Thứ 5, 02/05/2024 18:03:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:58, 09/06/2014 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào công tác lập pháp

Thứ 2, 09/06/2014 | 14:58:00 1,691 lượt xem
BP - Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tuần làm việc thứ ba. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục có những ý kiến quan trọng đóng góp vào công tác lập pháp và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Thảo luận về Dự án luật này, đại biểu Trần Ngọc Thuận cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội bộc lộ nhiều bất cập, chưa có quy định cụ thể và chưa luật hóa địa vị pháp lý của các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc của Quốc hội. Do vậy, luật cần sớm sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đại biểu Trần Ngọc Thuận đề nghị ban soạn thảo cần rà soát bổ sung các quy định phù hợp với Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước. Về quy định số ĐBQH, đại biểu Thuận cho rằng, 500 đại biểu như hiện nay là đảm bảo; đồng thời đề nghị nâng số lượng đại biểu chuyên trách lên 35% và tăng thêm ở các địa phương.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị luật cần tạo cơ chế để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo đại biểu Lợi để tránh tình trạng “nghị gật”, cần tăng lên 50% đại biểu chuyên trách và tiến tới 2/3 đại biểu chuyên trách, hạn chế số đại biểu ở khối hành pháp để kiểm soát tốt quyền lực.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ngoài việc tuân thủ các quy định mới của Hiến pháp, luật phải có những quy định cụ thể, chi tiết nhằm góp phần khắc phục những bản án oan sai; tạo được niềm tin của nhân dân đối với tòa án, nhất là tòa hành chính.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng bày tỏ sự thống nhất cao phương án tổ chức tòa án cấp sơ thẩm khu vực, vì phù hợp với nguyên tắc “Tòa án nhân dân được tổ chức, hoạt động theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đồng thời quy định cụ thể hơn vai trò, chức năng của Hội thẩm nhân dân.

Thảo luận về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị bổ sung thêm đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp.

Về thời điểm lấy phiếu có 2 phương án. Phương án 1, vẫn giữ thời hạn lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Nghị quyết số 35; Phương án 2, mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ. Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Lợi, Quốc hội nên giữ thời hạn là 1 năm lấy phiếu tín nhiệm một lần, chức danh nào qua 2 lần tín nhiệm thấp thì chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị ở địa phương mở rộng thêm lãnh đạo các sở ngành, phòng ban chuyên môn để nâng cao hiệu quả điều hành của hệ thống hành pháp.

Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp, tuần qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đã có 6 lượt đại biểu tham gia đóng góp ý kiến với trên 10 nội dung khác nhau để bổ sung vào các dự án luật cũng như các văn bản, tờ trình của Quốc hội. Những ý kiến đóng góp của đoàn rất xác đáng và là cơ sở để các cơ quan soạn thảo bổ sung, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hôm nay (9-6), Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ tư với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đáng chú ý là phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu.

Trần Thể

  • Từ khóa
11290

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu