Thứ 6, 29/03/2024 09:21:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:35, 12/03/2013 GMT+7

Đời như tầm gửi (tt)

Thứ 3, 12/03/2013 | 15:35:00 353 lượt xem

>> Bài 1 Những phận đời cơ cực
>> Bài 2 Xóm chạy thận

Hiện nay, số người mắc bệnh thận mạn đang tăng dần, nhu cầu chạy thận nhân tạo vì thế cũng tăng lên. Nhiều người đã vĩnh viễn ra đi và nhiều người phải sống “tầm gửi” gia đình, xã hội, đặc biệt là những người phải chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện ngoài tỉnh. Họ cần lắm những sự trợ giúp từ  xã hội để được tiếp tục sống.

Bài cuối Bao giờ người suy thận mạn được điều trị tại bệnh viện tỉnh?

Gặp gỡ, chứng kiến những gia đình có người mắc bệnh thận mạn, chúng tôi không khỏi thương cảm và xót xa. Vì có nhiều người là chồng, là cha, là chỗ dựa của cả gia đình nhưng nay không thể làm việc lại phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. Đặc biệt, số người nghèo mắc bệnh thận ngày càng gia tăng...

TRUNG TÂM CHẠY THẬN NHÂN TẠO LUÔN QUÁ TẢI

Hiện nay, Trung tâm chạy thận nhân tạo (TNT) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang trong tình trạng quá tải, danh sách bệnh nhân mắc bệnh thận mạn ngày càng nhiều. Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó khoa Nội tổng hợp, phụ trách chính Trung tâm chạy TNT Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Hiện danh sách bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn đăng ký chạy TNT tại trung tâm lên tới con số hàng trăm người, nhưng trung tâm chỉ có 6 máy lọc thận nên chỉ điều trị cho 62 bệnh nhân. Bệnh viện chỉ có thể nhận thêm, nếu trong số 62 bệnh nhân này có người được đi ghép thận hoặc được đầu tư thêm máy chạy thận”.

Người mắc bệnh thận mạn vẫn bị cơn đau nhức hành hạ khi nằm trên giường chạy thận

Không chỉ thiếu máy, Trung tâm chạy TNT hiện thiếu cả nhân lực. Bác sĩ Từ Phương Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Với 6 máy lọc TNT hoạt động 4 ca/ngày (mỗi ca 4 giờ), nhưng cả trung tâm chỉ có duy nhất một bác sĩ. Vì thế, bác sĩ phải làm việc 16 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Nếu chẳng may, bác sĩ ốm đau hay gia đình bận chuyện thì trung tâm không thể hoạt động. Do chính sách đãi ngộ chưa phù hợp nên việc thu hút bác sĩ về làm việc tại bệnh viện rất khó. Toàn bệnh viện đang thiếu khoảng 80 bác sĩ.

 Dù phải làm việc 16 giờ/ngày nhưng bác sĩ Lê Thành Chung vẫn mong trung tâm có thêm máy lọc thận để những người mắc bệnh thận mạn có thêm cơ hội sống. Bác sĩ Chung chia sẻ: Vì quá tải nên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn phải đi điều trị xa nhà, mà những người mắc bệnh thận mạn đều là người nghèo. Để họ đi chạy thận ngoài tỉnh, chúng tôi thấy thật xót xa. 

RẤT CẦN NHỮNG MÁY LỌC THẬN CỨU NGƯỜI

Theo bác sĩ Chung, hiện trung tâm cần thêm 6 máy lọc TNT và một bác sĩ chuyên ngành để giải quyết nhu cầu của người dân trong tỉnh. “Về cơ sở vật chất, nếu có máy, chúng tôi sẽ đặt tại phòng chờ chạy TNT”. Tuy nhiên, vấn đề quá tải ở khoa lọc TNT không thể giải quyết một sớm một chiều. Nhiều năm nay, trung tâm đã báo cáo lên Ban giám đốc bệnh viện về tình trạng quá tải, nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu kinh phí.

Bác sĩ Từ Phương Nam cho biết thêm: Dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên 600 giường bệnh đã được phê duyệt, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng trung tâm chạy TNT. Tuy nhiên, do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nên việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa bệnh viện đành phải chờ. Hiện chúng tôi đã kêu gọi xã hội hóa để mua máy chạy TNT, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn rất khó thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép mua 2 máy lọc TNT theo hình thức trả góp.

Tuy nhiên khi trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở y tế về vấn đề quá tải ở Trung tâm chạy TNT, bác sĩ cho biết: Chúng tôi không thấy bệnh viện báo cáo tình trạng quá tải ở Trung tâm chạy TNT. Bệnh viện cũng không làm đề xuất mua máy lọc thận. Nếu thực sự cần thiết, sở sẽ có kế hoạch hỗ trợ trang bị thêm, nhưng chỉ có thể mua từ 2 đến 3 máy lọc thận.

 CÒN LẠI NỖI ĐAU

Máy lọc TNT có giá khoảng 3.000 USD. Để đáp ứng nhu cầu chữa trị của bệnh nhân mắc thận mạn, Trung tâm chạy TNT cần đầu tư thêm 6 máy lọc thận, tương đương khoảng 3,6 tỷ đồng. Tính theo chi phí điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay, nếu bệnh nhân không có BHYT phải đóng 600 ngàn đồng cho một lần chạy, chưa kể tiền thuốc; nếu có BHYT nhưng chạy dịch vụ thì mỗi lần chạy phải đóng thêm 200 ngàn đồng (bảo hiểm chi trả 400 ngàn đồng). Theo đó, đối với bệnh nhân không có BHYT, nếu một tuần chạy TNT 3 lần thì chỉ tính riêng tiền chạy đã tốn 1,8 triệu đồng; nếu có BHYT mà chạy dịch vụ thì tốn 600 ngàn đồng.

Phải đi lại ba lần, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Thu Sương, vợ anh Trần Văn Dũng ở xã Minh Hưng (Chơn Thành) - người đã bị căn bệnh suy thận cướp đi mạng sống ở tuổi 39. Trên khuôn mặt khắc khổ của chị còn hằn rõ những nếp nhăn nơi khóe mắt, vì đã bao lần khóc thương chồng. 9 năm trước, anh Dũng bị bệnh thận, chị Sương phải theo anh đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị. Khi phát hiện bệnh thì anh Dũng đã ở giai đoạn cuối. Thời điểm đó vào năm 2003, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có máy chạy thận, anh chị phải dắt díu nhau xuống Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) để điều trị.

Sức khỏe anh Dũng yếu dần và đi lại khó khăn, vợ chồng chị phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện chữa trị. Số tiền chạy thận, thuốc men và sinh hoạt 9 năm qua đã làm cho gia đình chị Sương kiệt quệ. Chị Sương đang lo trả khoản nợ gần 50 triệu đồng mượn của người thân để chạy chữa cho chồng.

Rất nhiều gia đình khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự chị Sương. Họ đã bán hết sản nghiệp, vay mượn người thân để vợ, chồng hay con chạy thận. Theo thời gian, tài sản hết, số tiền vay mượn tăng dần và rồi người thân cũng mất. Chỉ còn lại nỗi đau chia ly và những món nợ. Rất mong chính quyền các cấp quan tâm đến những người mắc bệnh suy thận mạn trên địa bàn tỉnh và có chính sách đầu tư thêm máy chạy TNT để những bệnh nhân nghèo có thêm cơ hội sống.                

Nhất Sơn - Hải Châu

  • Từ khóa
92186

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu