Thứ 6, 26/04/2024 09:31:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:25, 19/06/2014 GMT+7

Người giúp việc nhà sẽ có lương hưu - Khó thành hiện thực

Thứ 5, 19/06/2014 | 08:25:00 211 lượt xem
BP - Nghị định số 27/2014/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để lao động là người giúp việc trong gia đình được đối xử bình đẳng, được hưởng những quyền lợi chính đáng, như: Lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ lễ, tết... Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25-5-2014. Tuy nhiên, nhiều người trong cuộc không quan tâm!

Xin mời đi chỗ khác!

Sau ngày 25-5-2014, trong vai người xin giúp việc nhà. Chúng tôi được chị H ở phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài) nói thẳng các “điều, khoản”: “Gia đình tôi có quán bán bánh lọc, bánh nậm, bánh ướt và một số loại bánh của người Huế, kể cả giò chả. Tất cả đều tự làm nên cần khoảng 3 người giúp việc thường xuyên. Khoảng 5 giờ sáng đến làm, gia đình bao cơm, tối tự lo chỗ ngủ. Lương 3,5 triệu đồng/tháng. Tháng làm việc đầu tiên sẽ giữ lại 50% lương vì việc này cần “đào tạo” rành nghề. Tôi không muốn mất công chỉ bảo đến khi làm được lại bỏ ngang”.

Nhiều người giúp việc không muốn những ràng buộc trong nghị định ảnh hưởng đến “cần câu cơm” của mình (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Sau khi thỏa thuận thêm về giờ giấc làm việc, chúng tôi đồng ý các yêu cầu chị H đặt ra và thống nhất ngày đi làm. Tôi hỏi chị H khi nào sẽ ký hợp đồng lao động. Chị H nói ngay: “Thôi khỏi, đến làm đi… Mấy người đang làm ở nhà tôi cũng là họ hàng cả, không cần phải ký hợp đồng”.

Vào một số quán ăn có đề bảng “cần người giúp việc”, chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Khi đề cập đến chuyện ký hợp đồng lao động, mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì chị Vân, chủ quán phở Hà Nội ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập), nói: “Tôi là chủ mà còn chưa bao giờ mua các loại bảo hiểm cho mình, tiền đâu mua cho người giúp việc”.

Người giúp việc cũng không quan tâm

Nghị định số 27 có hiệu lực thi hành hơn nửa tháng nay. Tuy nhiên nhiều người giúp việc vẫn chưa biết hoặc có biết nhưng cho qua. Bà Trần Thị Ngọc (45 tuổi, giúp việc ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) nói: “Tôi giúp việc cho ông bà chủ gần 10 năm nay. Lương tháng ông bà trả đủ, ốm đau được đưa đi khám bệnh và nghỉ ngơi, đối xử như người trong nhà. Tôi không muốn bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động, quan trọng nhất với người giúp việc nhà như chúng tôi là gặp được chủ nhà dễ tính, vui vẻ, chứ hợp đồng bảo hiểm y tế tôi không quan tâm. Hơn nữa, tôi lớn tuổi, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới có lương hưu. Biết đến lúc đó tôi còn sức để làm hay không mà đóng bảo hiểm xã hội”.

Nghị định số 27 trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người giúp việc nhưng bà Hoàng Thị Lan (51 tuổi ở ấp 1B, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) vẫn thờ ơ: “Từ ngày vào làm, tôi được chủ nhà mua bảo hiểm y tế và đưa đi khám sức khỏe định kỳ cùng mọi người trong gia đình. Tôi làm việc hết trách nhiệm như ở nhà mình. 6 giờ sáng dọn dẹp, nấu cơm, trông trẻ... đến 8 giờ tối thì xong việc và nghỉ ngơi. Tôi được trả lương 3 triệu đồng/tháng, thỉnh thoảng chủ nhà mua quà, quần áo, giày dép và chở đi chơi cùng gia đình. Mỗi lần gia đình tôi ở quê có việc thì chỉ cần báo trước để chủ nhà sắp xếp người thay thế, chẳng bao giờ bị trừ lương”.

Làm việc theo giờ có “lên ngôi”?

Từ trước tới nay, chủ nhà thuê người giúp việc thường thỏa thuận miệng, không có giấy tờ, hợp đồng, công việc cụ thể. Khi xảy ra mâu thuẫn, người giúp việc thường chịu thiệt thòi. Trên thực tế, rất ít người giúp việc gia đình được mua bảo hiểm y tế, còn bảo hiểm xã hội là điều xa vời. Quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình và không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (2,7 triệu đồng/tháng) của Nghị định số 27 đang khiến nhiều chủ nhà băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Vân (phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài) nói: “Tôi bán cháo dinh dưỡng cần 2-3 người giúp việc với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Ai làm được việc và gắn bó lâu dài sẽ có lương cao hơn. Tuy nhiên, có người làm được vài tháng, vừa học việc xong lại nghỉ nên mất công “đào tạo” và phải tuyển mới.

Bà Vân nói: “Áp dụng nghị định mới, mỗi lần tuyển nhân viên tôi phải ký hợp đồng và mua bảo hiểm cho từng người. Nếu người giúp việc nghỉ ngang thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho tôi và tôi biết kiện ai? Giúp việc là người tứ xứ, không có hộ khẩu thường trú, lấy gì để ràng buộc họ, thiệt thòi vẫn là mình”.

Anh Nguyễn Văn Thủy ở thôn Tân Lực, xã Bù Nho (Bù Gia Mập) có 2 người giúp việc nhà. Anh Thủy chia sẻ: “Hiện tôi đang trả lương 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu ký hợp đồng tôi sẽ phải mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Như vậy, tôi buộc phải hạ mức lương đang trả để bù vào và chắc chắn người lao động sẽ không đồng ý. Theo nghị định này, người giúp việc được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần, được nghỉ 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, tết... cũng không hợp lý. Vì thuê người giúp việc chủ yếu muốn giúp mình công việc nhà, nay họ nghỉ nhiều sẽ gây xáo trộn cuộc sống gia đình. Như vậy, thuê lao động theo giờ sẽ tiết kiệm chi phí hơn”.

Nghị định số 27/2014/NĐ-CP là bước ngoặt lớn trong việc công nhận giúp việc gia đình là một nghề. Tuy nhiên, nhiều quy định tại nghị định còn chung chung, khó thực hiện. Để hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động là không dễ. Nhiều người giúp việc không quan tâm đến nghị định vì họ sợ tình trạng “đem con bỏ chợ” khi thiếu khâu kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định này, trong khi hàng ngày họ vẫn phải “nhìn mặt chủ mà sống”!     

Ngân Hà - Tuyết Ly

  • Từ khóa
49310

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu