Thứ 6, 26/04/2024 15:33:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:00, 14/06/2018 GMT+7

Đừng “tự nguyện” làm con rối cho kẻ xấu

Thứ 5, 14/06/2018 | 14:00:00 1,160 lượt xem
BP - Sáng 9-6-2018, Văn phòng Quốc hội đã phát thông cáo báo chí về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Dự luật Đặc khu). Thông cáo nêu rõ, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự luật Đặc khu.

>> Dân chủ và tôn trọng sự khác biệt

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất - kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Và để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ diễn ra từ cuối tháng 10 năm nay. Như vậy, dự án luật đặc biệt này sẽ có thêm khoảng 4 tháng để hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Và đây cũng không phải lần đầu tiên một dự án luật được đề nghị hoãn thông qua theo nghị trình. Trước quyết định này, các chuyên gia, người dân nhận định, việc đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Dự luật Đặc khu đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện từ các tầng lớp nhân dân của Chính phủ.

Điều đáng nói ở đây là trong những ngày Quốc hội đang bàn thảo về nội dung của Dự luật Đặc khu, thì có không ít kẻ đã lợi dụng cơ hội này và thổi lên thành đề tài nóng trong dư luận. Thậm chí có những kẻ quá khích đã đưa ra ý kiến phản đối việc xây dựng đặc khu. Chưa hết, còn có kẻ phản động nhưng núp dưới chiêu bài dân chủ đã gọi dự luật này là “đạo luật tô giới”. Và việc làm này của chúng đã ít nhiều gây hoang mang trong dư luận. Thế nhưng khi hỏi những người có ý kiến phản đối Dự luật Đặc khu rằng: Vì sao họ chưa đồng tình và đã đọc, tìm hiểu về nội dung dự luật này chưa,... thì tất cả đều lắc đầu. Vì vậy, muốn phản biện bất kể một vấn đề gì, nhất là dự luật thì trước hết phải tìm hiểu nội dung như thế nào. Một khi tiếp xúc với văn bản pháp luật thì điều cần trước hết là phải hiểu rõ bản chất những quy định của nó. Và bài viết này xin được chia sẻ cùng bạn đọc một vài điều để hiểu rõ hơn về đặc khu theo tinh thần của dự thảo luật.

Trước hết phải khẳng định rằng, đặc khu theo như dự thảo luật hoàn toàn không phải là “tô giới” như một vài người đã tung tin. Thậm chí có kẻ đã đưa ra ví dụ thế giới đã có tiền lệ là “tô giới” Hồng Kông. Đây là phần đất mà triều đình phong kiến Mãn Thanh ở Trung Quốc đã nhượng cho Vương quốc Anh với thời gian 99 năm. Và trong khoảng thời gian này, Hồng Kông đương nhiên là thuộc địa, nói đúng hơn là một phần lãnh thổ của Vương quốc Anh. Vì theo luật quốc tế, “tô giới” là một phần đất nằm trong một quốc gia có chủ quyền nhưng bị một thực thể khác quản lý.

Sở dĩ Hồng Kông được gọi là “tô giới” vì nó bị “nhượng” cho Vương quốc Anh theo Hiệp ước Nam Kinh ký ngày 29-8-1842. Theo hiệp ước này, nước Anh không hề “thuê” Hồng Kông (mà chỉ thuê Tân Giới - một trong 3 khu vực lớn nhất của Hồng Kông, trong thời hạn 99 năm, nhưng không trả tiền, theo điều ước “Mở rộng địa giới Hồng Kông” ký ngày 9-6-1898, giữa Anh quốc và triều đình Mãn Thanh). Nói chính xác hơn, nước Anh đã được triều đình Mãn Thanh cắt đất giao cho Hồng Kông. Tức là kể từ ngày được nhượng, Hồng Kông trở thành “thuộc địa” của Anh. Là thuộc địa có nghĩa người Hồng Kông phải tuân theo pháp luật của nước Anh, chịu sự đô hộ của người Anh, không liên quan gì đến Trung Quốc. Chỉ đến khi thời hạn thuê Tân Giới sắp kết thúc thì Trung Quốc mới tiến hành đàm phán để Anh trao trả chủ quyền của Hồng Kông và Cửu Long (bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông) cho Trung Quốc.

Xét dưới góc độ pháp luật thì 99 năm là thời hạn thuê đất dài nhất, chỉ sau vĩnh viễn. Đây cũng là “điểm đen” trong Dự luật Đặc khu mà các thế lực phản động, thù địch vin vào để phản đối dự luật này. Tuy nhiên, giữa tô giới 99 năm hoàn toàn khác biệt so với thời gian thuê đất 99 năm. Mà đã là thuê đất thì cho dù 10 năm hay 100 năm, 1.000 năm thì đất đó vẫn là của chủ cho thuê. Người thuê đất phải trả tiền thuê cho chủ đất. Luật Đất đai đã quy định rất rõ về hình thức thuê đất. Hơn nữa, trong dự thảo Luật Đặc khu cũng quy định rất rõ bộ máy hành chính quản lý đặc khu. Không ở đâu và không quy định nào cho thấy nhà đầu tư, hay người thuê đất có quyền bổ nhiệm, hay có quyền áp đặt luật lệ, hoặc có quyền sử dụng tiền tệ riêng của mình trên khu đất thuê.

Trong Dự luật Đặc khu cũng đã quy định rất rõ ràng về chủ quyền quốc gia. Cụ thể, tại Điều 58 về tổ chức đặc khu, có quy định như sau: Đặc khu Vân Đồn trực thuộc tỉnh Quảng Ninh; đặc khu Bắc Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa; đặc khu Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Địa giới hành chính, diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc do Quốc hội quyết định khi thành lập các đặc khu. Đặc khu có các khu hành chính được xác định theo ranh giới địa lý.

Về tổ chức chính quyền của đặc khu, Điều 59 có quy định: Chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu. Chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc tỉnh và ở phường theo quy định của pháp luật có liên quan và nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại luật này. Nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và luật này, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đặc khu.

Như vậy, dự luật đã quy định rõ nhà đầu tư nước ngoài đến đặc khu để tổ chức sản xuất - kinh doanh hay đặt văn phòng đại diện thì phải thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm theo quy định của Luật Đất đai. Về quản lý lãnh thổ, đặc khu có chính quyền và cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân đặc khu theo quy định của Hiến pháp 2013. Các cơ quan này hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Từ những phân tích đã nêu cho thấy, muốn phản biện hay phản đối về một vấn đề nào đó thì chủ thể phải hiểu rõ nội dung, bản chất của vấn đề mình quan tâm. Có như vậy thì chúng ta mới không tự mình chui vào cái bẫy của các thế lực phản động, thù địch và không vô tình trở thành con rối cho âm mưu đen tối của chúng. 

Và thật đáng buồn trong những ngày qua, khi Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thì các phần tử xấu đã kích động, lôi kéo công nhân ở một số ít địa phương tụ tập đông người gây ách tắc giao thông và có những hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động sản xuất, đến trật tự, an ninh và an toàn xã hội. Đặc biệt ở tỉnh Bình Thuận, lúc 17 giờ ngày 10-6, một nhóm người đã tụ tập di chuyển quanh chợ Phan Thiết và tập trung về trước cổng UBND tỉnh Bình Thuận, hô khẩu hiệu phản đối Dự luật Đặc khu. Một số người quá khích đã kích động và xúi giục những người đứng xem tham gia dùng gạch đá tấn công lực lượng công an. Vụ việc lên đỉnh điểm khi có hàng trăm thanh niên dùng gạch đá ném vào bên trong trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, đốt xe tại tòa nhà Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận...

Như vậy, những người quá khích trong vụ việc nêu trên không những bị nhân dân lên án, mà còn có thể phải đối mặt với án tù chung thân vì các hành vi: Gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản nhà nước, chống lại người thi hành công vụ...

D.V

  • Từ khóa
21062

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu