Thứ 6, 26/04/2024 15:44:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:02, 08/10/2015 GMT+7

Ðừng tự làm xấu mình!

Thứ 5, 08/10/2015 | 10:02:00 66 lượt xem
BP - Khách mở cửa thoát hiểm, làm bung cầu phao cứu hộ, nạt nộ, đe dọa tiếp viên, nhân viên làm thủ tục là 1.001 chuyện trên những chuyến bay. Trong những tình huống ấy, máy bay phải tạm dừng bay, uy tín bị ảnh hưởng, gây phiền hà cho những hành khách khác. Với hành khách gây rối ngoài chịu nộp phạt, còn có thể bị cấm không thể bay, kể cả khi thay đổi hãng vận chuyển. Đừng vì những hành động bộc phát, nóng giận mà ảnh hưởng đến chính bản thân và hình ảnh của người Việt Nam, bởi chuyến bay còn có những vị khách nước ngoài.

Chuyện xảy ra mới nhất là tối 27-9, một hành khách tên N.T.T trên chuyến bay BL598 của Hãng hàng không Jetstar Pacific từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng đã tự ý mở cửa thoát hiểm khi vừa lên máy bay. Chuyến bay dự định cất cánh lúc 19 giờ 50 phút phải hoãn 1 tiếng đồng hồ để các kỹ sư tạm gấp lại phao cứu sinh cửa thoát hiểm. Sau sự cố, máy bay tiếp tục khởi hành, song phải giảm bớt 34 hành khách để đảm bảo an toàn theo quy định. Bởi vì, trên máy bay, mỗi cửa thoát hiểm đều được bố trí xuồng phao cứu sinh, tự động bung ra khi cửa mở. Khi một xuồng phao cứu sinh không sử dụng được đồng nghĩa phải giảm số lượng khách tương ứng. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết, tùy tiện trong hành động của hành khách này mà hãng hàng không phải lắp đặt lại xuồng phao, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Không chỉ chậm chuyến bay đó, sự cố còn làm chậm dây chuyền tới chuyến bay BL599 khi dự định cất cánh lúc 21 giờ 50 phút tối 27-9 theo chiều bay ngược lại. Một số hành khách trên chuyến BL 599 cũng phải lùi sang ngày hôm sau do bị cắt giảm theo quy định.

Cũng trong tháng 9 vừa qua, một nữ hành khách từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh đã bị xử phạt hành chính vì cố tình sử dụng điện thoại khi máy bay đang cất cánh, bất chấp cảnh báo liên tục của tiếp viên hàng không trước đó. Tổ bay đã xin đưa máy bay về sân đỗ rồi lập biên bản với hành khách P.T.H. Điều đó khiến chuyến bay khởi hành chậm gần một tiếng đồng hồ so với kế hoạch. Theo quy định, khách sử dụng điện thoại trên máy bay bị phạt hành chính 4 triệu đồng. Nếu không nộp phạt, khách có thể bị cấm bay có thời hạn.

Nếu thường đi máy bay, mọi người sẽ chứng kiến việc hành khách sử dụng điện thoại khi đang ngồi trong khoang máy bay là không hiếm. Họ phớt lờ cảnh báo về việc sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay mà không hiểu sóng vô tuyến từ các thiết bị điện tử có thể gây nhiễu hệ thống điện tử của máy bay, dẫn đến mất an toàn hàng không.

Lại có chuyện động trời khác là hành khách làm giấy tờ giả để đi máy bay. Khi kiểm tra, nhân viên an ninh phát hiện hành khách N.T.H giả mạo giấy xác nhận nhân thân để lên máy bay. Người này không biết rằng, nếu bị phát hiện sẽ chịu phạt hành chính với mức cao nhất lên tới 10 triệu đồng và cũng không được đi máy bay. Còn Đ.D.T, khi bị kiểm tra chứng minh nhân dân đã đánh nhân viên an ninh sân bay (Cát Bi - Hải Phòng) và đập đầu vào cửa kính, lấy mảnh kính vỡ tự rạch tay mình. Lực lượng chức năng sân bay Cát Bi đã yêu cầu hãng hàng không ngừng chuyên chở hành khách này, đồng thời bàn giao cho Công an quận Hải An (Hải Phòng) xác minh các giấy tờ tùy thân của hành khách và tiếp tục xử lý vụ việc. Một trường hợp khác là vị khách ở Hà Nội là N.T.K mang lọ mắm cà trong hành lý xách tay, khi cơ quan an ninh yêu cầu bỏ ra, anh này đã cãi vã, lăng mạ và ném mạnh lọ mắm cà xuống sàn. Hành động vô văn hóa này bị phạt 750 ngàn đồng. Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ xô xát giữa nhân viên hàng không và hành khách. Theo Cục Hàng không, 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 7 vụ hành khách gây rối, trong đó có 3 vụ nhân viên hàng không bị hành hung.

Có thể nói, phần lớn hành khách đi máy bay là những người có điều kiện kinh tế, có sự hiểu biết và có thể đã di chuyển nhiều bằng máy bay. Nhưng vì một chút lợi thế cho bản thân, họ đã không kiểm soát được bản thân. Nhìn nhận ở góc độ lớn hơn, sự không tuân thủ quy định của sân bay cho thấy sự yếu kém trong nhận thức xã hội của một số người Việt. Và điều không thể phủ nhận là sự quản lý xã hội yếu kém của các cơ quan chức năng. Mọi người cần phải hiểu, khi cách ứng xử không đúng nơi công cộng sẽ không được tôn trọng. Tại nhà ga, hàng không - nơi có nhiều hành khách là người nước ngoài - người Việt mình nên thể hiện sự thân thiện, văn minh của nước chủ nhà với khách nước ngoài vì chính hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. 

An Nhiên

  • Từ khóa
52611

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu