Thứ 6, 26/04/2024 19:37:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:45, 13/06/2018 GMT+7

Dân chủ và tôn trọng sự khác biệt

Thứ 4, 13/06/2018 | 13:45:00 1,799 lượt xem

BP - Lợi dụng việc Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, những ngày qua, trên mạng xã hội có nhiều tin nhắn rủ nhau “đi biểu tình chống Trung cộng”, “đi đấu tranh để không là nô lệ của ngoại bang”, có trường hợp còn trực tuyến trên mạng xã hội kêu gọi “phụ nữ Việt Nam đả đảo Trung Quốc thuê đất Việt Nam”… Và không khó nhận thấy đây là những trường hợp lợi dụng tình hình thời sự của nước ta gây hoang mang trong cộng đồng, gieo mầm phá hoại các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Là người yêu nước và hiểu biết, hãy tỉnh táo và thận trọng trước những thông tin không chính thống, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Ngày 9-6, Cổng thông tin điện tử Quốc hội phát thông cáo báo chí về Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Thông cáo có nội dung sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được ban soạn thảo và Chính phủ xem xét rất kỹ lưỡng trước khi trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Bởi đây là dự luật quy định liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế đột phá, thu hút đầu tư tầm vĩ mô và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi được công bố và trình Quốc hội, một số quy định trong dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cán bộ lão thành và cử tri cả nước. Trong đó đáng quan tâm và có ý kiến nhiều nhất là nội dung quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất - kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Các ý kiến chia làm 2 luồng rõ rệt, một là băn khoăn lo lắng về giới hạn tối đa thời hạn cho thuê và các quy định pháp luật khác ràng buộc, liên quan; hai là cho rằng cần có một cơ chế vượt trội như dự thảo luật đã nêu mới có thể cạnh tranh được với đặc khu kinh tế của các quốc gia trong khu vực, châu lục...

NỀN DÂN CHỦ KHÁC BIỆT

Ngay khi nhận được ý kiến phản hồi, trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe ý kiến của nhân dân, cử tri và báo cáo Quốc hội quyết định theo thẩm quyền, Quốc hội có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận quy định đó. Và trả lời của người đứng đầu Chính phủ cho thấy, đó là trả lời thẳng thắn và trách nhiệm rất cao. Hành động của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy rất nhiều điều trong vấn đề này, trong đó có hai vấn đề rất đặc biệt. Thứ nhất, đó là sự sáng suốt, bản lĩnh và một tinh thần sẵn sàng cầu thị, lắng nghe sâu sắc khiến nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào Chính phủ, Quốc hội. Thứ hai, qua đó cho thấy nền dân chủ ở Việt Nam là như thế nào.

Lâu nay, các thế lực thù địch và cả một bộ phận người dân bị tiêm nhiễm quan điểm của thế lực thù địch thường chê Việt Nam là nước kém dân chủ hoặc dân chủ hình thức, nhân dân không có quyền hành gì trong các vấn đề của đất nước;... Nhưng qua sự việc trên có thể khẳng định, dân chủ ở Việt Nam là một nền dân chủ đặc biệt. Và việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một minh chứng điển hình cho thực tiễn dân chủ ở Việt Nam.

Không cứ như ở nhiều quốc gia trên thế giới, phải có băng rôn, có biểu tình, có chống đối, thậm chí có bạo động mới là có dân chủ. Qua Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho thấy, người dân Việt Nam không cần phải làm như thế. Nếu có quan điểm trái chiều, có góp ý phản biện thì tự do, dân chủ bày tỏ trên báo chí hoặc địa chỉ nhận góp ý trên website công bố dự thảo luật qua các hộp thư góp ý của Đảng, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Và Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe, xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng và thực thi nguyện vọng của nhân dân. Đây là sự đặc biệt và cũng là sự khác biệt về dân chủ ở Việt Nam với nhiều nền dân chủ khác.

NGUYÊN TẮC CỦA DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI

Về lý luận, có thể khẳng định rằng, dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn hướng tới. Qua các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhấn mạnh việc củng cố và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Gần đây nhất, tháng 1-2016, tại Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân dưới nhiều hình thức dân chủ khác nhau, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thúc đẩy việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách toàn diện. Dân chủ xã hội chủ nghĩa đã và đang là động lực của sự phát triển đất nước, là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thực hành dân chủ, nhân dân tham gia vào việc tổ chức, lập ra bộ máy nhà nước thông qua bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Nhân dân tham gia vào việc quản lý của Nhà nước, quyết định các công việc trọng đại của đất nước thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh phát biểu ý kiến trực tiếp với cơ quan chức năng. Nhân dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước...

Từ đó có thể thấy, ở cả góc độ lý luận và thực tiễn, dân chủ ở Việt Nam có sự khác biệt với các nền dân chủ khác, quốc gia khác. Sẽ không thích hợp nếu đem những thước đo của phương Tây vào áp dụng với những điều kiện của châu Á hiện nay, hay của một quốc gia phương Tây nào đó vào Việt Nam. Thậm chí, có những vấn đề có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Ví dụ như ở phương Tây trẻ em có thể kiện cha mẹ ra tòa nếu lỡ đánh con một roi, nhưng ở Việt Nam làm điều này có thể xem là hành vi bất hiếu. Hoặc ở phương Tây người ta có thể nói những lời thô tục, thậm chí nhục mạ nguyên thủ quốc gia của họ, nhưng với văn hóa phương Đông điều đó là không thể chấp nhận được.

Dĩ nhiên, Đảng, Nhà nước ta cũng nhận thấy nguy cơ tha hóa, những biểu hiện vi phạm dân chủ, quan liêu, tham nhũng, xa dân... Và trong quá trình đấu tranh với sự tha hóa đó có vai trò rất lớn từ sự phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Nhiều vụ việc cán bộ tha hóa bị nhân dân phát hiện, tố cáo và hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý - điều hiếm thấy ở các nước phương Tây...

Ngày nay, nền dân chủ Việt Nam đã được bạn bè trên thế giới khẳng định là một sự sáng tạo và phù hợp trong tiến trình phát triển đất nước. Bạn bè cũng tôn trọng sự khác biệt của Việt Nam. Hơn thế, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt cũng là một nguyên tắc của dân chủ hiện đại. Những ai còn cố ý phủ nhận điều này, chắc chắn sẽ không theo kịp sự phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới.

Trần Phương

  • Từ khóa
2771

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu