Thứ 7, 04/05/2024 06:00:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:15, 18/12/2016 GMT+7

Giá cao su tăng làm ấm lòng nhà vườn và doanh nghiệp

Chủ nhật, 18/12/2016 | 06:15:00 480 lượt xem
BP - Sau 3 năm lao dốc, giá mủ cao su đã tăng nhẹ vào quý 2/2016 và dần phục hồi từ tháng 9-2016. Giá cao su ấm dần lên là niềm vui cho nhà vườn và công nhân cao su với hy vọng tết này sẽ có thưởng...

Giá cao su đang hồi phục làm ấm lòng nhà vườn và doanh nghiệpGiá cao su đang hồi phục làm ấm lòng nhà vườn và doanh nghiệp

NHÀ VƯỜN PHẤN KHỞI

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé (65 tuổi), khu phố Ninh Thành, thị trấn Lộc Ninh (Lộc Ninh) chỉ có 4 sào đất dưỡng già. Năm 2010, giá cao su tăng cao nên ông bà chuyển đổi vườn tạp để trồng 200 cây cao su. Thời điểm giá mủ thấp nhưng ông Bé vẫn thuê thợ giỏi mở miệng cạo. Những tháng đầu khai thác giá bán mủ chỉ đủ trả tiền công. Nhưng từ tháng 9 đến nay, trừ chi phí ông Bé đã thu lãi 1 triệu đồng. Ông Bé vui vẻ: Có cao su vẫn yên tâm hơn là để vườn tạp nhiều loại cây nhưng không thu được gì.

500 cây cao su 10 năm của thương binh Đoàn Văn Dạo (70 tuổi), khu phố Ninh Thành không được đồng đều do trước đây trồng xen trong vườn điều. 2 tháng nay, giá mủ ấm lên trừ chi phí cũng thu lãi 4 triệu đồng. Ông Dạo cho biết, 30 năm gắn bó với mảnh đất này gia đình ông đã chuyển đổi cây trồng từ vườn tạp qua hồ tiêu, điều nhưng chỉ với cây cao su là yên tâm.

Giá cao su phục hồi đem đến niềm vui lớn cho những trang trại cao su được đầu tư trong giá mủ thời hoàng kim (2008-2013). Ông Hoàng Văn Cư ở ấp 5, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) có 16 ha cao su chia sẻ: Năm 2008, người dân hồ hởi mua đất trồng cao su đã thổi giá đất cao gấp 2-3 lần. 6 năm bỏ tiền đầu tư chăm sóc đến thời điểm cao su mở miệng cạo thì giá mủ “rơi” tự do. Vườn cây năm thứ nhất nếu đầu tư bài bản cũng chỉ cho năng suất 0,7-0,8 tấn/ha nhưng  nhà vườn “đau đầu” với bài toán thuê thợ giỏi mở miệng cạo, đầu tư trang thiết bị. Do đó, dù phải tốn thêm tiền thuê người trông vườn nhưng đa phần trang trại cao su có diện tích 8 ha trở lên không thu hoạch mủ mà chủ vườn đều cắt giảm phân bón, suất đầu tư và “án binh bất động” chờ giá mủ tăng. Năm 2015, không đợi được giá mủ ấm lên, nhà vườn buộc phải mở miệng cạo để cao su nở thân cây, bỏ tiền tỷ đầu tư nhưng bán mủ giá thấp chỉ đủ trả tiền công.

Quý 4, thời điểm sản lượng mủ cao su chiếm 40-45% tổng sản lượng cả năm. Giá tăng làm ấm lòng nhà vườn và doanh nghiệp sau gần 3 năm cầm cự giữ vườn khi giá mủ chạm đáy. Từ tháng 9, giá mủ bán tại vườn dao động 280-285 đồng/độ. Qua tháng 10, giá bán mủ tại vườn tăng lên 340 đồng/độ. Theo tính toán của người trồng cao su, với mức giá như hiện nay, cao su 10-15 năm, trừ chi phí công nhân cạo mủ, phân bón nhà vườn thu lãi khoảng 6 triệu đồng/ha. Trang trại 16 ha cao su của ông Cư trong tháng 10 tổng doanh thu đạt 90 triệu đồng. 

Một thuận lợi của cao su tiểu điền và doanh nghiệp cao su tư nhân là trong những năm gần đây, các công ty cao su của doanh nghiệp nhà nước thu mua mủ cao su tư nhân. Theo đó, giá mủ được các công ty niêm yết hằng ngày trên trang website nên không còn tình trạng tư thương ép giá, kể cả ở các khu vực vùng sâu, xa, biên giới. Giá dao động chênh lệch khoảng 5 đồng/độ.

CÔNG NHÂN CAO SU SẼ CÓ THƯỞNG

Quý 4/2015, giá mủ cao su chạm đáy, nhà vườn chỉ bán được 190 đồng/độ. Trái với quy luật thị trường quý 1, cao su rụng lá nghỉ thu hoạch nhưng giá mủ vẫn không “sáng”. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) dự báo năm 2016 sẽ khó khăn hơn 2015. Theo đó, VRG chỉ đạo các công ty thành viên trồng, chế biến cao su phải tiếp tục giảm suất đầu tư, giảm giá thành từ 30 triệu đồng/tấn (năm 2015) xuống còn 25 triệu đồng/tấn, giá bán bình quân 26 triệu đồng/tấn.

Theo chỉ đạo của VRG, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát giảm suất đầu tư bình quân hơn 70 triệu đồng/ha xuống còn hơn 50 triệu đồng/ha. Nhiều công ty thí điểm chuyển cạo D4 sang D5 để giảm nhân công, đồng thời giảm thuê bảo vệ hợp đồng thời vụ.

Một khó khăn của ngành cao su năm 2016 là ảnh hưởng hạn hán khắc nghiệt nên mùa thu hoạch mủ chậm 1 tháng nhưng đến tháng 6 giá mủ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Bài toán tiền lương công nhân ngày càng khó giải với công ty cao su. Giá mủ ấm lên trong thời điểm cao su cho mủ nhiều nhất là động lực cho cả doanh nghiệp và công nhân hưởng ứng phong trào thi đua nước rút vượt sản lượng, về trước kế hoạch năm.

Trên địa bàn tỉnh đã có Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng hoàn thành chỉ tiêu sản lượng trước ngày 31-12. Công nhân “rủng rỉnh” túi tiền nhờ lương tăng theo giá mủ và hy vọng sẽ có lương tháng 13 để ăn tết như trước đây.

Với 240.000 ha cao su, giá mủ thấp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người trồng cao su, công nhân, doanh nghiệp mà còn khiến hàng chục ngàn người làm thuê không có việc làm khi trang trại, nhà vườn không muốn đầu tư, chăm sóc vườn cây; chợ búa, tiểu thương buôn bán cũng lao đao. Giá mủ ấm lên thị trường bắt đầu khởi sắc hứa hẹn tết Nguyên đán 2017 vui tươi, đủ đầy.

Giá mủ tăng nhà vườn vẫn cần có chế độ khai thác hợp lý để bảo vệ và duy trì sản lượng vườn cây ổn định. Bởi trong những năm giá mủ tăng cao, đa phần cao su tư nhân áp dụng chế độ cạo D2 (2 ngày cạo 1 lần) để tận thu ép cây cao su. Khi giá giảm nhiều nông dân vẫn duy trì chế độ cạo D2, trong khi các doanh nghiệp chuyển cạo D3 qua D4 ở tất cả vườn cây nhóm 1 và nhóm 2, nhằm tăng năng suất lao động cho công nhân, giảm chi phí sản xuất, giá thành và tăng tuổi thọ vườn cây.

Phương Hà  

  • Từ khóa
40938

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu