồng chiêng là lời mời gọi đồng bào trong phum, sóc tới nhà mình chơi khi có việc vui trong nhà như sinh con, đám cưới...

Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng

Không chỉ truyền dạy biểu diễn cồng chiêng, già làng Điểu Gô còn là người đam mê sưu tầm các loại tố, ché của đồng bào S’tiêng. Già Điểu Gô đang lưu giữ khoảng 50 chiếc tố các loại, trong đó có nhiều chiếc cổ cực kỳ quý hiếm. Già cho biết: Tố có rất nhiều loại, được phân biệt bằng hình dáng, hoa văn họa tiết trên thân. Loại tố lớn nhất và cực hiếm gọi là ché rùng. Gia đình đang lưu giữ 3 cái, chiếc lớn nhất nặng khoảng 70-80kg. Loại này có miệng thấp, số tai chẵn và nhỏ, thường có 6 tai, hoa văn đơn giản và màu nâu sẫm. Rượu cái được ủ từ men lá rừng để trong ché rùng có mùi vị rất thơm và ngon. Loại tố này chỉ đưa ra sử dụng khi có lễ hội lớn của đồng bào mình vì một ché rượu cần này phải cả trăm người uống.

Kế đến là xà lung, loại tố này gần giống ché rùng nhưng nhỏ hơn, được dùng làm lễ vật “trả của” trong đám cưới. Trước đây, trong đám cưới của người S’tiêng ở Bù Đăng không thể thiếu xà lung, bởi theo phong tục, trai S’tiêng muốn lấy được vợ thì việc đầu tiên là phải sắm xà lung. Xà lung được xem như tài sản chàng trai trả công cho nhà gái đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu. Trong ngày cưới, nhà trai khiêng xà lung sang trước trao cho nhà gái, sau đó mới được rước dâu về. Đối với đám tang, người S’tiêng thường đập vỡ xà lung trên mộ như một cách chia của cho người đã chết. Hiện xà lung không còn nhiều và chỉ những gia đình giàu có mới giữ lại phong tục này, vì loại tố này hiện rất hiếm và giá thành cao (khoảng 30 triệu đồng/cái). Sau ché rùng, xà lung là tố giót, tố vàng, tố rồng. Riêng tố rồng có cổ cao, màu sắc bắt mắt, hoa văn trang trí cầu kỳ với những con rồng uốn lượn quanh thân tố. Loại tố này chỉ làm vật trang trí, ít đem ra đựng rượu, vì men rượu ủ trong tố uống nhạt hơn và không ngon bằng ché rùng.

“Mình có rẫy, có lúa, có trâu bò nên có điều kiện để mua lại. Gia đình đã bỏ ra rất nhiều tiền và công sức để mua số tố này ở khắp nơi đồng bào S’tiêng sinh sống, như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, Phú Riềng và Hớn Quản. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi biết trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Đã có rất nhiều người muốn mua và họ trả giá rất cao nhưng mình không bán. Mình muốn giữ lại những chiếc tố này để nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng giá trị văn hóa đặc trưng của người S’tiêng!” - già làng Điểu Gô chia sẻ.

Một người vì mọi người

Không riêng đồng bào S’tiêng ở Đức Liễu mà các xã lân cận, như Nghĩa Bình, Thống Nhất, Bình Minh của huyện Bù Đăng cũng biết đến già làng Điểu Gô. Bởi ông không chỉ lưu giữ và truyền dạy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào mà còn là tấm gương sản xuất giỏi và hết lòng vì mọi người. Hiện gia đình già làng có 10 ha đất, trong đó 5 ha cao su, 3 ha điều và 2 ha cà phê, có trồng xen bơ và tiêu. Năm 2015, mặc dù giá mủ cao su giảm nhưng tổng thu nhập của gia đình già vẫn đạt gần 500 triệu đồng. Già Gô cho biết: Để các loại cây trồng cho năng suất cao, mình phải tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc trên sách, báo, theo dõi chuyên mục gắn với đời sống nhà nông trên truyền hình và tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất do ngành nông nghiệp và hội nông dân tổ chức. Bản thân cũng phải tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả để học tập kinh nghiệm. Mình nhận thấy mô hình sản xuất đa cây rất hiệu quả vì giúp người dân ổn định nguồn thu.

Ông Đinh Văn Hoằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Liễu nói: “Những ai muốn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm sản xuất từ thực tế của gia đình, già làng Điểu Gô đều tận tình hướng dẫn. Nhiều lớp tập huấn có đông đồng bào S’tiêng, già Gô trực tiếp làm phiên dịch, giảng giải cho đồng bào hiểu những kiến thức mới trong phát triển sản xuất”. Còn ông Trần Văn Sỹ, Trưởng thôn 9, xã Đức Liễu cho biết: Các phong trào, cuộc vận động do trung ương và địa phương phát động, ông Điểu Gô luôn gương mẫu đi đầu. Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 9 chiếm gần 40% số dân. Trước đây, an ninh trật tự rất phức tạp do một số kẻ xấu lợi dụng gây rối. Được ông tuyên truyền, vận động, nay đồng bào đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không nghe lời kẻ xấu gây rối, yên tâm làm ăn, ổn định đời sống nên tình hình kinh tế - xã hội ở đây đang ngày càng khởi sắc. 5 năm qua (2011-2015), già làng Điểu Gô đã giúp hội viên cựu chiến binh vay không lãi 120 triệu đồng và ủng hộ hoạt động từ thiện 21 triệu đồng. Với đồng bào S’tiêng khó khăn trên địa bàn, ông hỗ trợ không hoàn lại các gia đình khó khăn 2 con trâu để phát triển sản xuất, cho vay không lãi 65 triệu đồng, hỗ trợ 500kg gạo ăn tết...

Hỏi về mong muốn của già khi năm mới cận kề, già Gô cười hóm hỉnh và nói: “Mình chỉ mong đồng bào đừng vì lợi ích trước mắt mà làm mất bản sắc của dân tộc, đồng thời chí thú làm ăn để vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước”. Đây không chỉ là suy nghĩ riêng của già làng Điểu Gô mà còn là mong muốn chung của những người S’tiêng yêu thích bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Lâm Phương

  • Từ khóa
53498

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu