Thứ 6, 29/03/2024 06:40:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 11:17, 28/01/2016 GMT+7

Gian nan dạy - học tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số - Bài 1

Thứ 5, 28/01/2016 | 11:17:00 648 lượt xem
BP - Bình Phước là tỉnh trung du miền núi, với 41 thành phần dân tộc, trong đó có khoảng 20% là đồng bào dân tộc thiểu số. Dân cư không tập trung, nhất là ở vùng sâu, xa, biên giới, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học tiếng Việt. Vì trò phải học tiếng Việt, thầy phải học tiếng dân tộc thiểu số từ các em để lên lớp... Từ đó, có biết bao câu chuyện “cười ra nước mắt” và đặt ra những vấn đề rất căn bản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với ngành giáo dục.

Rào cản trong dạy và học tiếng Việt

Dạy và học tiếng Việt đối với học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là việc rất vất vả đối với cả thầy và trò ở vùng đồng bào DTTS. Vì thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường có học sinh yếu, kém và cũng là lý do dẫn đến phổ cập giáo dục tại Bình Phước gặp nhiều khó khăn, nhất là bậc mầm non và tiểu học.

Các cháu tại điểm lẻ thôn 2, Trường mầm non Hoa Lan trong lớp học

Trở ngại từ thói quen

Là nơi có nhiều đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống nên Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đồng Nai (Bù Đăng) có trên 40% học sinh DTTS. Vì vậy, việc truyền đạt tiếng Việt cho trẻ gặp nhiều trở ngại. Cô Đào Thị Thu, Phó hiệu trưởng của trường kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của những người không biết chữ, không biết phép nhân, chia, cộng, trừ ở nơi cô sinh sống. Khi gặp đồng bào đi bán hạt điều, cô thường hỏi: “Năm nay nhà cô, chú... được bao nhiêu bao điều?” thay vì hỏi được mấy tấn, tạ, vì họ không biết tính toán nên chỉ đóng bao, rồi nhờ người biết chữ đếm.

Trường mầm non Hoa Lan, ngoài điểm chính còn có 3 điểm lẻ ở các thôn 1, 2 và 5, trong đó 2 điểm 100% trẻ DTTS. Ở điểm lẻ thôn 2, chúng tôi ghi nhận tại đây chỉ có 8 trẻ, độ tuổi từ 1-5. Cô Nông Thị Dương Tiểu, giáo viên phụ trách điểm lẻ cho biết, sĩ số lớp có 16 em nhưng do sát bên là điểm lẻ của Trường tiểu học Đồng Nai, học sinh vừa thi học kỳ xong được nghỉ nên trẻ ở đây cũng tự ý nghỉ theo. Thấy người lạ, các cháu tỏ vẻ nhút nhát và không muốn nói chuyện. Thị Lan 4 tuổi, được cô Tiểu nhận xét là lanh lợi, ngoan nhất lớp nhưng khi tôi hỏi tên và trò chuyện, cháu không trả lời mà chỉ cắn móng tay.

Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc cho trẻ làm quen và học tiếng Việt. Ở các điểm trường đông trẻ DTTS, ban giám hiệu luôn khuyến khích phụ huynh sử dụng tiếng Việt hằng ngày để con trẻ rèn luyện nhiều hơn nhưng phương pháp này không hiệu quả. Anh Điểu Thọ (30 tuổi), có con đang học lớp lá tại Trường mầm non Hoa Lan cho biết: “Ở nhà, chúng tôi không muốn con nói tiếng Việt, vì sợ nó quên tiếng dân tộc. Ở trường, chúng nói vậy là đủ rồi. Chỉ cần các cháu biết nói để giao tiếp là được”.

Trẻ em DTTS vốn đã quen môi trường giao tiếp bằng tiếng “mẹ đẻ”. Điều kiện ở vùng sâu, xa, đường đi khó khăn, chủ yếu là người DTTS sống tập trung nên trẻ ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt. Do đó, đến tuổi đi học mầm non, việc tiếp cận tiếng Việt đối với trẻ trở nên khó khăn. Để trẻ em DTTS có thể sử dụng tiếng Việt thuần thục là cả một quá trình của nhà trường với nhiều biện pháp, hình thức cụ thể.

Ra lớp không đúng độ tuổi

Một trong những trở ngại trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ là các em đi học không đúng độ tuổi. Trường hợp này hầu hết rơi vào những điểm lẻ ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Có nơi, trẻ lên 5 tuổi phụ huynh mới cho con đi học.

Tại điểm lẻ lớp lá ở ấp Tranh 3, Trường mầm non Quang Minh (Chơn Thành), giáo viên không khỏi “đau đầu” về việc đi học không đúng độ tuổi của trẻ. Điểm lẻ gồm 15 học sinh nhưng có tới 6 trẻ 5 tuổi mới bắt đầu ra lớp học. Điểu Nhật năm nay 5 tuổi nhưng tháng 9-2015 mới ra lớp mầm non. Gia đình Nhật có 4 anh chị em, thường ngày em theo cha mẹ đi làm thuê khắp nơi. Khi gần bước vào bậc tiểu học, được cô giáo vận động, cha mẹ mới cho em đi học. 5 tuổi nhưng Nhật cũng không khác gì đứa trẻ mới 3 tuổi, chưa biết được mặt chữ số.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Trường mầm non Thuận Lợi (Đồng Phú) cũng cho biết: “Nhiều gia đình cho trẻ đi học trễ, không theo kịp các bạn nhưng cứ đến kỳ thu học phí là họ lại cho con nghỉ, dù trường đã hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều như: Phụ huynh có bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, trường vẫn đồng ý thu và có thể kéo dài hết năm học, thậm chí còn cho khất đến năm sau nhưng vẫn rất nhiều phụ huynh không cho con đi học, dẫn đến gần vào lớp 1 trẻ mới được đến trường”.

Cô Võ Thị Mùi, dạy ở điểm Tranh 3, Trường mầm non Quang Minh cho biết: Việc ra lớp trễ không chỉ thiệt thòi cho trẻ mà còn ảnh hưởng đến trẻ khác, vì các cô phải dành nhiều thời gian để truyền đạt, giúp các cháu có thể theo kịp bạn trong lớp.

Theo giáo viên dạy ở các điểm lẻ DTTS, nếu trẻ đi học đúng độ tuổi (3 tuổi) thì khi vào lớp 1 các cháu có thể nói sõi tiếng Việt, thuận lợi tiếp nhận kiến thức, giúp trẻ có nền tảng để học tập tốt hơn.

Thiếu giáo viên “song ngữ”

Hầu hết điểm lẻ của các trường đều không có giáo viên biết tiếng DTTS. Kinh phí hỗ trợ giáo viên cũng như đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ giảng dạy chưa đáp ứng nhu cầu. Bởi các điểm lẻ thường là cơ sở tạm, mượn. Giáo viên chủ yếu là người Kinh và không được đào tạo tiếng DTTS.

Để hạn chế những rào cản, các trường đã tự linh động tìm giải pháp giúp giáo viên có thể biết tiếng dân tộc. Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đồng Nai, hiện có một hiệu phó phụ trách bán trú và một nhân viên y tế là người S’tiêng nên 4 năm qua, trường tự mở lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dịp cuối tuần. Qua đó, giáo viên biết một số từ thông dụng, có thể hỗ trợ trong quá trình truyền đạt tiếng Việt cho học sinh, nhất là ở nhóm nhà trẻ.

Những trường không có giáo viên DTTS như mầm non Quang Minh (Chơn Thành), Ban giám hiệu đã nhờ người dân biết tiếng Việt hỗ trợ khi giáo viên nói nhưng học sinh chậm hiểu. Ngay bên cạnh điểm lẻ lớp lá của Trường mầm non Quang Minh, có một chị trước đây là cán bộ xã. Hằng ngày, hễ gặp khó khăn, giáo viên lại nhờ chị qua lớp để truyền đạt lại ý của giáo viên bằng tiếng dân tộc cho các em hiểu.

Với các điểm lẻ có đông học sinh DTTS như điểm ấp Thuận Tiến, Trường mầm non Thuận Phú (Đồng Phú) có chủ trương để giáo viên dạy lâu năm, sống gần gũi với đồng bào phụ trách lớp học này. Cô Đinh Thị Luận Hiền, Hiệu trưởng trường cho biết: “Đây là biện pháp trường duy trì nhiều năm nay để hạn chế khó khăn trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ người DTTS nhưng cũng chỉ là tạm thời và hiệu quả không cao”.

Để học sinh DTTS có thể sử dụng tiếng Việt trong quá trình học ở lớp là công việc rất nan giải, nhất là nhóm tuổi nhà trẻ. Vận động phụ huynh cho học sinh đến lớp đã khó nhưng để duy trì việc trẻ đi học chuyên cần lại càng khó hơn. Học tiếng Việt đối với trẻ DTTS cũng giống như học ngoại ngữ, nếu không được tiếp cận liên tục và ôn luyện sẽ rất khó sử dụng phổ biến.

    Cô Đào Thị Thu, Hiệu phó Trường mầm non Hoa Lan

Hải Yến

  • Từ khóa
85705

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu